Vùng đất ở Khánh Hòa cứ đến tối là cánh đồng bật đèn sáng trưng, dân đang "nuôi" cây cảnh bán Tết

Thứ ba, ngày 18/10/2022 18:45 PM (GMT+7)
Những ngày này, đến các vùng trồng hoa cúc Tết của tỉnh Khánh Hòa đã thấy không khí rộn ràng hơn. Chúng tôi bắt gặp nhiều nông dân tất bật tỉa lá, tỉ mẩn cắm cây, chong đèn… để đảm bảo cho hoa cúc khoe sắc đúng dịp xuân về.
Bình luận 0

Ròng rã chăm hoa

Buổi tối một ngày tháng 10, chúng tôi có mặt ở thủ phủ hoa cúc phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). 

Các ngả đường đều rực sáng làm cho những vườn hoa cúc nổi bật trong đêm. Giữa cơn mưa lất phất, ông Hồ Văn Tấn (Tổ dân phố Phong Phú 2) vừa dùng xong bữa cơm tối đã vội ra chong đèn “nuôi” 1.000 chậu hoa cúc. 

Ông Tấn cho biết, gia đình ông trồng hoa cúc Tết đến nay đã gần 30 năm. Trước đây, giống hoa cúc thường được mua về từ TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), nhưng nay ở phường Ninh Giang đã có tổ liên kết trồng hoa, tự cung, tự cấp giống cho các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận. 

Ngay từ thời điểm tháng 3 (âm lịch), người trồng hoa cúc phường Ninh Giang đã bắt đầu ươm giống, tháng 7 cho giống hoa vào chậu lớn, tháng 8 cho giống hoa vào chậu nhỏ. Sau 20 ngày vào chậu, khi cây hoa lên được 1-2 cặp lá, hoa cúc sẽ được chong đèn suốt đêm liên lục trong 3 tháng.

Lý giải việc chong đèn trong thời gian dài như vậy, ông Tấn cho biết, hoa cúc là giống hoa chịu nhiệt, với thời gian nắng 8 giờ/ngày như hiện nay không đủ cho cây sinh trưởng, phát triển tối đa; do đó, việc chong đèn xuyên đêm để cây được cung cấp ánh sáng 16 giờ/ngày. 

Có như vậy, cây hoa cúc mới có thể phát triển, vươn cao. Cây hoa ban đầu vào chậu cao khoảng 20cm, đến khi bán phải cao khoảng 1,1m mới xem là đạt chuẩn. 

Vùng đất ở Khánh Hòa cứ đến tối là cánh đồng bật đèn sáng trưng, dân đang "nuôi" thứ cây cảnh bán Tết - Ảnh 2.

Người trồng hoa cúc ở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa chong đèn dưỡng hoa cúc Tết.

“Nếu không chong đèn thì hoa sẽ không phát triển chiều cao như mong muốn và có thể sẽ ra bông sớm. Do đó, để canh cho hoa cúc nở vào đúng dịp Tết, người trồng phải tính toán thời điểm chong đèn liên tục đến trước Tết khoảng 30 ngày thì tắt đèn cho hoa nở; đến lúc đó mà còn có đèn là hoa cũng sẽ không nở. Vậy mới có chuyện những hộ trồng hoa ở gần các trục đường có đèn đường còn phải che ánh sáng từ đèn đường để hoa nở”, ông Tấn giải thích.

Với thâm niên hơn 15 năm trồng hoa cúc Tết ở phường Ninh Giang, ông Hoàng Văn Nam chia sẻ, 30 ngày trước khi đem hoa cúc đi bán là thời điểm người trồng vất vả nhất. Do các cánh đồng trồng hoa ở xa nhà, người trồng hoa phải dựng lều, mang đồ ăn đến để “ăn, ngủ cùng hoa”. 

Họ phải chăm sóc để đảm bảo cây hoa phát triển tốt nhất, từ việc tưới nước liên tục, tạo dáng, nhặt nụ hoa nở sớm, quay hướng hoặc che bớt nắng cho hoa… 

“Bên cạnh việc chăm sóc, thời gian vào giống và canh cho hoa cúc nở đúng thời điểm đòi hỏi kinh nghiệm của người trồng. Sở dĩ phải canh như vậy là do nhu cầu mua hoa cúc Tết của người dân các vùng miền khác nhau”, ông Nam cho biết.

Ông Nguyễn Thành Nhi - Chủ tịch UBND phường Ninh Giang cho biết, dù những năm qua, người trồng hoa cúc gặp nhiều khó khăn nhưng các hộ trồng hoa cúc Tết đều có lãi. Năm nay, phường có khoảng 200 hộ trồng hoa cúc.

Mong mưa thuận, gió hòa

Đến thị trấn Cam Đức (vùng trồng nhiều hoa Tết nhất ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), khi đi qua các con đường Đại Hàn, Nguyễn Khuyến…, chúng tôi đã thấy nhiều khu đất được đặt kín các chậu hoa cúc Tết. Người trồng đang cắm cây vào các chậu hoa, bón phân và chong đèn suốt đêm. 

Ông Mai Hoàng Minh (Tổ dân phố Bãi Giếng, thị trấn Cam Đức) cho biết, năm nay, gia đình ông chỉ trồng 600 chậu hoa, giảm 400 chậu so với năm ngoái. 

“Không chỉ riêng tôi mà các hộ xung quanh đều giảm diện tích trồng hoa cúc Tết vì việc chăm sóc mất nhiều thời gian, chi phí đầu tư ngày càng lớn. Năm nay, vừa vực dậy sau 2 năm dịch Covid-19, nhưng giá phân bón, thuốc trừ sâu, cây cắm hoa, phí thuê nhân công… đều tăng cao. 

Trong khi đó, giá bán hoa cúc dự báo không tăng nên nếu trồng nhiều sẽ có rủi ro cao. Với tình hình thời tiết thất thường như hiện nay, nếu những ngày Tết nắng nóng thì hoa cúc sẽ bung nụ sớm, trời mưa lạnh hoa cúc nở không đẹp, bán không được giá. Do đó, người trồng hoa chỉ mong sao những tháng cuối năm mưa thuận, gió hòa để hoa cúc nở đúng dịp Tết đến, xuân về”, ông Minh chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Luân - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cam Đức cho biết, trước thời điểm dịch Covid-19, diện tích trồng hoa cúc Tết trên địa bàn thị trấn là 15ha. Đến vụ hoa Tết năm ngoái, diện tích trồng hoa còn khoảng 4ha và năm nay lên 10ha.

Nguyên nhân khiến diện tích trồng hoa cúc Tết biến động ngoài việc chi phí đầu tư tăng còn do thị trường hoa chưng Tết ngày càng đa dạng.

Vùng đất ở Khánh Hòa cứ đến tối là cánh đồng bật đèn sáng trưng, dân đang "nuôi" thứ cây cảnh bán Tết - Ảnh 5.

Người trồng hoa ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) chăm sóc hoa cúc Tết.

Chia tay các làng hoa, nhìn những vạt hoa cúc Tết đang phát triển tốt, chúng tôi thầm mong thời tiết sẽ thuận lợi để hoa nở thật đẹp cho một mùa xuân tươi mới và cũng mang đến niềm vui cho người trồng.

Theo báo cáo của UBND thị xã Ninh Hòa, năm nay, tổng số lượng hoa cúc các loại trên địa bàn thị xã khoảng 75.000 chậu, tập trung chủ yếu tại các xã, phường: Ninh Giang 45.000 chậu, Ninh Bình 4.000 chậu, Ninh Trung 13.000 chậu, Ninh Phụng 10.000 chậu, Ninh Đông 1.000 chậu, Ninh Đa 2.000 chậu. Hiện nay, hoa cúc mới vào chậu, người dân chú trọng chăm sóc nên cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Theo báo cáo của UBND huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa), để cung ứng hoa cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, trên địa bàn có 32ha trồng hoa (hoa cúc 30ha, hoa lay ơn 2ha).

Thái Thịnh (Báo Khánh Hòa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem