Để phát triển bền vững và đóng góp xứng đáng hơn vào sự phát triển của vùng Đông Nam bộ theo tinh thần Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, Bình Dương đang nỗ lực giải quyết các thách thức của mình và của cả vùng.
Dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó đoán định. Các bất ổn về chính trị thế giới tiếp tục gây ra nhiều hệ quả tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, Việt Nam đang ngày càng được thế giới nhắc đến nhiều hơn với sự thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô và kiểm soát tốt lạm phát. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022 cả nước đạt 8,83% so với cùng kỳ.
Đóng góp vào sự ổn định và tăng trưởng đó, vùng Đông Nam tiếp tục đi đầu trong đổi mới và phát triển của cả nước. Trong đó, cùng với TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương đã trở thành vùng động lực trong tứ giác kinh tế phát triển của vùng.
Những năm gần đây, Bình Dương đang đóng góp ngày càng nhiều hơn vào tăng trưởng chung của cả vùng (10%), cũng như cả nước (4%).
Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chiếm 24,6% toàn vùng và 10% cả nước. Thu hút đầu tư nước ngoài của Bình Dương đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau TP.HCM.
Ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, những kết quả này đã đưa Bình Dương trở thành 1 trong những tỉnh thành tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Bộ.
So với thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, quy mô kinh tế của tỉnh tỉnh đến cuối năm 2021 đạt 408.861 tỷ đồng (gấp 104,3 lần), đứng thứ 3 cả nước. Trong đó nông nghiệp tăng 14,2 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần, công nghiệp tăng 140,6 lần.
Bình Dương không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương; là một trong số những địa phương thuộc tốp đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người. "Những kết quả bước đầu đó đã góp phần đưa Bình Dương sớm trở thành địa phương đạt mức thu nhập trung bình cao", ông Nhân nói.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp hiện vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tỉnh tế của tỉnh. Năng suất lao động còn thấp, dân số cơ học lại tăng cao. Những áp lực này đặt Bình Dương trước thách thức sớm phải đương đầu với bẫy thu nhập trung bình.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bình Dương đã xây dựng chiến lược 6 trụ cột để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Các chiến lược này không chỉ giúp Bình Dương giải bài toán về năng suất lao động, phát triển kinh tế, mà còn nhằm phát triển bền vững và đồng đều.
Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đã xác định: Khu vực Nam Bình Dương thuộc tiểu vùng trung tâm phát triển của toàn vùng. Khu vực này nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục đào tạo, y tế và đầu mối giao thương với quốc tế.
Khu vực Bắc Bình Dương thuộc tiểu vùng phía Bắc, là nơi phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, Bình Dương đang tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ mới, gắn liền với quy hoạch vùng.
Mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ của Bình Dương đồng thời gắn liền với khoa học công nghệ, thu hút các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số nhằm thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị, Nghị quyết số 24 đã xác định cần thiết phải: Hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch tích hợp, Bình Dương cũng đã quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, khu vực phát triển công nghiệp dọc các tuyến vành đai, cao tốc này, nhằm tạo không gian phát triển mới với nhiều dư địa.
Theo ông Minh, điều này sẽ giúp Bình Dương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di dời các doanh nghiệp, các khu công nghiệp trong đô thị không còn phù hợp quy hoạch, đồng thời tạo nguồn thu lớn từ quỹ đất để tái đầu tư phát triển.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, các nhân tố đổi mới sáng tạo đã tạo nên sự thành công của Bình Dương trong 25 năm qua. Tuy nhiên, những nhân tố này sẽ giảm dần tác dụng nếu Bình Dương tiếp tục phát triển dựa trên tư duy "kinh tế tỉnh".
Để tạo nên động lực mới và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Bình Dương cần chuyển sang tư duy phát triển "kinh tế vùng". Theo TS. Lịch, tư duy này dựa trên 4 mối liên kết:
Bố trí lực lượng sản xuất thông qua quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; Phối hợp xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng; Đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường lao động chung của vùng; Bảo vệ môi trường chung trên phạm vi toàn vùng.
Trong quá trình xây dựng công nghiệp hiện đại và đô thị thông minh, Bình Dương cũng xác định không thể đơn phương thực hiện. Bình Dương cần kết hợp từ nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn nội lực của vùng.
Vì thế, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và công tác quy hoạch của tỉnh Bình Dương đều nhắm đến việc liên kết đồng bộ cấp vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho rằng, mặc dù mục tiêu, định hướng đã rõ ràng, nhưng để hiện thực hóa vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết.
Trong quá trình liên kết phát triển vùng, Bình Dương và các tỉnh thành đang gặp không ít vướng mắc. Cụ thể, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai chưa có cơ chế đặc thù, và chưa được đầu tư đúng mức để thực hiện chức năng phát triển.
Mặc dù kết cấu hạ tầng của vùng được đầu tư khá lớn, đồng bộ nhưng ngày càng quá tải. Hạ tầng hiện nay chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục chất lượng cao.
Các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng do Trung ương đầu tư còn hạn chế và chậm triển khai, nhất là hạ tầng giao thông cả trên đường bộ, đường sắt.
Hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến đầu tư công, cũng như đầu tư tư nhân và hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều điểm vướng mắc, chồng chéo và chậm được sửa đổi.
Để đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ, nâng cao tính năng động của các địa phương trong vùng, tỉnh Bình Dương kiến nghị Trung ương sớm hoàn thành quy hoạch vùng. Đây là điều kiện làm cơ sở triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế, xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối.
"Trung ương cũng cần có cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng trong điều tiết ngân sách, cũng như đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực", ông Võ Văn Minh kiến nghị.