Xây dựng quy hoạch tích hợp tạo động lực đưa Bình Dương phát triển trong thời kỳ mới

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 22/09/2022 17:15 PM (GMT+7)
Thời kỳ 2021 - 2030, tỉnh Bình Dương phải xây dựng được quy hoạch tích hợp để giúp tỉnh vượt qua bẫy thu nhập trung bình, định hình diện mạo tương lai, tạo động lực đưa địa phương phát triển trong thời kỳ mới.
Bình luận 0

Đây là nhiệm vụ được đặt ra tại Hội thảo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, do Sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh Bình Dương, Tổng Công ty Becamex IDC phối hợp Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia tổ chức ngày 22/9.

Bình Dương đối diện hàng loạt thách thức

Tỉnh Bình Dương chính thức được tách ra từ tỉnh Sông Bé năm 1997. Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Dương đã có nhiều đổi khác.

Bình Dương đã chuyển mình từ một tỉnh thuần nông, trở thành một tỉnh phát triển về công nghiệp thuộc hàng tốt nhất trong khu vực và cả nước. Bộ mặt của tỉnh đã được thay đổi một cách rõ rệt trên nhiều phương diện.

Hội thảo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tổ chức ngày 22/9. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hội thảo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tổ chức ngày 22/9. Ảnh: Nguyên Vỹ

Năm 1997, Bình Dương chỉ có 6 khu công nghiệp với diện tích quy hoạch 800ha. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã thành lập được 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch hơn 12.662ha.

Cơ sở hạ tầng của Bình Dương ngày càng được hoàn thiện với chất lượng cao, các khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Đan xen vào đó là những khu đô thị cao cấp phục vụ các chuyên gia và những khu nhà ở xã hội phục vụ những người có thu nhập thấp.

TS Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Văn phòng thành phố thông minh Bình Dương đánh giá, cách thức quy hoạch này tạo ra sự bình đẳng trong việc thụ hưởng hạ tầng xã hội, thụ hưởng hệ thống y tế giáo dục cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Tổng hòa lại, quy hoạch này đã biến mô hình phát triển của Bình Dương trở thành mô hình kiểu mẫu tại Việt Nam. Mô hình này cũng đã lan tỏa ra nhiều tỉnh thành trong cả nước, thông qua các doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh.

TS. Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Văn phòng thành phố thông minh Bình Dương cho biết, Bình Dương đang đối diện hàng loạt thách thức tiềm ẩn. Ảnh: Nguyên Vỹ

TS Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Văn phòng thành phố thông minh Bình Dương cho biết, Bình Dương đang đối diện hàng loạt thách thức tiềm ẩn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tuy nhiên, đằng sau những thành quả phát triển kinh tế nhanh chóng, Bình Dương cũng tồn tại những thách thức tiềm ẩn, cần phải được nhận diện sớm để đưa ra giải pháp kịp thời trong ngắn hạn và dài hạn.

Theo TS Phạm Tuấn Anh, thách thức lớn đầu tiên mà tỉnh Bình Dương đang đối mặt là bẫy thu nhập trung bình.

Từ một tỉnh có thu nhập thấp, sau hơn 20 năm, GRDP bình quân đầu người của Bình Dương đã ở mức thu nhập trung bình cao, tương đương với Thái Lan.

Điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ gặp phải bẫy thu nhập trung bình của Bình Dương sẽ sớm hơn các địa phương khác trên cả nước.

Giai đoạn 2021 - 2030 là một giai đoạn quan trọng, quyết định việc Bình Dương có thể vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành một vùng đất thịnh vượng có thu nhập cao.

Thách thức tiếp theo là khoảng cách lớn giữa công nghiệp và thương mại dịch vụ. Theo TS Tuấn Anh, Bình Dương đang có một sự phát triển thiếu cân bằng trong cơ cấu kinh tế. Công nghiệp của Bình Dương vẫn chiếm 66,8%, trong khi thương mại dịch vụ chỉ chiếm 22,4%.

Để có thể thu hẹp khoảng cách giữa công nghiệp và thương mại dịch vụ, Bình Dương cần một chiến lược quy hoạch và đầu tư bài bản trên quy mô lớn, trong một khoảng thời gian đủ dài mới có thể tạo ra sức bật cho thương mại và dịch vụ.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 nhằm giảm tải áp lực giao thông ở Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 nhằm giảm tải áp lực giao thông ở Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một thách thức khác đối với Bình Dương là hạ tầng giao thông quá tải, do quá trình phát triển nóng công nghiệp. Đặc biết là các tuyến đường giao thông kết nối vùng phía Nam, kết nối với cảng biển, cảng hàng không quốc tế.

Sự tắc nghẽn của giao thông ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ chân các nhà đầu tư cũ cũng như thu hút các nhà đầu tư mới. Điều này cũng đồng thời gián tiếp triệt tiêu lợi thế cạnh tranh về vị trí địa lý của tỉnh Bình Dương.

Cuối cùng là nhu cầu phát triển nguồn nhân lực. Bởi vì, nguồn nhân lực luôn là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công của mọi chiến lược.

Để vượt qua những thách thức đã nêu trên, Bình Dương cần có một chiến lược tổng thể để phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số hiện nay.

Song song với việc xây dựng hệ thống giáo dục đào tạo chất lượng cao, tập trung vào những ngành khoa học chủ điểm, Bình Dương cần có những chính sách đãi ngộ nhân tài tương xứng.

"Những chính sách này sẽ giúp đưa người có năng lực, kinh nghiệm trên mọi lĩnh vực về Bình Dương, qua đó trực tiếp thực thi các chiến lược phát triển được đề ra", TS Phạm Tuấn Anh đề xuất.

Xây dựng quy hoạch tích hợp giúp Bình Dương vượt bẫy thu nhập

Theo ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc Sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh Bình Dương, quy hoạch của Bình Dương đã phát huy những bước tiến rõ nét trong quá trình phát triển của tỉnh.

Tuy nhiên trong giai đoạn mới, Bình Dương nhìn nhận rõ ngưỡng giới hạn. Để từ đó, Bình Dương tự phấn đấu, phá vỡ giới hạn, tìm kiếm một hệ sinh thái mới cho cộng đồng, cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.

Ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc Sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc Sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nhân cho biết, quy hoạch tích hợp được xem là trái tim của Luật Quy hoạch. Nhưng quy hoạch tích hợp cũng mang đầy đủ tính chất phức tạp và vô cùng khó khăn.

Nếu hiểu tích hợp chỉ là cộng dồn các bản quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, địa phương một cách riêng rẽ và cơ học (như Quy hoạch chung đô thị, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội…) thì sẽ không phản ánh hết ý nghĩa và vai trò của bản quy hoạch lần này.

"Bản quy hoạch tích hợp cho Bình Dương, hơn hết và trước tiên phải chứa đựng một tập hợp các chiến lược phát triển đa chiều, có tính chất gắn kết và ràng buộc chặt chẽ, có tính ứng dụng thực tiễn cao dựa trên nền tảng lý thuyết biện chứng", ông Nhân nói.

Nói đến quy hoạch là phải gắn liền với không gian phát triển. Do đó, các định hướng chiến lược lớn trên tất cả các ngành, lĩnh vực cần phải được phân bổ lên không gian.

Chiến lược đó phải được cụ thể hóa bằng các dự án động lực mang tính chiến lược, được thúc đẩy và đảm bảo thực hiện bằng nguồn lực và các chính sách được dự trù, tính toán trước.

Quy hoach tích hợp gắn liền xây dựng đô thị, vùng đổi mới sáng tạo ở Bình Dương. Ảnh: T.L

Quy hoach tích hợp gắn liền xây dựng đô thị, vùng đổi mới sáng tạo ở Bình Dương. Ảnh: T.L

Theo Sở Kế hoạch Đầu tư, chiến lược này cũng phải được kiểm soát và hiệu chỉnh trong thực tiễn bằng các công cụ, phần mềm công nghệ có độ tin cậy cao. Từ đó, quy hoạch tích hợp sẽ trở thành công cụ tháo gỡ các nút thắt hiện nay của tỉnh Bình Dương; đặc biệt là vượt thoát bẫy thu nhập trung bình đầu tiên trong cả nước.

Với quan điểm nhất quán đó, Hội thảo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 không chỉ giúp Bình Dương định hình những cái nhìn đầu tiên về quy hoạch tích hợp của tỉnh.

"Đây còn là cơ hội tạo niềm tin, sự hưng phấn để cùng bắt tay xây dựng đô thị, vùng đổi mới sáng tạo ở Bình Dương đang mỗi ngày thay da đổi thịt", ông Nhân nhấn mạnh.

Khu công nghiệp Việt Nam – Singapoer, hình mẫu khu công nghiệp xanh của tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Khu công nghiệp Việt Nam – Singapoer, hình mẫu khu công nghiệp xanh của tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Văn Dành – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã đưa ra Khung định hướng chiến lược phát triển của mình.

Theo đó, mục tiêu cốt lõi là đưa Bình Dương vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành địa phương có GRDP bình quân đầu người đạt trên 12.000 USD vào năm 2030.

"Đây là mục tiêu mà lãnh đạo tỉnh mong muốn hướng tới và quyết tâm đạt được trong thời gian tới, cũng là diện mạo của tỉnh trong tương lai", ông Nguyễn Văn Dành chia sẻ.

Xây dựng quy hoạch tích hợp tạo động lực đưa Bình Dương phát triển

Ông Nguyễn Văn Dành – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Văn Dành – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, việc xây dựng quy hoạch tỉnh Bình Dương phải theo một cách tiếp cận khác biệt so với các địa phương khác. Bởi vì, Bình Dương cần tạo bước ngoặc để chuyển đổi mô hình phát triển.

Bài toán đặt ra là dịch chuyển công nghiệp về các huyện, thị phía Bắc; để dành dư địa phát triển thương mại, dịch vụ, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ ở phía Nam tỉnh Bình Dương.

Việc này đồng nghĩa với phát triển công nghiệp 4.0; giúp các nhà đầu tư tăng năng xuất lao động thông qua chuyển đổi số, tăng biên độ lợi nhuận, nhằm giữ chân nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Văn Dành, quy hoạch tỉnh Bình Dương sau khi hoàn thành phải thực hiện được mục tiêu cốt lõi là đưa Bình Dương trở thành vùng đất có thu nhập cao đảm bảo hài hòa, bền vững, công bằng, văn minh với tôn chỉ lấy người dân làm trung tâm trong mọi chiến lược.

UBND tỉnh Bình Dương mong muốn sau khi hoàn thành, bản đồ án quy hoạch tỉnh Bình Dương sẽ là một đồ án chuẩn, đúng nghĩa, với các nội dung tích hợp được lồng ghép và ràng buộc một cách khoa học. Đồ án quy hoạch phải có cơ chế theo dõi, đánh giá đưa ra những khuyến nghị kịp thời, để lãnh đạo tỉnh chỉ đạo những quyết sách đúng đắn trong từng thời điểm quan trọng.

"Tất cả phải hướng tới xây dựng một Bình Dương phát triển hài hòa, nhân văn và bền vững; xây dựng một môi trường kinh doanh và đầu tư hiệu quả cùng một chính quyền địa phương năng động và kiến tạo", ông Nguyễn Văn Dành đề nghị.

Tập trung vào nhóm ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao
Ông Jonh Low – Đồng Tổng Giám đốc Roland Berger khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Jonh Low – Đồng Tổng Giám đốc Roland Berger khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Nguyên Vỹ

Roland Berger là Công ty tư vấn quản lý quốc tế có trụ sở chính tại Munich, (Đức). Ông Jonh Low – Đồng Tổng Giám đốc Roland Berger khu vực Đông Nam Á đánh giá, Bình Dương có vị trí địa lí và điều kiện giao thông thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội.

Bình Dương cũng đang từng bước trở thành đô thị công nghiệp kiểu mẫu cả nước. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 8,7%, giai đoạn 2011 - 2020, nền kinh tế Bình Dương duy trì vị trí Top 3 Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, và đứng thứ 3 về cả nước trong năm 2021.

Tuy nhiên, ông Jonh Low lưu ý, Bình Dương có thể chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ Đồng Nai trong tương lai cho vị trí thứ 3 cả nước về độ lớn nền kinh tế.

Ông Jonh Low gợi ý, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bình Dương sang các ngành ít thâm dụng lao động sẽ giúp Bình Dương duy trì vị thế cạnh tranh trong tương lai và vươn lên những tầm cao mới.

Hiện tại ngành công nghiệp của Bình Dương đang tập trung vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, và chưa được quy hoạch đầu tư đúng mức. Bình Dương cần nắm bắt xu hướng chung của toàn cầu, tập trung hướng đến nhóm ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo, giá trị gia tăng cao.

"Nhóm ngành công nghiệp này phải kết hợp cùng nhóm ngành thương mại, dịch vụ, tài chính, và bất động sản; nhằm thực hiện tầm nhìn trở thành đô thị hiện đại có chất lượng cuộc sống cao", ông Jonh Low đề nghị.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem