Dù hoạt động sôi nổi với nhiều vở diễn đa dạng, nhưng sân khấu kịch TP.HCM vẫn chưa thu hút nhiều khán giả. Một phần loại hình nghệ thuật này bị cạnh tranh bởi các loại hình giải trí khác, một phần bởi chính các vở diễn chưa tạo những điểm khác biệt để đi vào lòng khán giả.
Sau thời gian hoạt động cầm chừng để phòng chống dịch Covid-19 rồi dần thích nghi với "bình thường mới", các sàn diễn ở TP.HCM đang bận rộn cho mùa diễn cuối năm và một số liên hoan sân khấu.
Thời điểm này, sau khi đưa sàn kịch vào "chế độ" diễn theo mùa, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã đón nhận sự ủng hộ của nhiều khán giả với vở Mùi của hạnh phúc nói về những khó khăn trước khi rời ghế đại học, giới trẻ đã đối mặt nhiều thử thách để giữ được tình yêu.
Cùng với loạt vở cũ vẫn được tái diễn như Người lạ người thương rồi người dưng, Mưu tú bà, Lẩu trăn, Ngôi nhà không có đàn ông, Cái đẹp đè bẹp cái nết, Sân khấu Kịch Idecaf có thêm vở nhạc kịch Alo lộ hàng với nội dung vén bức màn showbiz với không ít ngôi sao có thể biến mình thành những kẻ sống ảo, kẻ lừa bịp.
Dù hoạt động sôi nổi với nhiều vở diễn đa dạng, nhưng sân khấu kịch TP.HCM vẫn chưa thu hút nhiều khán giả. Một phần loại hình nghệ thuật này bị cạnh tranh bởi các loại hình giải trí khác, một phần bởi chính các vở diễn chưa tạo những điểm khác biệt để đi vào lòng khán giả.
Trong khi các sân khấu kịch nói ở TP.HCM chủ yếu khai thác đề tài tâm lý xã hội thì sân khấu cải lương chọn đề tài lịch sử, dã sử. Tuy nhiên những người trong giới thừa nhận sân khấu hiện nay khan hiếm kịch bản có tính đột phá và dự báo, nhất là kịch bản đụng chạm đến những vấn đề nóng. Các sàn diễn tại TP.HCM có khá nhiều kịch bản về đề tài lịch sử mà thiếu vở diễn mang sức sống của xã hội đương thời.
Những vở kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ có sức sống cho tới tận ngày hôm nay là bởi nóng hổi tính thời sự. Đạo diễn Lê Quý Dương cho rằng, sân khấu có sứ mệnh to lớn của một loại hình nghệ thuật mang tính tiên phong, vừa dự báo, vừa định hướng đời sống xã hội.
Hiện nay có nhiều vấn đề xã hội đang chờ đợi, mong mỏi tác giả kịch bản và đạo diễn sân khấu quan tâm tới. Nhìn sang lĩnh vực phim truyền hình, gần đây có Đấu trí nói về đại án như vụ Việt Á, nhưng ở lĩnh vực sân khấu thì chưa được khai thác.
Trong khuôn khổ Trại sáng tác kịch bản sân khấu năm 2022 tại TP. Phan Thiết do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức vào tháng 6/2022, vấn đề không hiếm đề tài nhưng vẫn thiếu kịch bản hay đã được đưa ra thảo luận.
Theo tác giả Đăng Minh thì kịch bản hay là phải nói lên được vấn đề nhiều người quan tâm, bức xúc trong xã hội về văn hóa, kinh tế, chính trị, đạo đức, tệ nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền, mua bán bằng cấp… Tuy vậy, tác giả cũng cho biết, có những kịch bản viết về các vấn đề này nhưng không có nơi nhận để dàn dựng vì ngại đụng chạm.
Tác giả Vương Huyền Cơ nói thêm, kịch bản về những vấn đề "nhạy cảm" như chống tiêu cực, tham nhũng nếu viết không tới thì rất khó nhận được sự đồng ý của các đơn vị nghệ thuật.
Theo đạo diễn Ngọc Hùng thì một suất diễn trung bình có 300 khán giả. Với dân số TP.HCM (gần 10 triệu người) thì con số đó quá ít ỏi. Nghĩa là tiềm năng để phát triển và mở rộng sân khấu ở TP.HCM còn rất lớn.
Rõ ràng, sân khấu cả nước và sân khấu TP.HCM cần quyết liệt đổi mới ngay từ khâu đầu tiên là kịch bản, vì "Có bột mới gột nên hồ" thì mới có thể giải quyết việc thưa vắng khán giả từ nhiều năm nay. Tất nhiên để làm được điều này cần có sự nỗ lực bền bỉ của các sân khấu, đồng thời cả sự hỗ trợ, giúp sức từ cơ quan quản lý và công chúng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.