Sân khấu kịch TP.HCM thưa vắng khách, chật vật duy trì... chờ khán giả

Mai Thuỵ Thứ ba, ngày 18/10/2022 15:56 PM (GMT+7)
Các sân khấu kịch nói tại TP.HCM dần sáng đèn trở lại. Mỗi đoàn kịch có một số phận khác nhau, để tìm lại ánh hào quang phồn thịnh thưở nào là điều không hề dễ ở thời điểm hiện tại.
Bình luận 0

Một số sân khấu kịch nói TP.HCM đi đầu trong công tác xã hội hóa như Nhà hát Kịch Sân khấu TP.HCM (còn gọi là kịch 5B) và Sân khấu Idecaf đã dần tìm lại chỗ đứng, ngày càng thu hút được số lượng đông đảo khán giả. Đặc biệt, trong khoảng thời gian lễ Quốc Khánh (2/9) và Tết Trung Thu (10/9) là thời điểm hoàn hảo để kéo khán giả trở về với các sân khấu kịch.

Sân khấu kịch TP.HCM chật vật tìm ánh hào quang - Ảnh 1.

Sân khấu kịch 5B đang đà hồi phục. Ảnh: H.G

Cụ thể, Nhà hát kịch Sân khấu TP.HCM trung bình bán được 150 vé trên 200 ghế ngồi. Với riêng Sân khấu Idecaf, sự trở lại của loạt vở diễn "Ngày xửa ngày xưa" luôn trong tình trạng cháy vé sau chỉ vài ngày mở bán. Chị Kim Anh – người bán vé trực tiếp tại sân khấu cho biết vở diễn với toàn bộ 300 vé được bán nhanh nhất chính là "Tấm Cám". 

Bạn Dương Thảo Vy (21 tuổi, khán giả Sân khấu Idecaf) bày tỏ: "Mình ấn tượng nhất chính là chất lượng âm thanh và ánh sáng tại Idecaf. Sự kết hợp hoàn hảo giữa âm thanh và ánh sáng đã mang đến người xem những trải nghiệm sống động và giúp vở kịch tăng phần cuốn hút. Còn riêng về diễn xuất thì Idecaf sở hữu dàn diễn viên kỳ cựu như: Thành Lộc, Hữu Châu, Bạch Long, Hoàng Khải... nên cảm giác vai diễn đạt được những thăng hoa trong cảm xúc và giúp thông điệp của vở diễn truyền đạt trọn vẹn". Trái ngược với tình hình đáng mừng đó chính là sự đìu hiu, chật vật đến từ đa phần những sân khấu kịch nói còn lại trên địa bàn TP.HCM.

Chật vật duy trì

Nhắc đến một sân khấu kịch đứng trước nguy cơ đóng cửa, có lẽ phải kể đến Phụng Hoàng Ban. Đây là sân khấu kịch được Trác Thúy Miêu ấp ủ, hoạt động suốt 7 năm và đã công diễn 3 vở kịch là "Đừng giết hoa hồng", "Đêm hoa lệ" và "Mộng hào hoa".

Hiện tại, Phụng Hoàng Ban gặp khó khăn lớn nhất là nhân sự. Sân khấu kịch không ngôi sao cho nên việc bán được vé rất khó khăn. Cộng với việc thất thoát nhân sự trụ cột đợt dịch Covid -19 nên Phụng Hoàng Ban đã tốn rất nhiều thời gian để chiêu dụ lứa diễn viên thế hệ mới từ các trường cao đẳng, đại học sân khấu kịch. Và bởi lẽ đó mà Trác Thúy Miêu phải thay đổi tình tiết kịch bản vì tay nghề diễn xuất của những lứa diễn viên sau còn non và khó chạm được đến cảm xúc của khán giả. 

Sân khấu kịch TP.HCM chật vật tìm ánh hào quang - Ảnh 2.

Trác Thúy Miêu trong vở diễn “Mộng hào hoa”. Ảnh: H.G

Khi được hỏi về tài chính của Phụng Hoàng Ban, Trác Thúy Miêu nghẹn ngào: "Tất nhiên là tôi bù lỗ. Bởi thật lòng mỗi buổi diễn chỉ bán được tầm 80 vé trên 200 ghế ngồi. Hiện tại nguồn quỹ mà tôi góp vào Phụng Hoàng Ban cũng đã cạn sạch. Vậy nên, tôi buộc lòng phải tăng vọt giá vé của hàng ghế VIP từ 500.000 đến 600.000 đồng tùy vào số tiền đầu tư cho vở diễn. Còn những hàng ghế sau tôi vẫn giữa giá vé từ 100.000- 200.000 đồng để thêm tạo cơ hội cho luồng khán giả mới đến với sân khấu".

Để Phụng Hoàng Ban tiếp tục sáng đèn, Trác Thúy Miêu đã bắt đầu phát hành vé hội viên. Việc phát hành vé hội viên 3 tháng như là việc mượn trước tiền khán giả để giúp đoàn kịch đầu tư vở mới. Và các khán giả ấy sẽ được hưởng những quyền ưu tiên như: lựa chọn chỗ ngồi yêu thích, tham gia những buổi gặp mặt trực tiếp với đoàn kịch. Trác Thúy Miêu đồng thời phải điều chỉnh kịch bản để có thể tận dụng lại những cảnh trí cũ, đạo cụ.

Tương tự, sân khấu kịch Trịnh Kim Chi hiện tại phải đóng cửa một thời gian để nghe ngóng tình hình. Khi được hỏi về định hướng cho tương lai, bà bầu Trịnh Kim Chi chia sẻ: "Với địa điểm sân khấu kịch tại quận 6 – một khu phố người Hoa, tôi cần tìm hiểu người Hoa thích nội dung hoặc chủ đề gì để kéo khán giả trở về với sân khấu. Sau đó mới có thể hình thành thói quen xem kịch trực tiếp tại sân khấu".

Thưa vắng khách do đâu?

Về mặt khách quan, do sự ảnh hưởng của thời đại công nghệ thông tin, mạng internet nên nhiều khán giả thường ưu tiên giải pháp giải trí tại gia và xem những chương trình truyền hình qua mạng. Bên cạnh đó vẫn còn đó nỗi lo canh cánh về sự lây nhiễm của dịch Covid-19 đang có nguy cơ bùng phát trong cộng đồng. Còn về mặt chủ quan, cơ chế hoạt động của các sân khấu kịch nhỏ chưa được chuyên nghiệp cũng như còn thiếu nguồn kịch bản đặc sắc.

Sân khấu kịch TP.HCM chật vật tìm ánh hào quang - Ảnh 3.

Các diễn viên trẻ bắt đầu gắn bó hơn với sân khấu kịch. Ảnh: H.G

Đối với những sân khấu kịch có quy mô nhỏ và bầu show là những người chuyên về nghệ thuật như Phụng Hoàng Ban thì cơ chế hoạt động chủ yếu dựa trên cảm tính và đam mê. Trác Thúy Miêu cho biết vốn cô không có chuyên môn về quản lý nên những việc về nhân sự, hoạch định tài chính và thậm chí là truyền thông chưa được điều hành tốt. Do đó, sân khấu Phụng Hoàng Ban duy trì dựa trên tình yêu mến của khán giả và sự hy sinh của những anh chị em nghệ sĩ bằng việc bỏ bớt những suất diễn kiếm nhiều tiền như gameshow, quảng cáo để nhường lại cho sân khấu khoảng thời gian tập luyện.

Không chỉ gặp vấn đề về cách vận hành mà kịch bản cũng là một thách thức lớn. Nhất là khi ngành biên kịch không được đào tạo chính quy đã góp phần dẫn đến tình trạng thiếu nguồn kịch bản mới và đa phần là phục dựng lại từ những kịch bản cũ. Bên cạnh đó là tình trạng nhiều vở diễn mới chủ yếu mang tính giải trí, chạy theo xu hướng và thị hiếu của một số bộ phận khán giả nên chưa đầu tư nhiều vào chất lượng nghệ thuật, tính thẩm mỹ...

Niềm tin vào tương lai

Dẫu đối mặt với vô vàn gian nan, nhưng Trác Thúy Miêu vẫn luôn đam mê, cống hiến hết mình cho Phụng Hoàng Ban. Cô bày tỏ: "Sự thành công của vở kịch nói "Khóc giữa trời xanh" tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cùng với sự khởi sắc của những tuồng cổ, cải lương đã nhóm lên niềm hy vọng cho sân khấu truyền thống trong tương lai. Do vậy, tôi luôn tin rằng nếu mọi người trong những đoàn kịch cố gắng làm việc nghiêm túc và cho ra đời những vở diễn chất lượng thì tương lai sân khấu kịch sẽ lần nữa được tỏa sáng".

Sân khấu kịch TP.HCM chật vật tìm ánh hào quang - Ảnh 4.

Các vở kịch dần phong phú về thể loại để lôi kéo khán giả. Ảnh: H.G

Hoàng Ngọc Dung (21 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM) chia sẻ: "Để đạt đến tên gọi "nghệ sĩ" chân chính - để tên gọi đó mang được tính biểu tượng như các nghệ sĩ gạo cội, mỗi diễn viên phải đổ mồ hôi nước mắt, phải trăn trở để góp phần có được tác phẩm chỉn chu và truyền thông điệp ý nghĩa nhân văn đến khán giả. Vậy nên, dù những sân khấu kịch hiện tại đang chững lại và phải diễn theo mùa nhưng mình tin rằng chính những người trong cuộc đang dốc sức, tâm huyết đầu tư để mang đến khán giả những vở diễn chất lượng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem