Hệ sinh thái mới cho mô hình Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ của Bình Dương

Trần Khánh Thứ hai, ngày 10/10/2022 21:23 PM (GMT+7)
Sau 25 năm phát triển, mô hình Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ trở thành công cụ hữu hiệu giúp Bình Dương chuyển đổi thành một vùng phát triển công nghiệp theo chiều rộng, với các nền tảng hạ tầng hiện đại.
Bình luận 0

Một hệ sinh thái mới, bổ sung cho mô hình Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ sẽ giúp Bình Dương bước tiếp vào công nghiệp hiện đại theo chiều sâu, và làm chủ công nghệ.

Phát triển không chỉ có công nghiệp

Giữa thập niên 1990, Bình Dương được biết đến là một vùng đất thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Công nghiệp và dịch vụ chưa thực sự phát triển, thu ngân sách hàng năm còn khiêm tốn.

Những khó khăn như thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực, hạ tầng yếu kém đặt ra bài toán khó, làm thế nào để thúc đẩy Bình Dương thành một vùng đất phát triển, khai mở tiềm năng và cơ hội, tạo dựng thế và lực để bứt phá đi lên.

KCN VSIP trở thành biểu tượng xanh của công nghiệp Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

KCN VSIP trở thành biểu tượng xanh của công nghiệp Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

TS Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Becamex cho biết, lúc này việc lựa chọn mô hình phát triển phù hợp có vai trò rất quan trọng đối với Bình Dương.

Thời kỳ đầu, Bình Dương phát triển các khu công nghiệp (KCN) tại những khu vực tiếp giáp, nhằm tận dụng hệ thống thương mại, dịch vụ và tiện ích sẵn có của TP.HCM. Tuy nhiên, việc này chỉ giải quyết được bài toán phát triển công nghiệp đơn lẻ, chưa thể định hình và tác động sâu rộng trên toàn tỉnh.

Với cầu nối là Chính phủ 2 nước Việt Nam và Singapore, Công ty liên doanh KCN Việt Nam – Singapore VSIP đã hình thành. Đây là bước đi chiến lược của Bình Dương với 1 đối tác tầm cỡ, có kinh nghiệm triển khai các dự án, cũng như thu hút, xúc tiến đầu tư công nghiệp ở quy mô toàn cầu.

Qua 25 năm phát triển, VSIP đã trở thành nhà đầu tư công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Từ một KCN VSIP I với diện tích 500ha tại TP.Thuận An, đến nay VSIP đã mở rộng với tổng quỹ đất gần 10.000ha, cung cấp hạ tầng sản xuất cho 880 khách hàng đến từ 30 quốc gia, với tổng vốn đầu tư 17 tỷ USD; tạo việc làm cho khoảng 300.000 lao động trong và ngoài nước.

Khu công nghiệp VSIP II, TX.Tân Uyên, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Khu công nghiệp VSIP II, TX.Tân Uyên, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Đồng thời VSIP cũng trở thành mô hình mẫu để Bình Dương hình thành hàng loạt KCN khác, giúp bứt phá về công nghiệp và thu hút đầu tư quốc tế.

Việc hợp tác với Singapore còn mang đến cho Bình Dương một góc nhìn mới về phát triển công nghiệp theo hệ sinh thái: Phát triển không chỉ có công nghiệp.

"Bởi vì, các KCN không thể tồn tại một cách bền vững nếu xung quanh không có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội đầy đủ. Hệ thống này nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi thành phần xã hội tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp", TS Tuấn Anh giải thích.

Học hỏi kinh nghiệm Singapore để phát triển công nghiệp về phía bắc, Bình Dương tiếp tục xây dựng mô hình Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ (Khu liên hợp) có sự tinh chỉnh cho phù hợp với đặc thù địa phương.

Khu liên hợp tích hợp nhiều chức năng, bao gồm khu đô thị, KCN, khu thương mại, dịch vụ giải trí chất lượng cao, khu dân cư, tái định cư cho người dân… Tất cả tạo ra một môi trường sống hiện đại, hài hòa, cung cấp các loại hình công việc đa dạng phục vụ phát triển công nghiệp.

Mô hình phát triển theo hệ sinh thái của khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương. Ảnh: T.L

Mô hình phát triển theo hệ sinh thái của khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương. Ảnh: T.L

TS Tuấn Anh cho rằng, điểm đặc sắc của mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ nằm ở chỗ, các khu vực hoang hóa, nằm ở vị trí không thuận lợi được chuyển đổi thành đô thị công nghiệp bài bản, hiện đại và đáng sống.

Tại trung tâm của Khu liên hợp, khu đô thị TP Mới Bình Dương được quy hoạch bài bản theo mô hình TOD (phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng) mang đến một vai trò mới của mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ.

"Đó là quay lại cải tạo nhưng không đánh mất giá trị truyền thống của các đô thị hiện hữu", TS Tuấn Anh nói.  

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ

Theo TS Nguyễn Việt Long - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, để phát triển một khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ thành công, phải có triết lý phát triển xuyên suốt của địa phương trong việc xây dựng chiến lược, quản trị và đề xuất chính sách (cấp địa phương).

Những năm qua, chính quyền Bình Dương luôn đóng vai trò kiến tạo, trở thành điểm tựa cho các thực thể trong xã hội phát huy tối đa sức sáng tạo, đóng góp lại cho sự phát triển chung. Trong đó phải kể đến nhân tố tiên phong là doanh nghiệp nhà nước.

Khu Công Nghiệp Becamex Bàu Bàng do, Tổng Công ty Becamex đầu tư tại huyện Bàu Bàng, Bình Dương. Ảnh: T.L

Khu Công Nghiệp Becamex Bàu Bàng do, Tổng Công ty Becamex đầu tư tại huyện Bàu Bàng, Bình Dương. Ảnh: T.L

Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bình Dương, Tổng Công ty Becamex đóng vai trò như một "kiến trúc sư", đã thể hiện ý chí, quan điểm của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.

Becamex đã góp phần tạo nền móng, định hình sự phát triển của Bình Dương trong thời gian qua. Becamex cũng đồng thời là cầu nối giữa Nhà nước với khu vực doanh nghiệp tư nhân thông qua các dự án hạ tầng kinh tế, xã hội mang tính tạo lực, thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh tổng cộng có 86 dự án phát triển nhà ở xã hội, với diện tích sử dụng đất khoảng gần 200ha; tương đương 3,9 triệu m² sàn xây dựng, đáp ứng được gần 300.000 người dân

Trong đó, Tổng Công ty Becamex đã đầu tư khoảng 3 triệu m² sàn (hơn 141 ha đất) để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, giúp người lao động được ổn định cuộc sống, vững tâm đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn hoàn thiện trục giao thông kết nối cho mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn hoàn thiện trục giao thông kết nối cho mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Theo TS Long, điểm đặc sắc trong hệ sinh thái Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ của Bình Dương là lấy con người làm trọng tâm, coi mỗi người dân, mỗi người lao động nhập cư đều là nhà đầu tư.

Mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ ở Bình Dương không chỉ là các dự án đầu tư bất động sản về công nghiệp hay đô thị. Mô hình này còn biến các dự án trở thành các dự án động lực, tạo ra một môi trường sống chạm tới mọi tầng lớp xã hội.

Ở đó, nhà đầu tư tìm được người lao động, người lao động tìm được việc làm. Người dân địa phương được ở lại trên mảnh đất quê hương, được chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang hoạt động thương mại và dịch vụ.

Từ đây, Bình Dương hình thành 1 cộng đồng dân cư công nghiệp đa văn hóa. Mỗi thành phần sẽ giữ vai trò và chỗ đứng riêng trong chuỗi giá trị của đô thị công nghiệp mới này. Tất cả đều bình đẳng thụ hưởng thành quả phát triển chung.

Hiện nay, các yếu tố địa chính trị và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những biến số khó lường. Yêu cầu về chuỗi cung ứng và hàm lượng công nghệ trong sản xuất ngày càng cao.

TS Long cho biết, việc sử dụng nguồn lực thặng dư từ mô hình đã thành công để nâng cấp, và xây dựng mô hình phát triển mới là rất quan trọng.

Bình Dương đã và đang phát triển 1 hệ sinh thái kiểu mới, bổ sung cho mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ. Đó là hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Hệ sinh thái kiểu mới sẽ xây dựng các KCN thông minh, đô thị thông minh, xanh và bền vững

"Đây là điều kiện để công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới thay thế cho thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai", TS Long cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem