Lào Cai: Chăn nuôi gà, cá hiệu quả ở vùng bị ảnh hưởng thiên tai, xuất hiện nhiều triệu phú

Trần Quang Thứ năm, ngày 03/11/2022 18:50 PM (GMT+7)
Nhờ có sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, nhiều nông dân nuôi cá, gà... ở các vùng Lào Cai, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai chăn nuôi hiệu quả hơn. Trong đó có hộ chăn nuôi cá giống, gà thịt có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Bình luận 0
Chăn nuôi gà, cá hiệu quả ở vùng bị ảnh hưởng thiên tai - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (thứ 3 từ trái qua) thăm mô hình chăn nuôi cá giống tại gia đình ông Hoàng Xuân Phú ở xã Cốc San, TP.Lào Cai. Ảnh: Trần Quang

Những triệu phú ở vùng khó

Nằm ở vùng hay có lũ quét, thiên tai nhưng mô hình chăn nuôi, sản xuất cá giống của ông Hoàn Xuân Phú ở xã Cốc San, TP.Lào Cai vẫn phát triển và có thu nhập cao, ổn định.

Đến nay, ông Phú đang có khoảng 4ha nuôi cá với khoảng gần 20 ao cá bố mẹ, cá giống... Trung bình mỗi năm gia đình ông đưa ra thị trường hàng chục triệu con cá giống các loại. Trừ chi phí, ông thu lãi 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng/năm.

Ông Phú cho biết, chăn nuôi cá đặc thù hơn các loại vật nuôi khác. Đặc biệt cá rất nhạy cảm với các thời tiết bất lợi như nắng nóng, mưa bão, rét...

Theo đó, từ khi chăn nuôi, gia đình ông được cán bộ khuyến nông tư vấn, hướng dẫn xây dựng hệ thống ao nuôi có bờ bao kiên cố bằng bê tông cốt thép, hệ thống lọc nước tuần hoàn giúp cho các ao cá an toàn khi có mưa bão, lũ quét.

"Từ khi có ao kiên cố, mỗi khi có mua lũ to trên các suối, các ao nuôi của tôi vẫn an toàn, không bị vỡ, tràn ào như trước. Bên cạnh đó, nguồn nước đục, nước lũ cũng được phân tách không để tràn vào ao, gây chết cá", ông Phú chia sẻ.

Để tránh rét cho cá trong mùa đông, ông Phú cũng chủ động thiết kế vùng sâu trong ao và che chắn trên mặt ao chống rét, giữ ấm cho cá luôn khỏe mạnh, phát triển tốt.

Tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, gia đình ông Nguyễn Văn Tiên đang chăn nuôi khoảng 10.000 gà/lứa. Mỗi năm nuôi 3 lứa khoảng 30.000 gà mía, ri lai.

Số lượng chăn nuôi khá lớn nhưng nhờ cán bộ khuyến nông cộng đồng hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, thiết kế chuồng trại giúp cho ông ứng phó hiệu quả trước các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở địa phương.

Chăn nuôi gà, cá hiệu quả ở vùng bị ảnh hưởng thiên tai - Ảnh 2.

Ông Hoàng Xuân Phú xây dựng hệ thống các ao nuôi có bờ kè kiên cố bằng bê tông cốt thép giữ ao an toàn trong mùa mưa bão, lũ quét. Ảnh: Trần Quang

"Trước đây, chúng tôi chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún và hay thả rông nên hay bị dịch bệnh, thất thoát lớn. Từ tháng 7/2018, tôi đầu tư chuồng trại chuồng mát hiện đại để chăn nuôi an toàn sinh học. Trong đó, nền chuồng được làm cao và gần khu chuồng có khu chứa cám riêng biệt...

Trong những ngày hè, chuồng có hệ thống giàn mát, quạt công suốt lớn phục vụ luôn mát, thoáng khí và có sân chơi bên cạnh rất bài bản. Trong mùa đông, gà được nuôi trong chuồng kín, có bạt che xung quanh, nền chuồng có trấu lót nên rất ấm", ông Tiên nói.

Đặc biệt, ông Tiên luôn chủ động làm đủ các loại vaccine phòng bệnh và chọn mua cám công nghiệp từ các nhà máy lớn, uy tín để chăn nuôi gà, hạn chế được rủi ro dịch bệnh.

Nhân rộng các mô hình

Qua kiểm tra các mô hình chăn nuôi thích ứng với BĐKH ở Lào Cai, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết, các mô hình này đều đang phát huy hiệu quả tốt về kinh tế và ứng phó, thích ứng với các loại hình thiên tai.

Chăn nuôi gà, cá hiệu quả ở vùng bị ảnh hưởng thiên tai - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Tiên làm nhà kho để đựng cám phục vụ chăn nuôi tại gia đình. Ảnh: Trần Quang

Đơn cử như mô hình chăn nuôi cá của ông Hoàng Xuân Phú đã tận dụng được vùng trũng thấp, canh tác lúa khó khăn hay bị thiên tai chuyển sang nuôi cá. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật đảm bảo từ khâu thiết kế ao, quy trình xử lý môi trường, chọn các giống cá mới... cho thấy rất hiệu quả, bà con xử lý môi trường chăn nuôi rất tốt.

"Từ hiệu quả của mô hình này, bà con tại các vùng trũng thấp cũng cần học tập và chuyển đổi sang chăn nuôi thủy sản. Chỉ cần bà con áp dụng quy trình công nghệ, kỹ thuật tốt sẽ phát huy được hiệu quả kinh tế", ông Thanh khẳng định.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai nhân rộng các mô hình canh tác có hiệu quả thích ứng được với điều kiện thiên tai bất thường, lũ lụt. Nhất là trong thời điểm BĐKH như hiện nay , chúng ta cần thêm nhiều giải pháp, từ các giải pháp khoa học công nghệ, đến công tác tuyên truyền để bà con nhận thức được và nhận chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là người dân ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Ông Bùi Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai đã và đang chịu tác động của vòng xoáy BĐKH, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê 10 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra 35 đợt rét đậm, rét hại; 67 trận mưa lớn; 31 trận lũ quét, 107 đợt sạt lở đất cùng với nhiều loại hình thiên tai khác làm thiệt hại 57.453 ha lúa mạ, hoa màu, rau mầu, 41.732 con gia súc bị chết (năm 2011 là 14.320 con)...Thiệt hại về kinh tế trên 5.120 tỷ đồng.

Chăn nuôi gà, cá hiệu quả ở vùng bị ảnh hưởng thiên tai - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Tiên đổ cám chăm sóc gà tại trang trại của gia đình ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Ảnh: Trần Quang

Theo ông Tuấn, trước tác động mạnh mẽ của BĐKH, trong thời gian qua, Lào Cai đã triển khai thực hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả giúp người dân hướng tới tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro thiên tai như: Dự án xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ quy mô 200 đàn trong 02 năm (2015-2016), đã phát triển nhân rộng từ 200 đàn lên 350 đàn năm 2016. Dự án vỗ béo bò thịt trong nông hộ được thực hiện năm 2017, tổng quy mô 70 hộ và 205 con, trọng lượng tăng trưởng bình quân đạt trên 755 g/con/ngày, kết quả nhân rộng ngoài mô hình được 30 hộ/200 con.

Dự án Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp WEAVE - Chuỗi giá trị quế. Thông qua các hoạt động dự án có trên 5.000 nghìn lượt người được tham gia và tiếp cận với các hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giá trị thu nhập từ cây quế đạt trên 75 tỷ đồng năm 2020, thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm...

Để giúp người dân sản xuất hiệu quả, bên cạnh việc nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát BĐKH, dự báo khí tượng, thủy văn và cảnh báo thiên tai; năng lực chủ động phòng tránh, giảm nhẹ, năng lực chống chịu và thích ứng với BĐKH, ông Tuấn kiến nghị cần ban hành chính sách hỗ trợ nông nghiệp trong tình hình BĐKH. Nghiên cứu ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp trong tiến trình BĐKH; lựa chọn giống vật nuôi, thủy sản và cây trồng thích ứng BĐKH kết hợp chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp với từng vùng và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Cán bộ khuyến nông cộng đồng hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm

Ông Lê Quốc Thanh cho biết, trong các mô hình sản xuất, chăn nuôi chúng ta đều phải quan tâm đầu ra, chỗ tiêu thụ ngay từ khi bắt đầu sản xuất. Hiện nay Trung tâm đang thực hiện một Đề án "Đổi mới công tác khuyến nông" thông qua hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng và chúng tôi làm công tác đào tạo cho cán bộ khuyến nông ngay từ cấp thôn, bản đã có kiến thức về thị trường, đã có kiến thức về xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cho người sản xuất liên kết thành các tổ, đội sản xuất, cũng như tư vấn hình thành hợp tác xã.

Từ các hoạt động như vậy thì cán bộ khuyến nông sẽ hỗ trợ cho người sản xuất tiếp cận thị trường ngay từ khi sản xuất và bà con bán sản phẩm có điều kiện tham gia thị trường như truy xuất nguồn gốc, bán sản phẩm bán cả quy trình sản xuất...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem