Chia sẻ với Dân Việt bên lề Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, ông Nguyễn Văn Bi – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Hòa Phát ở khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ cho biết: “Được trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, tôi thấy rất vinh dự và tự hào, bản thân tôi tự hứa với lòng mình, sau khi nhận danh hiệu sẽ nỗ lực hơn nữa, cùng các thành viên HTX cung cấp cho thị trường những sản phẩm rau, củ chất lượng, an toàn nhất.
Được biết, từng lâm vào cảnh nợ nần, bán nhà trả nợ, nhờ gắn bó với cây rau muống, ông đã thoát nghèo, làm giàu. Không những thế, ông Bi còn vận động thêm 5-6 hộ dân ở cùng địa phương tham gia thành lập tổ hợp tác trồng rau muống.
Đến tháng 7/2010, tổ hợp tác trồng rau muống của ông Bi được "nâng cấp" lên HTX rau an toàn Hòa Phát. Với số hộ tham gia khoảng 8 hộ, tổng diện tích trồng rau từ 3-4ha. Hơn 10 năm qua, HTX rau an toàn Hòa Phát luôn phát triển ổn định. Diện tích đã tăng lên 6ha và đến 10 hộ dân tham gia.
Ông Bi cho biết, hiện nay, mỗi ngày, HTX rau an toàn Hòa Phát bán ra từ 3-5 tấn rau muống, với giá từ 5.000-8.000 đồng/kg, thu về từ 15 - 40 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập rất bền và kéo dài hơn 10 năm qua, giúp cuộc sống của gia đình ông Bi dần khá lên, xây được căn nhà khang trang.
"Các thành viên trong HTX ở đây giàu hết chứ không nói thoát nghèo nữa. Cứ 1.500m2 đất trồng rau muống, 1 ngày sẽ bán được khoảng 300 kg rau muống, với giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg, có thể thu về 1,5 triệu đồng, trong đó tiền lời khoảng 1 triệu đồng" - ông Bi thông tin.
Hỏi ông tại sao chủ yếu ông trồng muống, ông Bi cho biết: Vì đây là loại rau phổ biến, dễ trồng, dễ tiêu thụ, cũng là loại rau có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như giảm cholesterol, hỗ trợ điều trị thiếu máu, phòng chống tiểu đường,...
Vừa đáp chuyến bay từ Hà Nội về nhà, nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 của Bình Phước – anh Đặng Dương Minh Hoàng đã khoe bàn tiệc bà con lối xóm và các thành viên của trang trại Thiên Nông tổ chức để đón chào Nông dân Việt Nam xuẩt sắc. Hoàng cũng khoe mình có thể sắp được tham gia một diễn đàn thanh niên do Bộ Ngoại giao tổ chức.
Trong khi đó, anh Hoàng Mạnh Ngọc, Trần Văn Thắng (Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 của Hà Nội) và anh Nguyễn Văn Mùi (nông dân Việt Nam xuất sắc 2022) của Bắc Giang đã kịp hứa hẹn nhau lên thăm trang trại, cùng bàn chuyện làm ăn; trong khi đó, chàng trai Ê Đê Y Pốt Niê của núi rừng Tây Nguyên mang nụ cười hạnh phúc đi khắp nơi chia sẻ, giao lưu với các cô bác, các anh, các chú nông dân vốn rất giàu kinh nghiệm, tự nhiên, gần gũi như câu chuyện một bác sĩ từng có việc làm ổn định ở một bệnh viện lớn của Tây Nguyên bỗng nhiên bỏ về rang xay và xây dựng thương hiệu cà phê của riêng mình không phải của mình.
Y Pốt Niê tâm sự: “Tham gia Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, em cảm thấy rất vinh dự và tự hào, cũng cảm thấy ấm cúng vì ai cũng gần gũi, chân tình như các cô, bác trong nhà vậy”.
Nghệ nhân Mai Thị Hợp, Giám đốc HTX Thổ Cẩm Xanh (A Lưới, Thừa Thiên – Huế) lại coi lần ra Hà Nội nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc như một cơ hội giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của người Tà Ôi, giới thiệu tấm thổ cẩm đã cùng bà con Tà Ôi thăng trầm qua bao thời gian, năm tháng.
Gắn bó với nghề dệt zèng (thổ cẩm) từ năm 12 tuổi, đến nay, nghệ nhân Mai Thị Hợp đã có công rất lớn trong việc bảo tồn, phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình, không những thế còn tạo nhiều việc làm cho nhiều chị em phụ nữ.
HTX Thổ Cẩm Xanh bắt đầu hình thành dưới hình thức tổ hợp tác từ năm 2012, qua nhiều năm hoạt động hiểu quả đến nay HTX hiện có hơn 100 chị em tham gia, mang lại thu nhập hơn 350 triệu đồng/năm.
Là những nông dân lớn tuổi nhất được tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022, 2 tỷ phú trồng sầu riêng ở Hậu Giang đều cảm thấy rất hứng khởi khi được ra Hà Nội nhận danh hiệu cao quý, không hề thấy dấu vết của tuổi tác ở hai lão nông này dù lịch trình của các nông dân Việt Nam xuất sắc những ngày ở Hà Nội khá bận rộn.
Lão nông Võ Văn Em (sinh năm 1945, ấp Long Trường 1, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết, năm 2014, sau thời gian nghiên cứu, học hỏi từ nhiều nhà vườn trồng sầu riêng tại Tiền Giang, ông mạnh dạn chuyển đất trồng lúa sang trồng sầu riêng. Ban đầu, ông chuyển 3ha đất lúa sang trồng sầu riêng Ri6, sau 4 năm ông thu hoạch vụ sầu riêng đầu tiên được khoảng 30 tấn, giá giao động từ 35.000-37.000 đồng/kg.
Ông Em tính toán, với 3ha đất trồng sầu riêng ông thu lợi nhuận cao cao gấp mấy lần thu nhập từ 16ha trồng lúa của gia đình những năm trước. Từ đó ông mạnh dạn chuyển toàn bộ 16ha đất trồng lúa sang trồng sầu riêng. Với 16ha đất ruộng, ông lên liếp trồng 4.000 gốc sầu riêng Ri6 và Monthong, hiện đã có 1.000 gốc sầu riêng Ri6 cho thu hoạch. Không những thế, ông còn áp dụng được kỹ thuật cho sầu riêng ra trái nghịch vụ. Ông đang hy vọng vụ tới, sầu riêng sẽ được mùa được giá.
Và còn nhiều những tấm gương nông dân như thế đã và sẽ được tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc, họ góp phần làm cho bức tranh nông nghiệp, nông thôn ngày càng đa sắc.