Lớp học đặc biệt cho những đứa trẻ "khuyết" về trí tuệ của bà lão 80 tuổi giữa lòng Hà Nội
Lớp học đặc biệt cho những đứa trẻ "khuyết" về trí tuệ của bà lão 80 tuổi giữa lòng Hà Nội
Gia Khiêm
Chủ nhật, ngày 30/10/2022 06:57 AM (GMT+7)
Suốt hơn 20 năm qua, Trung tâm Hy Vọng của bà Đỗ Thuý Nga (80 tuổi, ở Hà Nội) đã hỗ trợ, giúp đỡ cho những đứa trẻ chậm phát triển, "khuyết" về trí tuệ. Bà bảo đó là cách mình trả ơn cuộc đời này.
Nơi nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ của những đứa trẻ "khuyết" về trí tuệ
Đều đặn mỗi ngày hai bữa sáng chiều, Trung tâm Hy Vọng ở số 4, ngách 82/189 ngõ 290 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội của bà Đỗ Thuý Nga (80 tuổi) luôn tấp nập người ra vào đón trẻ. Tại đây suốt bao năm qua là nơi chăm sóc cho những đứa trẻ "khuyết" về trí tuệ.
Ở tuổi bát thập, hạnh phúc của bà Nga đơn giản là được gắn bó với từng tiếng cười, tiếng khóc, tiếng gọi "mẹ ơi, bà ơi" thân thương của những đứa trẻ còn khiếm khuyết. Với bà, đó là cách để trả ơn cuộc đời, nhen nhóm lên niềm hy vọng đối với các gia đình và với các trẻ bị thiệt thòi, đúng như cái tên "Trung tâm Hy Vọng" mà bà dầy công gây dựng suốt hơn 20 năm qua.
Lớp học đặc biệt cho những đứa trẻ "khuyết" về trí tuệ của bà lão 80 tuổi giữa lòng Hà Nội. Clip: Gia Khiêm
Trong gian phòng làm việc nhỏ, bà Nga cẩn thận lập rõ kế hoạch can thiệp đối với từng đứa trẻ. Giọng nói bà nhỏ nhẹ, rõ ràng cùng khuôn mặt có nụ cười hiền. Bà bảo, các trẻ ở đây đều mắc các hội chứng chậm phát triển nên mỗi em phải có phương pháp riêng.
"Muốn can thiệp được trẻ phải hiểu trẻ, phải yêu thương trẻ, nâng niu từng bước đi một, từng ý thức một. Mặc dù tiến bộ của mỗi trẻ rất nhỏ thôi nhưng tôi tin chăm sóc kiểu mưa dầm thấm lâu, trẻ sẽ tiến bộ", bà Nga quả quyết.
Trước đây, tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, bà Nga có hơn 10 năm làm bác sĩ nhi khoa. Sau bà công tác tại Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, rồi làm cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, Hà Nội.
Trong thời gian làm quản lý giáo dục, bà Nga được giao phụ trách khối cấp 1, 2 và thường có những cuộc kiểm tra, dự giờ, thao giảng những tiết học của các trường trên địa bàn. Lúc đó, khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Hà Nội và cả nước vừa thoát khỏi bao cấp, cuộc sống đỡ khó khăn hơn. Nhưng điều khiến người bà băn khoăn là ở lớp nào, giờ học nào bà tham dự, đều có những em bé vô cùng đặc biệt.
"Khi xuống thực tế nhiều trường thấy nhiều trẻ mà tôi cho rằng các em đã ngồi nhầm chỗ. Tức trẻ học nhưng không biết gì, thậm chí có trẻ học hết lớp 4 không biết đọc, biết viết nhưng vẫn ngồi và được lên lớp. Chính vì vậy tôi thấy rất băn khoăn, day dứt và tội cho những đứa trẻ ấy", bà Nga nhớ lại.
Trước khi về hưu (năm 1998), bà có đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho phép mở một lớp học, gom hết các em "đặc biệt" vào, cử những cô giáo tâm huyết nhất, một cô kèm 5-6 em… Lớp học kéo dài được khoảng 1 học kỳ rồi tan rã. Sau khi về hưu thay vì được mời làm chuyên gia, bác sĩ tại bệnh viện với mức thu nhập ổn định bà Nga lại hiện trong đầu nhiều trăn trở. Hình ảnh những em bé ngây ngô, ngơ ngác, không phản ứng với giao tiếp… cứ ám ảnh bà, quẩn quanh mãi không dứt ra được.
Thế rồi sau khi về hưu bà đã quyết định thành lập Trung tâm Hy Vọng đồng thời tập hợp một số giáo viên có tâm, yêu thương trẻ mở lớp tình thương. Ban đầu bà tiếp nhận trên 10 trẻ mang trong mình nhiều loại bệnh như down, bại não sau viêm màng não, chậm phát triển ngôn ngữ và trí tuệ,.. khi đó phụ huynh rất vui và hạnh phúc khi con mình được chăm sóc, quan tâm.
Trung tâm được mở tạm bợ khi bà tự bỏ tiền túi thuê căn nhà mái tranh rộng 20m2. Sau đó, một tổ chức nhân đạo của Mỹ trong một lần tình cờ đến thăm lớp đã bày tỏ mong muốn hỗ trợ một phần kinh phí giúp bà Nga xây dựng cơ sở vật chất để làm nơi gắn bó lâu dài với trẻ.
Được gia đình ủng hộ, trên mảnh đất khoảng 60m2 mượn của cô con gái đã lập gia đình, tại số 4, ngách 82/189 ngõ 290 Kim Mã, bà Nga đã xây dựng một căn nhà 4 tầng để làm trung tâm chăm sóc và dạy trẻ khuyết tật.
Cho đến nay, trung tâm tiếp nhận nhiều trẻ không riêng Hà Nội mà 23 tỉnh, thành phố trong cả nước, phụ huynh biết được tin đã đến nhờ bà can thiệp. Có lúc trung tâm lên đến 70 trẻ. Do đông có thời điểm học bà phải luân phiên hay cho một số học sinh cho ra trường "sớm" dành chỗ cho học sinh nặng can thiệp.
"Tính đến nay Trung tâm Hy Vọng đã tiếp nhận trên 300 trẻ. Trong đó có trẻ ra ngoài hoà nhập. Một số khác trưởng thành học hết lớp 5 về văn hoá đã xin làm ở các xưởng, công nhân, bảo vệ, lễ tân khách sạn. Tôi thấy việc làm đó hạnh phúc với mình", bà Nga cười.
Theo bà Nga, khi mở trung tâm chỉ có 2, 3 giáo viên được trả lương không cao, hơn nữa đều là giáo viên tình nguyện, thậm chí thời gian đầu không lương. Đến thời điểm hiện tại, trung tâm có 15 giáo viên đang chăm sóc hơn 50 trẻ chậm phát triển.
"Các trẻ ở đây có nhiều trường hợp vô cùng khó khăn khi mẹ bán hàng rong, rửa bát thuê, bố mẹ ốm đau bệnh tật, … Tôi mở cơ sở này không chủ trương làm kinh tế với trẻ khuyết tật mà chỉ chia sẻ giúp đỡ nên học phí tại đây rất thấp. Giáo viên đến đây là tình nguyện, chấp nhận lương thấp. Chính vì thế đòi hỏi các cô phải tâm huyết.
Tôi hay nói vui với các cô rằng cuộc sống gia đình con cái của các cô nhờ các chàng rể lo, còn trung tâm chỉ nuôi được các con. Tôi xúc động khi có giáo viên tâm sự với tôi rằng 'được làm việc với cô thấy tâm an, cho con ăn bữa cơm trưa con vẫn làm'. Điều đó khiến tôi rất cảm động. Có người đã gắn bó với tôi đến nay gần 20 năm rồi", bà Nga kể.
Hành trình tiếp nối những yêu thương của lớp học đặc biệt
Hiện tại công việc của bà Nga quản lý chung trung tâm, nghiên cứu soạn tài liệu giáo án bởi đây là giáo án dựa trên hiểu biết của trẻ. Mỗi trẻ có hồ sơ riêng, có phiếu đánh giá hàng tháng gồm 5 mặt: vận động thô, vận động tinh, cảm xúc, cá nhân xã hội, ngôn ngữ.
Các mặt cần can thiệp bà xây dựng chương trình riêng và làm biểu đồ theo dõi. Bà thường xuyên nhắc nhở sống và làm thế nào để các giáo viên thấy việc làm này có ý nghĩa, mặt khác để các cô giáo gắn bó với mình bà Nga cho biết rất yêu và nể phục các giáo viên ở trung tâm.
"Suốt bao nhiêu năm qua tôi không thể nhớ hết được từng đứa trẻ đã được dạy dỗ ở trung tâm. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp khiến tôi vô cùng xúc động. Như cháu Hoàng Thục Anh bị liệt nửa người bên phải, viết bằng tay trái, thêu cũng bằng tay trái nhưng bạn rất giỏi, gấp con chim én chỉ chưa đầy 5 phút bằng một tay. Thi thoảng gọi điện hỏi thăm sức khoẻ của tôi", bà Nga cười rạng ngời.
Bà nhớ lại, thời kỳ đầu khi học sinh còn ít, bà nhận thêm trẻ không hẳn tự kỷ hay chậm phát triển mà chỉ là khó nuôi. Bà có chủ trương dạy nhân cách trước khi dạy chữ, đó là biết yêu thương giúp đỡ mọi người.
"Có bé Mai Thuỷ, năm 2003 mới 3 tuổi, học 3 năm ở đây có nhân cách rất tốt, đến khi học hết cấp 3 cháu thi được học bổng 6 trường của Mỹ, giờ chuẩn bị ra tốt nghiệp đại học rồi. Đó là điều tôi rất vui. Bạn ấy nói 'con trưởng thành như hôm nay là con nhờ bà'. Thứ 2, bài con thi luận văn con kể lại câu chuyện con đã học với các bạn tự kỷ, hiểu về cuộc sống cũng như hiểu nhân cách của một con người cần làm thế nào. Bài của con được đánh giá rất cao.
Hay tôi xúc động với bé khi vào trung tâm lúc 3-4 tuổi không biết nói, đến khi can thiệp được 1,2 năm cháu biết gọi bà, gọi mẹ. Giây phút ấy, bố mẹ cháu đã ôm lấy tôi khóc làm tôi khóc theo, xúc động quá", bà Nga bày tỏ.
Là một trong 10 gương mặt phụ nữ thủ đô tiêu biểu được vinh danh vừa qua, bà Nga cho biết, bản thân rất bất ngờ. Bà cảm thấy việc mình làm rất bình thường, lẽ thường phải làm như vậy bởi người bà, người mẹ nào cũng đều có thể làm được đó là yêu thương trẻ.
"Khi thấy các con trưởng thành tôi rất hạnh phúc. Cho đến giờ mọi người vẫn hỏi tại sao làm việc này? Tôi trả lời vì cuộc đời bởi cuộc đời này đã ưu ái với tôi, cho tôi sức khoẻ để làm việc, cho một gia đình hạnh phúc, có người chồng tốt và những đứa con hiếu thảo cùng rất nhiều bạn bè. Mình cần trả ơn cuộc đời này bằng cách làm việc gì đó. Tôi được học tập, đào tạo bài bản không mang kiến thức đó ra phục vụ cho cuộc đời này thì phí quá. Hiểu biết gì, giúp đỡ được ai điều gì tôi sẽ giúp", bà Nga bày tỏ.
Tuổi cao nhưng hàng ngày bà Nga vẫn leo bộ lên xuống 4 tầng trong nhà. Thời gian nghỉ ngơi bà cho hay, không phân bổ thời gian một cách rạch ròi, mệt thì nghỉ, khoẻ làm, rảnh rỗi bà dành thời gian tập Yoga để giúp cuộc sống mềm mại, cái đầu tĩnh và thêm sức khoẻ.
"Tôi luôn nhắc nhở các cô tại trung tâm không một ai được có hành vi đánh đập, quát mắng trẻ. Không được làm tổn thương tâm hồn trẻ. Phải ghi nhớ từng lời ăn tiếng nói của mình với trẻ. Tôi sẽ gắn bó với công việc này cho đến đến khi nào không làm được nữa. Ngoài ra tôi cũng đào tạo một trợ lý khi mình mệt cô ấy sẽ điều hành trung tâm. Trong tương lai tôi giao lại nhiệm vụ giúp đỡ trẻ cho con gái cả của mình để tiếp tục nuôi ước mơ hỗ trợ các cháu", bà Nga nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.