Dẫn vụ án có dấu hiệu oan sai 10 năm, ĐBQH "xin đừng để tiếng tôi vang rừng núi sao không ai trả lời"

Lương Kết - Thành An Thứ năm, ngày 27/10/2022 10:25 AM (GMT+7)
Dẫn chứng vụ án buôn lậu gỗ trắc xảy ra ở Quảng Trị và TP.Đà Nẵng cách đây 10 năm có nhiều dấu hiệu oan sai, Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng mong Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo xử lý dứt điểm và "xin đừng để tiếng tôi vang rừng núi sao không ai trả lời".
Bình luận 0

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nói như vậy tại hội trường Quốc hội sáng 27/10 trong phiên thảo về kinh tế - xã hội.

Dẫn vụ án có dấu hiệu oan sai, ĐBQH "xin đừng để tiếng tôi vang rừng núi sao không ai trả lời" - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: Media Quốc hội

Tại phiên thảo luận, đóng góp ý kiến, ông Thắng nhìn nhận, một trong những đổi mới hoạt động của Quốc hội khóa XV là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặc biệt quan tâm đến công tác dân nguyện và chỉ đạo rốt ráo việc xem xét, xử lý giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri xem xét các vụ việc kéo dài gây bức xúc mà cử tri, công luận, ĐBQH kiến nghị nhiều lần.

"Điều này ngày càng thể hiện trách nhiệm Quốc hội hành động vì dân, nhân dân đồng tình và gửi gắm niềm tin sâu sắc vào Quốc hội", đại biểu Thắng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị đại biểu là Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Vẫn còn đó vụ án buôn lậu gỗ trắc xảy ra ở Quảng Trị và TP.Đà Nẵng cách đây 10 năm có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng trong xử lý vụ án, nghi ngờ tính đúng đắn trong phán quyết của tòa án nhân dân.

"Đoàn ĐBQH tỉnh đã xem xét cụ thể vụ việc, giám sát tại hai phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, đồng thời đã có kiến nghị nhiều lần đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét đánh giá lại vụ án này, những mong công lý, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân được bảo vệ, pháp luật được thượng tôn, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm", ông Thắng nói.

Đại biểu tỉnh Quảng Trị tha thiết: "Một lần nữa chúng tôi xin kiến nghị Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo xử lý dứt điểm. Đừng để thời gian trôi đi trong nỗi khắc khoải chờ mong của người dân, trong sự chờ đợi của ĐBQH và công luận. Cũng xin đừng để tiếng tôi vang rừng núi sao không ai trả lời".

Dẫn vụ án có dấu hiệu oan sai, ĐBQH "xin đừng để tiếng tôi vang rừng núi sao không ai trả lời" - Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Quốc hội. Ảnh: Media Quốc hội

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhận thấy quyết định của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng không phù hợp

Trước đó, tại Kỳ họp thứ nhất (tháng 7/2021), Quốc hội khóa XV, vụ án "buôn lậu gỗ trắc" xảy ra tại tỉnh Quảng Trị và TP.Đà Nẵng cũng đã được đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị đưa vào Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

Theo đó, ông Thắng đề nghị bổ sung thêm vào chuyên đề 3 về việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021, nội dung: Giám sát việc giải quyết các vấn đề vụ việc, vụ án bức xúc kéo dài, những vấn đề cử tri ở nhiều địa phương quan tâm, được các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội kiến nghị qua nhiều kỳ họp Quốc hội mà chưa được giải quyết hoặc giải quyết không dứt điểm, thỏa đáng.

Tại kỳ họp này, ông Thắng nêu rõ: "Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị gần đây, trước kỳ họp này, đã báo cáo kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tổ chức giám sát để sớm kết luận, trả lời thỏa đáng, nếu không sẽ tạo thêm bức xúc, ảnh hưởng lớn đến niềm tin cử tri và nhân dân với hoạt động của Quốc hội".

Liên quan đến vụ án này, báo chí đã nhiều lần thông tin. Theo đó, vụ án "buôn lậu" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" nói trên xảy ra tại tỉnh Quảng Trị và TP.Đà Nẵng vào cuối năm 2011. Trên 600m3 gỗ trắc do Công ty TNHH Ngọc Hưng (trụ sở tại tỉnh Quảng Trị) nhập khẩu từ Lào về Việt Nam bị Tổng cục Hải quan và C44 Bộ Công an khởi tố từ năm 2011. Đáng chú ý là trong khi vụ án chưa kết thúc điều tra, lô gỗ trắc tang vật đã bị đem bán đấu giá.

Có 2 bị can bị truy tố tội "Buôn lậu" là vợ chồng doanh nhân Trương Huy Liệu, Trần Thị Dung (Phó giám đốc, Giám đốc Công ty Ngọc Hưng) và 3 bị can bị truy tố tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" gồm Đỗ Danh Thắng (Hải quan Đà Nẵng) và Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành (Hải quan Quảng Trị).

Tại bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.Đà Nẵng nhận định, Công ty TNHH Ngọc Hưng không có hành vi làm giả hồ sơ nên ngoài số gỗ tang vật được cho là "buôn lậu" thì số gỗ còn lại trả lại cho công ty hoặc chuyển cho Tổng cục Hải quan xử lý vi phạm hành chính (nếu có), nhưng Tổng cục Hải quan lại ban hành quyết định tịch thu số gỗ (đã được bán đấu giá với số tiền hơn 59 tỷ đồng).

Qua giám sát vụ án và phiên tòa phúc thẩm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhận thấy quyết định của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật trong quá trình tố tụng dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá, áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án.

Vì vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có liên quan đề nghị giám sát việc xét xử phúc thẩm vụ án nói trên, đồng thời có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Lô gỗ của công ty do vợ chồng ông Trương Huy Liệu và bà Trần Thị Dung nhập từ Lào và làm thủ tục xuất khẩu vào tháng 12/2011 khai hải quan 535,8m3 nhưng bị tạm giữ, tháng 4/2012 khởi tố vụ án đã trở thành vật chứng vụ án và bị bán vào tháng 1/2014.

Khi lô gỗ chưa bị bán, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam giám định cho ra hai kết quả: Ngày 12/3/2012 xác định có 453,104m3, ngày 26/11/2012 xác định có 614,672m3. TAND Cấp cao tại Đà Nẵng sử dụng kết quả giám định lần sau để buộc tội, tuyên án ngày 26/7/2019.

Hành vi bán lô gỗ trắc tang vật đã bị khởi tố vụ án "Ra quyết định trái pháp luật" ngày 31/5/2019 và khởi tố bị can Phan Văn Vĩnh - cựu Trung tướng, nguyên Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an ngày 10/9/2019.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem