Được biết, một diễn viên ngoại quốc cùng phối hợp trình diễn trong một đoàn kịch Pháp không phải là việc phổ biến, vậy nên, hành trình nghệ thuật của Huỳnh Ly tại đây được xem là một dấu ấn đặc biệt và thú vị.
Thực tế, chính Huỳnh Ly cũng không ngờ rằng mình có một hành trình bền bỉ như thế. Vở Sài Gòn ra mắt khán giả TP.HCM vào năm 2017. Sau đó, cô gái Việt Nam cùng đạo diễn Caroline Guiela và đoàn kịch Les Hommes Approximatifs & La Comédie de Valence (Pháp) lưu diễn qua nhiều nước Châu Âu và Châu Á.
Cuối năm 2019, hợp đồng kết thúc, Huỳnh Ly trở về Việt Nam và nghĩ rằng cô sẽ không trở lại. Nhưng vào ngày 1/4/2022, đoàn kịch mời cô quay lại Paris để tiếp tục chuyến lưu diễn mới tại nhiều tỉnh thành của Pháp và Bồ Đào Nha. Xong đợt diễn này, Ly trở về Việt Nam và lao vào nhiều dự án nghệ thuật trong nước. Và một lần nữa, đầu tháng 10, cô tiếp tục được mời trở lại…
Được biết, sau đợt diễn 10 suất này, Huỳnh Ly sẽ ở lại Pháp thêm một thời gian, vì theo kế hoạch của đoàn, vào năm 2023, vở Sài Gòn sẽ còn tiếp tục trình diễn tại Pháp và Châu Âu thêm 30 suất diễn. Trước đây, vở Sài Gòn đã công diễn 195 suất, như vậy, tính luôn lịch diễn của năm sau, vở diễn có câu chuyện liên quan đến nhiều thân phận con người ở đất Sài Gòn sẽ có tổng suất diễn lên đến 225. Con số phản ánh một sức sống bền bỉ của một vở kịch mà Huỳnh Ly là một nhân tố góp phần xuyên suốt, không thay đổi. Ngoài ra, đoàn kịch còn quay hình vở diễn để phát sóng trên một kênh truyền hình Pháp trong một khoảng thời gian nhất định.
Điều này vô hình trung đã góp phần lan tỏa hình ảnh cô gái Việt trên một châu lục xa xôi. Huỳnh Ly đã từng xúc động đến lặng người mỗi khi được khán giả tặng hoa và dành nhiều lời trang trọng cho vai diễn của mình. Đó là niềm hạnh phúc quý báu của một người nghệ sĩ. Giờ đây, lịch hoạt động của đoàn dày đặc nên Huỳnh Ly tranh thủ thời gian trống đi làm thêm để có thu nhập. Được biết, nghề diễn viên tại Pháp có một mức thu nhập giúp nghệ sĩ sống thoải mái nếu như người nghệ sỹ được diễn đều đặn. Huỳnh Ly lại mang trong lòng ước muốn giúp đỡ gia đình nên việc làm thêm của cô còn có một ý nghĩa khác. Ngoài ra, Ly muốn được xem các vở kịch và phim trên đất Pháp như là cách để nâng cao kiến thức, và sẽ tìm kiếm cơ hội tham gia hoạt động phim ảnh.
Vào năm 2017, vở kịch Saigon của nữ đạo diễn Caroline Guiela Nguyễn thuộc đoàn kịch Les Hommes Approximatifs và La Comédie de Valence (Pháp) ra mắt tại TPHCM. Nội dung câu chuyện nói về sự giằng xé của tình yêu nam nữ trong bối cảnh chính trị và lịch sử đặc biệt của Pháp và Việt Nam vào thập niên 1950 đã khiến người xem cảm động. Sau đó, vở diễn công diễn tại Pháp và thành công vang dội. Trong năm 2018, The New York Times thực hiện cuộc trưng cầu ý kiến các vở kịch được khán giả yêu thích tại châu Âu. Saigon là vở kịch được đánh giá là hay nhất trong năm và đã ra mắt công chúng tại hơn 20 quốc gia từ Âu sang Á.
Trong Saigon, Huỳnh Ly vào vai nữ chính Mai của thời trẻ. Để có được vai diễn này, cô đã qua nhiều vòng tuyển chọn gay gắt, vượt qua hằng trăm ứng viên. Dù lúc ấy, Huỳnh Ly mới chỉ là cô sinh viên năm thứ hai trường nghệ thuật, mới chập chững vào nghề, nhưng diễn xuất của cô chinh phục được vị đạo diễn khó tính. Cô đã miêu tả rất tốt tâm lý giằng xé, hoang mang, và lo sợ không biết sẽ làm gì trước sự đồi thay bất ngờ, khi quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam và người yêu của cô sẽ rời Việt Nam sang Pháp.
Ở tất cả những đất nước mà vở Saigon công diễn, khán giả bày tỏ niềm cảm xúc mạnh mẽ. Họ tán thưởng câu chuyện, ngưỡng mộ nghệ sĩ của đoàn và cá nhân Huỳnh Ly cũng được dành nhiều tình cảm đặc biệt. Điều này có thể khiến cho Ly ảo tưởng về ánh hào quang nghệ thuật, vì có quá ít nghệ sĩ Việt Nam có vinh dự được mời diễn trong đoàn kịch nước ngoài, mà lại xuất hiện trong vở diễn được yêu thích nhất châu Âu. Ấy vậy mà Ly vẫn lặng lẽ và khiêm tốn. Cô luôn xác định môi trường nghệ thuật chính của mình là Việt Nam dù rất hạnh phúc và tự hào được lưu diễn cùng đoàn kịch chuyên nghiệp của Pháp. Cô ý thức rằng mình thuộc lớp trẻ, còn ít trải nghiệm nghề nghiệp, cần phải biết lắng nghe để trưởng thành.
Kết thúc hợp đồng, Ly trở về Việt Nam trong lặng lẽ. Cô vẫn hành xử như hồi chưa từng xuất ngoại. Cô tự tìm kiếm cơ hội cho mình như bao diễn viên trẻ chưa từng được biết đến. Thất nghiệp gần 1 năm dài, cô không nản chí mà vận động và tìm kiếm cơ hội. Rồi nỗ lực này đã dần được đền đáp. Tháng 9/2020, một sân khấu kịch chất lượng cao là Hoàng Thái Thanh đã mời Huỳnh Ly vào vai Hạnh trong vở Bàn tay của trời (đạo diễn: Ái Như). Ngoại hình mảnh mai và lối diễn xuất nhẹ nhàng của Huỳnh Ly đã lột tả tốt cốt cách của một cô gái con nhà gia giáo thuần Á đông. Ly cũng được đoàn kịch Saigon Theaterland mời vào một loạt vai chính. Vào tháng 2/2022, tại đoàn kịch này, Ly tiếp tục được tín nhiệm giao vai nữ chính trong vở Bức chân dung, một vở kịch có phong cách lạ là mở ra sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả vào cuối buổi diễn.
Ly đang trong giai đoạn mài giũa mình giữa hai phong cách kịch Pháp và Việt Nam. Mỗi nơi, cô điều rút ra được nhiều điều quý báu. Ly bộc bạch: "Khi diễn kịch trong đoàn kịch Pháp, tôi học được phong cách làm việc chuyên nghiệp và hiện đại của phương Tây. Theo đó, diễn viên không cần quan tâm đến điều gì khác, ngoài việc học thoại thật nhuyễn, hiểu được tâm lý nhân vật, tập trung 100% nguồn năng lượng cho việc diễn xuất. Trong môi trường nghệ thuật ở Việt Nam, đa phần diễn viên phải tự hóa trang, lo phục trang và làm vài việc không tên khác, để rồi khi có cơ hội lại cùng lúc nhận nhiều vai diễn cho nhiều dự án khác nhau".
Gần 3 năm được diễn kịch tại Pháp và các nước là một cơ hội quý với một nghệ sĩ trẻ muốn khẳng định vị thế của mình trong đời sống văn nghệ, thế nhưng ngày Ly sang Pháp cô vẫn chưa nổi tiếng tại Việt Nam. Trong suốt thời gian ấy, cô chỉ diễn một vai duy nhất.
Giờ đây, kinh nghiệm diễn xuất của cô đã được bồi đắp qua một loạt vai diễn có nhiều cá tính khác nhau vai cô gái trong vở Những cuộc phiêu lưu của tâm hồn (đạo diễn: Tuyết Vân), vào vai Regina Engstrand trong vở Hồn ma bóng quỷ (đạo diễn: Trần Minh Đức), vào vai chính Sơn Ca trong vở Sơn ca (đạo diễn: Lê An), vào vai nhóc Đạt trong vở Người thứ 13 (đạo diễn: Huy Thục). Ly thấy tự tin hơn nhưng vẫn cố gắng học hỏi. Mùa dịch bệnh covid-19 hoành hành Sài Gòn, tất cả các hoạt động giải trí tạm ngưng, Ly vẫn hoạt động. Cô dự tuyển và được chọn vào một dự án đào tạo đạo diễn ngắn hạn của Nhật tổ chức tại TP.HCM. Tác phẩm của cô được đánh giá cao về ý tưởng. Từng ngày một, Ly tích cóp từng chút kinh nghiệm trong nghề diễn.
Ngoài thời gian tham gia khóa học, Ly lặng lẽ đến từng khu cách ly và bệnh viện dã chiến, giúp vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm cho người bệnh. Ngược lại, cô cũng chuyển những lời nhắn từ bệnh nhân về gia đình. Thỉnh thoảng, Ly ghé đến những gia đình đơn chiếc tặng họ tiền, thức ăn. Cô làm việc trong môi trường dịch bệnh mà không sợ hãi bị nhiễm bệnh. Khi cơn dịch hạ nhiệt, Ly trở về miệt mài với các vai diễn trên sân khấu.
Sự trở lại lần này, Huỳnh Ly sẽ cố gắng làm cho vai diễn của mình tốt hơn sau khi đã có sự hóa thân vào đa dạng các nhân vật tại Việt Nam. Đặc biệt, cô đã học được nhiều thứ trong phong cách kịch tương tác và ứng tác, tại đó, người nghệ sĩ biết cách xử lý tình huống nhanh nhạy và hợp lý. Cô xem chuyến lưu diễn mới là một hành trình học hỏi thứ ba. Ly vẫn tiếp tục lao động miệt mài với đam mê, và chờ cơ hội tỏa sáng.