Dân Việt

Bộ trưởng Bộ NNPTNT: An toàn thực phẩm là yêu cầu cốt lõi khi xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm

Trần Khánh 22/10/2022 18:33 GMT+7
An toàn thực phẩm, chất lượng và minh bạch là 3 yêu cầu cốt lõi trong việc xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững vì sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

An toàn thực phẩm là yêu cầu cốt lõi  

Ngày 22/10, Bộ NNPTNT phát đi thông cáo truyền đạt quan điểm và chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về vấn đề an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định: An toàn thực phẩm, chất lượng và minh bạch là 3 yêu cầu cốt lõi trong việc xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm trách nhiệm và bền vững vì sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng trong nước và ngoài nước.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định: An toàn thực phẩm  là 1 trong 3 yêu cầu cốt lõi xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm. Ảnh: Trần Khánh

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định: An toàn thực phẩm là 1 trong 3 yêu cầu cốt lõi xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm. Ảnh: Trần Khánh.

Thông cáo của Bộ NNPTNT được tổng kết sau khi Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc "Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam" ngày 18/10 tại TP.HCM.

Trước đó, đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đã phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức khảo sát một số chủ thể tham gia chuỗi giá trị nông sản cung ứng thành phố.

Theo Bộ NNPTNT, những năm qua, chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đã được cải thiện đáng kể nhưng tiến độ còn chậm, không ổn định; vẫn còn khoảng cách với các nước phát triển.

Tỷ trọng thực phẩm nông lâm thủy sản có khả năng truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ còn thấp. Điều này dẫn đến việc chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước, cũng như để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Số lô hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu bị nước nhập khẩu trả về, số vụ vi phạm an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc phát hiện trong nước đã giảm nhưng vẫn còn gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đã có chuyến khảo sát chuỗi cung ứng thực phẩm tại TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đã có chuyến khảo sát chuỗi cung ứng thực phẩm tại TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Trên cơ sở lắng nghe ý kiến đa chiều từ các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, các giải pháp của  lãnh đạo TP.HCM, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, Việt Nam sẽ tham gia tích cực vào sáng kiến của Liên Hợp quốc về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm trong tình hình mới.

Việt Nam sẽ thực hiện chương trình hành động xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm trách nhiệm, minh bạch và bền vững.

Theo đó, Bộ NNPTNT tiếp tục khẳng định lại quan điểm của mình, coi chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch là 3 yêu cầu cốt lõi trong việc xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm trách nhiệm, minh bạch và bền vững vì sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng trong nước và ngoài nước.

Lễ ký kết Kế hoạch phối hợp giữa các cơ quan ban ngành nhằm hỗ trơ TP.HCM phát triển chuỗi giá trị chất lượng, an toàn thực phẩm, minh bạch, bền vững. Ảnh: Trần Khánh

Lễ ký kết Kế hoạch phối hợp giữa các cơ quan ban ngành nhằm hỗ trợ TP.HCM phát triển chuỗi giá trị chất lượng, an toàn thực phẩm, minh bạch, bền vững. Ảnh: Trần Khánh

Chuẩn hóa hoạt động giám sát an toàn thực phẩm

Từ quan điểm trên, Bộ NNPTNT cho rằng, quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn, minh bạch nguồn thực phẩm phải được thực hiện từ gốc và trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Các bước, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản và sản phẩm nông nghiệp từng bước được quy phạm hóa. Trước mắt, đảm bảo chất lượng, an toàn, minh bạch nguồn thực phẩm cần có sự tham gia của các bên trong hệ thống lương thực, thực phẩm.

Trong đó, trách nhiệm đầu tiên là của cơ sở sản xuất kinh doanh và cơ quan quản lý các cấp. Các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, hệ thống khuyến nông cùng tham gia giám sát, hỗ trợ.

Bộ NNPTNT sẽ tổ chức quy phạm hóa các bước, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản và sản phẩm nông nghiệp, trước mắt là ở các hệ thống phân phối lớn, các chợ đầu mối nông lâm thủy sản ở các đô thị lớn. Ảnh: Trần Khánh

Bộ NNPTNT sẽ tổ chức quy phạm hóa các bước, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản và sản phẩm nông nghiệp, trước mắt là ở các hệ thống phân phối lớn, các chợ đầu mối nông lâm thủy sản ở các đô thị lớn. Ảnh: Trần Khánh

Bộ NNPTNT đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, Bộ NNPTNT ưu tiên triển khai ngay việc rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, điều chỉnh, bổ sung bảo đảm tính phù hợp, sát thực với yêu cầu thực tiễn.

Các quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản và sản phẩm nông nghiệp từng bước được quy phạm hóa. Trước mắt, Bộ NNPTNT tổ chức thực hiện trong các hệ thống phân phối lớn, các chợ đầu mối nông lâm thủy sản ở các đô thị lớn.

Bộ NNPTNT sẽ xây dựng, hướng dẫn kỹ thuật và tập huấn cho các nhóm đối tượng về cải thiện chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch chuỗi giá trị ngành hàng. Đồng thời, Bộ NNPTNT sẽ chuẩn hóa hoạt động giám sát, kiểm tra các cấp độ.

Bài viết có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản