Nuôi cá tai tượng da beo trong bể lót bạt bán làm kiểng, trai trẻ Hậu Giang "bỏ túi" 600 triệu
Nuôi cá tai tượng da beo trong bể lót bạt bán làm kiểng, trai trẻ Hậu Giang "bỏ túi" 600 triệu dễ như ăn kẹo
Huỳnh Xây
Thứ ba, ngày 18/10/2022 14:31 PM (GMT+7)
Nuôi cá tai tượng da beo (cá heo lửa), anh Nguyễn Trí Thức ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang thu nhập ổn định hơn 600 triệu đồng/năm.
Nuôi cá tai tượng da beo vì thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định
Cá tai tượng da beo (còn được gọi là cá heo lửa) được anh Nguyễn Trí Thức ở ngụ ấp Đông Mỹ, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang nuôi thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo anh Thức, trại nuôi cá tai tượng da beo của anh rộng hơn 1.000m2. Trong đó, anh anh thiết kế nhiều bể bạt và thả cá vào đó nuôi. Mỗi bể được trang bị hệ thống xử lý nước, xử lý oxy tạo môi trường cho cá phát triển tốt nhất.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, anh Thức kể, cách đây 5 năm, khi nghề nuôi cá chạch lấu nở rộ, anh quyết định nuôi cá chạch lấu trong bể bạt nhưng thất bại vì cá chậm lớn, chi phí nuôi cao, dẫn đến thua lỗ. Sau 2 năm gắn bó, anh Thức không còn nuôi cá chạch lấu nữa.
Không lâu sau, nhờ được người quen giới thiệu mô hình nuôi cá tai tượng da beo hiệu quả ở Sóc Trăng nên anh Thức đi học hỏi và quyết định mua 5.000 con giống về nuôi thử trong bể bạt đã có sẵn.
Do lần đầu nuôi thử, chưa có kinh nghiệm thực tế nhiều nên đàn cá bị chết dần, chỉ còn khoảng 1.000 con. Lúc này, anh Thức không nản lòng mà mua thêm 10.000 con giống để nuôi.
"Loại cá này được nhiều người chơi ưa chuộng, đầu ra ổn định nên tôi quyết định nuôi cho bằng được. Lúc đầu vừa nuôi, tôi vừa đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi cá tai tượng da beo. Cuối cùng tôi cũng thành công với mô hình này" - anh Thức nói với Báo điện tử Dân Việt.
Hiện nay, trại nuôi cá tai tượng da beo của anh Thức có khoảng 80 cặp cá bố mẹ và trên 50.000 con cá giống. Trong đó có 2 loại gồm: cá tai tượng da beo trắng và cá tai tượng da beo đen.
Những kỹ thuật nuôi cá tai tượng da beo cần phải chú ý
Để cá tai tượng da beo trong bể bạt phát triển tốt, anh Thức đầu tư hệ thống xử lý nước ra vào, sủi oxy và giữ độ pH nước từ 6,5-7,5.
Về kỹ thuật cho cá tai tượng da beo sinh sản, anh Thức cho hay, cá sinh sản từ tháng giêng đến tháng chạp. Sau khi cá sinh sản, anh vớt đem ấp từ 3-4 ngày. Mỗi ổ trứng ấp sẽ cho ra khoảng vài trăm đến hơn 1.000 con cá bột.
Anh Nguyễn Trí Thức ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang chia sẻ về quá trình nuôi cá tai tượng da beo bán làm kiểng với phóng viên Báo điện tử Dân Việt. Video: Huỳnh Xây
"Cá tai tượng da beo sinh sản và ấp trứng có tỉ lệ đậu cao vào mùa nắng, còn mùa mưa có tỷ lệ hao hụt cao' - anh Thức lưu ý.
Sau khi cá nở, sẽ được anh Thức cho ăn trứng nước, trùn chỉ. Cá tai tượng da beo sau khi nuôi đạt kích cỡ từ 3-4 cm sẽ được anh Thức đem vào bể nuôi riêng, dần da cá sẽ lên màu.
"Khi da cá lên màu, nổi hoa văn đỏ dọc hai bên bụng sẽ có giá bán cao. Cụ thể, cá tai tượng da beo giống lên màu có bán bán gần 30.000 đồng/con, còn lúc chưa lên màu chỉ khoảng 20.000 đồng/con" - anh Thức tiết lộ với phóng viên Báo điện tử Dân Việt.
Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm, anh Thức bán ra thị trường từ 200.000-300.000 con cá tai tượng da beo giống, với giá từ 3.000-30.000 đồng/con, thu về hơn 600 triệu đồng. Do vẻ ngoài đẹp mắt nên cá tai tượng da beo thường được khách mua về nuôi làm kiểng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.