Tìm về cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ hộ bà Phan Thị Ngoãn (xóm An Cư, xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN quan sát có rất đông hội viên, nông dân đang đan những chiếc hộp, đĩa, nơm…từ nguyên liệu cây cói.
Clip: Nhờ nghề đan các hộp, đĩa, nơm...từ cây cói giúp hội viên, nông dân ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thoát nghèo
Bà Phan Thị Ngoãn chia sẻ: "Gia đình tôi sản xuất và chế biến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cây cói hơn 10 năm. Nghề đan cói cũng là nghề truyền thống của quê hương huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) chúng tôi. Tuy nói là nghề phụ, tranh thủ lúc nông nhàn mới "lôi" ra để đan, nhưng thực tế lại trở thành thu nhập chính, ổn định đối với nhiều gia đình".
"Để tạo ra các sản phẩm, mặt hàng từ cây cói chúng tôi phải vào tận huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa để thu mua nguyên liệu rồi về xử lý tránh bị mốc ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi làm ra", bà Ngoãn cho biết.
Theo bà Ngoãn: "Nghề đan các hộp, đĩa, nơm…từ cây cói này cũng không khó, trẻ nhỏ hay người có tuổi cũng có thể làm được. Mỗi khi có mẫu hàng mới tôi chỉ dạy, hướng dẫn cho hội viên, nông dân khoảng 2 ngày là họ quen công việc và làm rất đẹp nên khách hàng lúc nào cũng khen ngợi".
Được biết, hằng năm gia đình bà Ngoãn dạy nghề, thu mua các sản phẩm từ cói cho hơn 100 hội viên, nông dân trên địa bàn. Ngoài ra, gia đình bà Ngoãn còn có thêm nghề đúc hoa văn xi măng, trang trí nhà thờ, lăng mộ…
Hiện tại gia đình đang tạo công việc thường xuyên cho 6 lao động, còn thời cao điểm như những tháng cuối năm thì trên 10 lao động với mức lương bình quân 400.000 đồng/người/ngày. Qua ghi chép trừ chi phí gia đình bà Ngoãn thu nhập hơn 1 tỉ đồng/năm.
Từ sản xuất và chế biến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cây cói này đang giúp nhiều hộ dân huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thoát nghèo, nâng cao đời sống nông thôn, đạt tiêu chí thu nhập đối với xã nông thôn mới.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (xóm An Cư 2, xã Thượng Kiệm) kể: "Tôi làm nghề đan các sản phẩm từ cây cói tầm 10 năm nay, trước kia chỉ làm các sản phẩm thông thường như: Dệt chiếu, đệm ngồi…Nhưng bây giờ thị trường cần các mẫu mã mới, chị Ngoãn lại gọi chúng tôi đến để dạy miễn phí và khi tạo ra sản phẩm chúng tôi lại nhập lại cho cơ sở".
Cũng theo bà Nguyệt, ngoài công việc đồng áng và công việc nội trợ trong gia đình, nhiều chị em xã Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn) thường tranh thủ những giờ nhàn rỗi để đan các sản phẩm từ cây cói. Nếu người nào đan nhanh ngày bỏ túi khoảng 200.000 đồng là bình thường.
Tuy chỉ là nghề phụ, nhưng nhờ chịu thương chịu khó các hội viên, nông dân ở Kim Sơn có thu nhập từ chế biến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nguyên liệu cây cói lại cao hơn nhiều so với làm nông. Đây cũng là giải pháp để đào tạo nghề và giải quyết việc làm đạt hiệu quả tích cực hơn đối với các xã đã và đang xây dựng nông thôn mới.
Do vậy, các địa phương cần xây dựng vùng nguyên liệu, khai thác hiệu quả trang thiết bị, cơ sở vật chất của các trung tâm dạy nghề nhằm phục vụ đào tạo, sản xuất. Việc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển làng nghề, nhất là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống có một ý nghĩa lớn cả về kinh tế lẫn xã hội.
Đồng thời, dạy nghề ở nông thôn đang là giải pháp quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân.