Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội (sáng 27/10), tranh luận với các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu trước đó về nguyên nhân tình trạng nghỉ việc của nhân viên y tế, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tán thành với ý kiến của một số đại biểu rằng trong thời gian vừa qua tình trạng nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc do nguyên nhân chính về thu nhập.
Tuy nhiên, đại biểu Thuỷ cho rằng, bên cạnh nguyên nhân này còn có nhiều nguyên nhân khác cần xem xét, phân tích, đánh giá, đặc biệt là áp lực công việc và môi trường làm việc.
Đại biểu lấy ví dụ, tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 bệnh nhân tới khám, 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú, các y, bác sĩ phải có mặt từ 6 giờ sáng để khám vài chục đến cả trăm bệnh nhân mỗi ngày, áp lực rất lớn, thậm chí chỉ đủ sức để quan tâm đến căn bệnh chứ không phải người bệnh.
Ở các trạm y tế xã phường, vốn đã ít nhân lực, nhưng phải đảm trách nhiệm vụ các Chương trình mục tiêu quốc gia, vừa phải đi khắp nơi để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 và tiêm chủng. "Áp lực công việc rất lớn nhưng lương chỉ 5 triệu đồng nên dẫn đến tình trạng cán bộ, nhân viên y tế chuyển việc", bà Thủy nhìn nhận.
Nữ đại biểu cho rằng, ngành y là một ngành đặc biệt, cần được quan tâm và có chế độ đãi ngộ đặc biệt bởi "rất khó gồng gánh đam mê khi áp lực công việc rất cao nhưng tiền lương, chế độ đãi ngộ không đủ để trang trải trong cuộc sống".
Đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ cần cải thiện môi trường làm việc của ngành y; đồng thời đẩy mạnh công nghiệp dược và sản xuất vaccine để chúng ta có thể chủ động nguồn lực ngay từ trong nước mà không phải lệ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay.
"Đây cần phải coi là giải pháp căn cơ, chiến lược vì khi có dịch bệnh xảy ra sẽ có tổn thất về người, sau đó tốn kém tiền của trong nhập khẩu và đặc biệt có thể sẽ xảy ra vụ Việt Á mới", đại biểu Thủy nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu ý kiến tại hội trường Quốc hội, dẫn báo cáo của Bộ Nội vụ từ 2020 đến tháng 6/2022 đã có gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong ngành y tế, giáo dục, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nhấn mạnh: "Đây là vấn đề đặt ra trong hoạt động quản trị của Chính phủ".
Theo ông Tám, nguyên nhân được coi của hiện tượng này là tiền lương, thu nhập, môi trường làm việc. Thực tế cho thấy tiền lương và thu nhập khu vực công thấp hơn nhiều so với khu vực ngoài và thường phản ứng chậm trước yêu cầu tăng thu nhập bởi ràng buộc của các quy định pháp lý thường có độ trễ so với thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách.
"Tuy nhiên nếu coi đây là căn nguyên duy nhất của vấn đề thì chưa hẳn. Bởi có nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc không chỉ vì thu nhập thấp mà còn bởi áp lực của công việc quá lớn. Với nhiều người trẻ, họ muốn ưu tiên phát triển bản thân hơn là một chỗ làm ổn định trong khu vực công", ông Tám phân tích.
Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, cả khu vực công và tư đều yêu cầu tri thức, tinh thần trách nhiệm, tính năng động sáng tạo, hiệu quả. Nhưng khu vực công còn yêu cầu trách nhiệm không chỉ trong công việc mà còn với nhân dân.
"Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Cán bộ, công chức là công bộc của dân". Với yêu cầu này, sự hài hòa về thu nhập và thực hiện vai trò là công bộc của dân là hết sức cần thiết", ông Tô Văn Tám nhấn mạnh. Từ đó, đại biểu cho rằng, hiện tượng chuyển dịch này vừa là thách thức, vừa là là cơ hội để Chính phủ đánh giá lại hoạt động quản trị của mình.
Cùng mối quan Tâm, đại biểu Thái Thu Xương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nêu phản ánh của cử tri, nhiều cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn.
"Nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng", bà Xương nêu thực tế.
Từ đó, nữ đại biểu kiến nghị phải nhanh chóng có giải pháp căn cơ đối với bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế, giáo dục để đủ sức phục vụ nhân dân.
"Cử tri, cán bộ công chức, viên chức rất vui mừng khi Chính phủ quyết định trình Quốc hội tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt. Đại đa số ý kiến cán bộ công chức, viên chức đề nghị tăng lương từ 1/1/2023 vì theo phương án trình của Chính phủ từ 1/7/2023, nếu tính khoảng cách giữa hai lần tăng lương là 4 năm", đại biểu Xương nói.
Bên cạnh đó, bà cũng lưu ý cần kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng "lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng". Như thế thì đời sống người dân nói chung và đối tượng yếu thế càng khó khăn hơn. "Tha thiết mong Chính phủ đưa ra quyết định hết sức phù hợp", nữ đại biểu Hậu Giang nói.
Bà cũng đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 56 về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó nâng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40% - 70% lên 100%. Đồng thời, xem xét nâng lương khởi điểm đối với đối tượng bác sĩ mới ra trường nhằm thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở.