Clip: Văn nghệ nơi thôn, bản vùng cao
Đã thành thông lệ, vào những buổi tối ngày cuối tuần, tại nhà văn hóa bản Hùn (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) lại nhộn nhịp, sôi động. Người già, người trẻ chen chân nhau bên các ô cửa chính, cửa số nhà văn hóa bản đang văng vẳng tiếng đàn ca, tiếng khèn, tiếng tính tẩu…. mượt mà những làn điệu dân tộc Thái.
Bà Tòng Thị Hoàn, Đội trưởng đội văn nghệ bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) cho biết: Năm 2005, đội văn nghệ của bản được thành lập và đi vào hoạt động. Ban đầu bản chỉ có một đội, với 12 thành viên, đến nay bản Hùn đã có 4 đội văn nghệ thuộc các tổ chức Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Người cao tuổi và Chi Hội Nông dân.
Nội dung những tiết mục luyện tập, giao lưu của các đội văn nghệ khá phong phú. Bên cạnh chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, các tiết mục múa hát còn được lồng ghép tuyên truyền một số nội dung gắn với đời sống như: Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới, bảo vệ môi trường...
Không những vậy, buổi sinh hoạt chung là dịp để mọi người trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập, dạy con, cháu chăm ngoan, học giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc...
"Không ai bảo ai, cứ tối thứ 7 hàng tuần, 4 đội văn nghệ của bản lại tập trung tại nhà văn hóa để cùng nhau luyện tập các bài hát, bài múa. Ai đến tập luyện cũng đều vui vẻ, hào hứng. Chúng tôi thường xuyên luyện tập những điệu múa cổ của người Thái như: điệu xòe "Phá xí", nghĩa là xòe bốn phương với tốp múa bốn người hay những làn điệu dân tộc "Khôn Lú Náng Ủa" nói về tình yêu đôi lứa... Được hát, được múa giúp chúng tôi quên hết những mệt mỏi sau mỗi ngày đi ruộng, đi nương", bà Hoàn nói.
Là thành viên trẻ tuổi nhất trong đội văn nghệ Chi Hội Nông dân của bản Hùn, chị Tòng Thị Liên, chia sẻ: Cứ vào ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm của bản, của xã, của đất nước... các đội văn nghệ từ đội thanh niên đến đội người cao tuổi còn tổ chức tọa đàm, thi văn nghệ, chọn ra những tiết mục đặc sắc. Chúng tôi cùng chia sẻ những động tác múa đẹp để chọn ra những tiết mục hay nhất phục vụ đời sống tinh thần của bản và các chương trình biểu diễn khác khi được mời.
Theo chị Liên, để lưu giữ văn hóa của người Thái, vào dịp lễ, tết, ngày hội của bản, các thành viên trong Đội văn nghệ của bản Hùn thường xuyên mặc trang phục truyền thống. Nam giới mặc bộ quần áo thổ cẩm nhuộm màu đen; còn nữ giới nổi bật với bộ áo cóm, váy dài màu đen đến mắt cá chân, đầu đội khăn piêu. Đặc biệt, để kế thừa và duy trì phong trào văn nghệ của bản, các thành viên trong đội văn nghệ còn tuyên truyền vận động, chú trọng bồi dưỡng nhân tố kế cận tham gia.
Không chỉ múa hay, hát giỏi, các thành viên trong đội văn nghệ còn là những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thi đua phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Các đội văn nghệ luôn hưởng ứng phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Bản Hùn cũng là bản được xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La lựa chọn xây dựng bản Nông thôn kiểu mẫu.
Trao đổi với phóng viên, ông Quàng Văn Bun, Trưởng bản Hùn xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) cho biết: Đồng thời với việc phát triển văn hóa văn nghệ để nâng cao đời sống tinh thần cho các hội viên nông dân trong bản, chúng tôi cũng xác định việc nâng cao thu nhập cho các hội viên nông dân, xây dựng nông thôn mới là mục tiêu hàng đầu.
Chính nhờ đời sống vật chất được cải thiện nên đời sống tinh thần ngày càng được nâng cao. Khi cái bụng đã no ấm, cái đầu, cái tâm lại yêu mến quê hương, yêu mến truyền thống văn hóa của dân tộc mình thì cái xấu, kẻ xấu sẽ không lôi kéo được dân bản chúng tôi vào những việc phi nghĩa, bất chính.
Các chị em trong đội văn nghệ là những người nông dân thực sự, họ luôn hăng say sản xuất, phát triển kinh tế. Các thành viên đội văn nghệ nhà ít thì cũng có 1 ha, nhà nhiều thì có tới vài ha canh tác cây cà phê, cây ăn quả... Nhờ vậy thu nhập của mỗi gia đình ngày càng nâng cao. Có nhà thu vài trăm triệu đồng một năm.
"Khi các thành viên trong đội văn nghệ luyện tập, hay đi giao lưu với các bản khác, họ không chị múa đẹp, hát hay mà họ trò chuyện, trao đổi với nhau kinh nghiệm về việc chọn giống cây trồng, con vật nuôi; chăm sóc cây trên nương... Nhờ vậy họ nắm bắt được thêm nhiều kỹ thuật canh tác về áp dụng tại mô hình của gia đình để nâng cao thu nhập.
Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng của bản được hoàn thiện, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt ở mức cao. Trên 95% hộ gia đình có nhà đạt chuẩn theo quy định. Bản được công nhận bản văn hóa, 100% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh", ông Bun cho biết.
Nói về phong trào văn nghệ ở xã Chiềng Cọ, ông Tòng Văn Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: Xã có 9 bản, thì cả 9 bản đều có đội văn nghệ. Tham gia đội văn nghệ chủ yếu là các chị, các em, các bà. Vào các buổi tối cuối tuần, các đội văn nghệ tập trung ở nhà văn hóa bản, luyện tập các bài múa, bài hát, các nhạc cụ của dân tộc mình. Đặc biệt, các đội văn nghệ thường xuyên giao lưu nên tay nghề ngày một nâng cao.
Những bài hát, điệu múa của người Thái nơi đây đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi thành viên. Việc luyện tập các tiết mục mới, hay những bài xòe cổ từ thời trước truyền lại, luôn được các thành viên trong đội luyện tập tự nguyện, tự giác. Kể cả những khi vào vụ sản xuất thì các buổi tối cuối tuần, họ lại tụ về nhà văn hóa bản để cùng ngân lên nhịp tính tẩu, nhịp trống xòe, những bài dân ca Thái và hướng dẫn cho nhau từ dáng múa, từng bước đi sao cho đúng nhịp.
Ngoài biểu diễn thường kì, các đội văn nghệ quần chúng còn tham dự liên hoan, hội diễn do thành phố, do tỉnh tổ chức. Những tiết mục tự dàn dựng với nội dung phong phú, lồng ghép tuyên truyền việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ; xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới tại địa phương. Nhờ có sự chung sức, đồng lòng của các thành viên trong Đội văn nghệ và người dân trong bản, nên bản sắc văn hóa của người Thái nơi đây luôn được bảo tồn, phát huy.
Để duy trì, phát huy, hàng năm các đội văn nghệ đều được hỗ trợ một khoản kinh phí. Ngoài ra, các đội văn nghệ còn kêu gọi xã hội hóa, huy động nhân dân đóng góp, hỗ trợ một phần kinh phí thuê đạo cụ, trang phục để duy trì hoạt động, tham gia biểu diễn, giao lưu, liên hoan, hội thi, hội diễn. Góp phần giới thiệu, quảng bá những bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc đến du khách khi về với mảnh đất Chiềng Cọ.