Mô hình nuôi gà thả đồi của anh Lưu Văn Bình (thôn Tân Tiến, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh)
Cuối ngày trong chuyến công tác ở xã Tân Bình (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh), lãnh đạo Hội Nông dân huyện bảo tôi: "Cuối ngày rồi, mời nhà báo ăn cơm với nông dân, thưởng thức đặc sản gà bản Đầm Hà."
Vậy là lỉnh kỉnh đồ nghề máy tính, máy ảnh, chúng tôi phóng xe đến nhà anh Lưu Văn Bình ở thôn Tân Tiến, xã Tân Bình.
Anh La Trường Thọ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đầm Hà kể chuyện, anh Bình là một tấm gương thanh niên năng động, đi lên từ hai bàn tay trắng, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hiện nay, trên địa bàn thôn Tân Tiến đã có 4-5 hộ khác nuôi gà thả đồi số lượng lớn, nhưng quy mô của gia đình anh Bình vẫn là lớn nhất.
"Nhà báo nhìn hai ngôi nhà của anh Bình mà xem. Hồi trước hai vợ chồng nghèo lắm, ngôi nhà lụp xụp bên phải là nơi hai vợ chồng ở lúc trước. Vậy mà sau mấy năm nuôi gà, hai vợ chồng đã xây được ngôi nhà đẹp, khang trang bên cạnh rồi đấy" - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đầm Hà khoe với tôi.
Tranh thủ chút thời gian trước bữa cơm, anh Bình đưa chúng tôi đi thăm khu vực nuôi gà thả đồi của gia đình mình.
Trại gà của anh Bình gồm dãy chuồng nuôi khá đơn giản, thông thoáng, chủ yếu để gà tránh mưa nắng và ngủ đêm. Hàng trăm, hàng nghìn con gà tha thẩn kiếm mồi, con thì nằm rỉa lông, con thì cất tiếng gáy te te trên cành cây.
Kể về quá trình thoát nghèo của mình, anh Bình cho biết, trước đây hai vợ chồng anh Bình vốn chăn nuôi lợn. Nhưng khoảng năm 2015, lợn bị dịch bệnh, giá cả bấp bênh nên anh quyết định chuyển đổi mô hình.
"Trước đây cuộc sống hai vợ chồng vất vả lắm. Ngoài một năm cấy hai vụ lúa, hai vợ chồng còn đi làm thuê nhiều việc như gánh gạch, trồng keo, đi bốc vác, có việc gì làm việc đấy…" - anh Bình cho biết.
Nhận thấy địa phương có nguồn tài nguyên rừng, đất đồi, lại có giống gà bản Đầm Hà bản địa, năm 2016, anh Bình bàn với vợ dùng số tiền 50 triệu dành dụm ít ỏi để nuôi gà.
Với lứa gà ban đầu, anh tận dụng chuồng trại nuôi lợn và nuôi thử nghiệm 300 con gà. Tuy nhiên, chuồng trại để nuôi lợn khác với chuồng trại nuôi gà nên không thích hợp với nuôi gà thả đồi. Bên cạnh đó, do thiếu kinh nghiệm, nhất là kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà, lứa gà đầu tiên của anh gần như mất trắng.
Không nản chí, anh Bình đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi gà của các hộ đã từng chăn nuôi gà, tìm hiểu kiến thức qua các phương tiện truyền thông. Đồng thời, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật và tự đúc rút kinh nghiệm.
Nhờ đó, đàn gà của anh bắt đầu phát triển tốt và bắt đầu cho thu nhập. Từ số lượng 1.000 con, đàn gà tăng dần lên số lượng 3.000 con và hiện tại là 7.000 con gà.
Hiện nay, anh Bình đang nuôi hai giống gà chính là gà lai Hồ Bắc Giang và gà bản Đầm Hà. Đây đều là những giống gà thích hợp với việc nuôi chăn thả, nhất là nơi có địa hình đồi đất. Đồng thời, cả hai giống gà đều có chất lượng thịt thơm ngon, săn chắc được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đặc biệt, gà bản Đầm Hà là giống gà bản địa, lông sặc sỡ, cổ ngắn, chân thấp, gà mái còn vừa có râu, vừa có mũ. Khi ăn, thịt gà bản Đầm Hà săn chắc, ăn giòn nhưng không dai, lớp da vàng bóng giống như thoa nghệ.
Sau khoảng 5 tháng nuôi, anh có thể xuất bán gà bản Đầm Hà mái với giá 140.000 đồng/kg. Còn đối với gà bản Đầm Hà thiến, anh nuôi trong 8 tháng và xuất bản với giá 160.000-170.000 đồng/kg.
Để chất lượng gà thịt được nâng cao, bán được giá, anh Bình chú trọng cả về giống gà, thức ăn cho gà, môi trường chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh.
Theo anh Bình, việc nuôi gà thả đồi không mất quá nhiều công chăm sóc và ít bệnh tật hơn gà nuôi chuồng, chi phí đầu tư thấp. Đàn gà đi lang thang trên các triền đồi, tự kiếm ăn các loại giun, dế... nên còn giảm một phần chi phí thức ăn.
"Nhà mình đất đai rộng nên cứ thả đồi thôi. Người ta nuôi 1.000 gà trong khoảng 3.000m2 chẳng hạn, nhưng mình thì thả cả mấy hecta, gà thích đi đâu cũng được. Cũng vì thế mà gà có vóc dáng đẹp, thịt gà chắc, dai và thơm ngon nên người tiêu dùng rất thích" - anh Bình chia sẻ.
Anh Bình cho biết thêm, gà của gia đình anh được tiêu thụ chủ yếu ở các huyện thị miền Đông tỉnh Quảng Ninh như Móng Cái, Vân Đồn... Mỗi lần xuất bán đều có thương lái đến tận nơi mua. Nhiều thương lái đặt gà từ nhiều tháng trước nhưng cũng không có đủ gà để bán.
Với quy mô 7.000 con gà như hiện nay, vợ chồng anh Bình có doanh thu khoảng 2,6 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí, vợ chồng anh lãi khoảng 700 triệu đồng/năm từ nuôi gà thả đồi.
Chỉ sau hai năm nuôi gà thả đồi, vợ chồng anh Bình đã trả hết số nợ đã vay để nuôi gà. Đến cuối năm 2019-2020, vợ chồng anh xây dựng được căn nhà khang trang trị giá hơn 900 triệu đồng này.
"Cơ ngơi khang trang và thành công như ngày hôm nay đều từ nhờ con gà cả," - anh Bình ngại ngùng tâm sự.
Chia sẻ thêm về dự định tương lai, anh Bình cho biết, vợ chồng anh chuẩn bị mua ô tô để dễ vận chuyển gà đi tiêu thụ. Anh mong muốn các cấp, ngành tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay để đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi gà.
Anh La Trường Thọ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đầm Hà khẳng định, anh Lưu Văn Bình là "đầu tàu" trong việc nuôi gà thả đồi số lượng lớn ở thôn Tân Tiến. Nhiều thanh niên nhà có rừng đồi đã tìm đến anh Bình để học hỏi kinh nghiệm đều được anh chỉ bảo tận tình.
Nhờ sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, cùng với đồng hành giúp đỡ vay vốn qua Qũy Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách, các kiến thức có được từ các lớp tập huấn chăn nuôi do Hội Nông dân xã tổ chức, anh Lưu Văn Bình mạnh dạn chuyển đổi từ trồng keo tai tượng và nuôi lợn cho thu nhập không ổn định sang chăn nuôi gà thương phẩm với số lượng lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.