Nói ngọng thanh điệu ở học sinh lớp 1 khiến quá trình hình thành và phát triển kỹ năng nói, đọc tiếng Việt của trẻ gặp khó khăn. Một số trẻ khi bắt đầu vào lớp 1 còn mắc lỗi nói ngọng, nghĩa là phát âm sai phụ âm đầu hoặc vần hoặc thanh điệu.
Liên quan đến vấn đề này, Ths Nguyễn Thị Nguyệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh chia sẻ: "Qua khảo sát khối 1 Trường Tiểu học Đại Phúc, tỉnh Bắc Ninh năm học 2021-2022, có 19/202 (9%) học sinh nói ngọng, thanh ngã thành thanh sắc (ví dụ như "suy nghĩ" đọc thành "suy nghí"; "cơn bão" đọc thành "cơn báo"; "bạn Nghĩa" đọc thành "bạn Nghía"...).
Mặc dù tỉ lệ nói ngọng thanh ngã không nhiều nhưng ảnh hưởng tới lời nói mạch lạc của trẻ, ảnh hưởng đến việc hình thành kỹ năng nói, đọc của học sinh. Và những em này không thể hoàn thành nhiệm vụ học tập môn tiếng Việt ở yêu cầu đọc, nói".
Theo Ths Nguyệt, một số nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng là do tật bẩm sinh. Chẳng hạn cấu tạo bộ máy phát âm của trẻ bị dị dạng, lưỡi ngắn, đầy lưỡi, tổn thương miệng hay các bệnh lý bẩm sinh như bệnh sứt môi hở hàm ếch, mắc tật chẻ vòm dẫn đến tình trạng trẻ nói ngọng. Ngoài ra, có thể do cấu tạo của thính giác khiến trẻ nghe kém, không nghe rõ, không nghe được vì vậy trẻ không đủ vốn từ để sử dụng hay sử dụng nhưng sai lệch.
Thứ hai, một số trẻ có thói quen ngậm núm vú giả lúc mới sinh thường xuyên và kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nói ngọng. Thứ ba là do rối loạn hành vi. Khi trẻ xem tivi, điện thoại, chơi game quá nhiều, trẻ học ngôn ngữ nhìn nói mà không theo cách thông thường là nghe nói khiến thính giác không được kích thích gây rối loạn phát âm.
Bài tập vận động miệng tổng quát
Vận động khớp hàm miệng: Hướng dẫn trẻ há miệng, ngậm miệng theo khẩu lệnh à - ập: ngón cái của cô đặt vào giữa cằm, kéo xuống cho khớp hàm mở ra. Sau đó vẫn dùng ngón cái giữ điểm giữa cằm kết hợp ngón tay trỏ đẩy hàm lên thực hiện liên tục 3-5 lần sau đó giảm dần sự trợ giúp để trẻ tự thực hiện. Việc vận động này giúp cơ hàm của trẻ linh hoạt, dễ phát âm.
Vận động môi: Mím môi, răng hàm trên cắm vào môi dưới. Có thể hỗ trợ trẻ bằng cách dùng ngón tay cái của cô đặt dưới điểm dưới môi, đẩy môi vào trong và hướng dẫn học sinh cắn răng vào môi 4-5 lần.
Vận động lưỡi: Đưa lưỡi sang hai bên mép bằng cách cho trẻ liếm mật ong 2 bên mép trái, phải liếm mật ong tròn viền môi (trò chơi mứt ngon), có thể thay mật ong bằng kẹo mút.
Vận động răng: Hướng dẫn học sinh cắn hai hàm răng vào nhau (trò chơi đánh răng, cười hì...).
Hóp má: Hướng dẫn trẻ giả làm máy bay ù ù, vù vù hay làm động tác thổi nến.
Một số bài tập chữa ngọng thanh ngã bằng âm tiết
Giáo viên, phụ huynh có thể sửa ngọng cho trẻ bằng cách hướng dẫn trẻ nói phần vần chưa nguyên âm đơn như o, ô, ơ, i, u, ư, a, e, ê:
lã = lạ + á => lã (nước lã)
bã = bạ + á => bã (bã chè)
tã = tạ + á => tã (tã lót)
mã = mạ + á => mã (mật mã)
đỗ = độ + ố => đỗ (giá đỗ)
Luyện đọc câu: Bé Nghĩa đi đến chỗ có ghế gỗ rất dễ dạng mà không bị ngã/ Nhà ông Lãm có cỗ giỗ, ông mua mỡ cỡ một cân.
Âm tiết có chứa nguyên âm đôi, không chứa câu cuối như:
đĩa = địa + ớ => đĩa (cái đĩa)
đũa = đụa + ớ => đũa (đôi đũa)
Luyện đọc câu: Mẹ em bày đĩa cá kho mà em không dám đụng đũa nào vì em sợ hóc xương khó chữa.
Âm tiết kết thúc bằng bán nguyên âm ví dụ như:
nẫu = nậu + ú => nẫu (nẫu ruột)
mẫu = mậu + ú => mẫu (mẫu đơn)
muỗi = muội + í => muỗi (con muỗi)
Luyện đọc câu: Sau cơn bão, bà con nhớ vệ sinh chỗ ở để diệt muỗi.
Âm tiết kết thúc bằng phù âm mũi như:
Mẫn = mận + ứ => mẫn (cần mẫn)
lãm = lạm + ứ => lãm (triển lãm)
dũng = dụng + ứ => dũng (dũng cảm).
Luyện đọc câu: Khi mọi việc còn chưa ngã ngũ, mọi người cần bình tĩnh và kiên nhẫn chờ đợi.
Tách âm tiết thành 2 âm tiết: âm tiết thứ nhất giữ nguyên âm đầu và nguyên âm + dấu nặng, âm tiết thứ 2 chưa vần của âm tiết nhưng thêm dấu sắc.
lão = lạ + áo
sẫm = sạ + ấm
dũng = dụ + úng
chẵn = chạ + ắn
mãnh = mạ + ánh
chĩnh = chị + ính
Luyện đọc câu: "Bà lão cầm cái chĩnh màu nâu sẫm đưa cho chàng dũng sĩ".
Cũng theo Ths Nguyệt, có một số lưu ý cho giáo viên và phụ huynh khi chữa ngọng cho trẻ là cần tạo sự thoải mái, hướng dẫn trẻ thả lỏng người và bình tĩnh khi nói để trẻ thấy an toàn, thích thú.
Giáo viên không hỏi dồn khiến trẻ lúng túng. Người chữa ngọng cho trẻ cần kiên trì, làm mẫu nhanh rồi đến chậm có phân tích để trẻ tự bắt chước theo các bài tập. Tuyệt đối không chê bai khiến trẻ xấu hổ, khen thưởng cổ vũ trẻ khi trẻ làm được.
Việc chữa ngọng thanh ngã cho học sinh cần tiến hành liên tục, có thể sử dụng kèm theo một chiếc gương lớn để quan sát khẩu hình. Mỗi ngày cần luyện 15-20 phút, đọc nhiều lần từ chậm đến nhanh dần để nhập hai âm tiết tách dần thành 1 sẽ cho tiếng đúng, tròn, rõ.
"Việc chữa ngọng thanh ngã sẽ giúp trẻ nói tròn vành, rõ tiếng, tạo điều kiện trẻ hoàn thành tốt kỹ năng đọc, nói của môn Tiếng Việt cũng như học tập các môn học khác đạt hiệu quả. Quá trình sửa ngọng thanh ngã cần đảm bảo nguyên tắc đúng, đủ, đều; đọc tiếng, từ với tốc độ chậm rồi tăng nhanh dần kết hợp với việc đọc cả câu", Ths Nguyệt nêu.