Theo người dân địa phương, sở dĩ người ta đặt cho cây cái tên “cây đi bộ” bởi chúng có thể di chuyển từ nơi bóng râm ra ánh sáng mặt trời bằng cách cắm rễ mới theo hướng nó muốn di chuyển, còn các rễ già sẽ từ từ bật lên, khô lại và mục đi.
Chính những chiếc rễ đã già cỗi của cây cho phép Socratea Exorrhiza "đi bộ" khỏi điểm nảy mầm. Cho dù điều đó có đúng hay không, thì bộ rễ bất thường của loài cây này cũng tách ra từ thân cây cách mặt đất khoảng 1m và càng làm chiếc cây giống như có chân.
Peter Vrsansky, nhà cổ sinh vật học từ Học viện Khoa học Slovakia, giải thích: "Khi đất xói mòn, cây sẽ mọc ra những rễ mới, dài và tìm đến mặt đất mới vững chắc hơn. Sau đó, khi rễ cây cố định trong đất mới, loài cây này sẽ tự uốn cong về phía rễ mới, rễ cũ từ từ teo dần và chết đi. Toàn bộ quá trình để cây di dời đến một nơi mới có ánh sáng Mặt Trời tốt hơn và nền đất vững chắc hơn có thể mất vài năm".
Những "cây đi bộ" ở Ecuador có bộ rễ cao hơn những cây khác, bắt đầu từ gần cuối thân của chúng. Các nhà khoa học chưa rõ về vai trò của những chiếc rễ mọc ra từ thân.
Một số cho rằng chúng giúp cho cây vững chắc hơn, một số khác cho rằng chúng giúp cây mọc cao hơn mà không tăng đường kính thân cây. Những giả thuyết này đến nay vẫn chưa được chứng minh rõ ràng.
Tuy nhiên, nhà sinh vật học Gerardo Avalos, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững tại Atenas, Costa Rica cho rằng đây chỉ là do người dân "nói quá" nhằm thu hút khách du lịch. Ông đã nghiên cứu và chỉ ra rằng cây "đi bộ" không hề có khả năng di chuyển.
Một vài rễ già ở cây có thể chết đi, tuy nhiên thân cây vẫn vững chắc tại vị trí ban đầu. Kết luận này được nhấn mạnh thêm bởi thực tế là, nếu bạn tìm kiếm nhanh, bạn sẽ không tìm thấy bất kỳ video tua nhanh thời gian nào cho thấy một trong những cái cây này thực sự đang "đi bộ".