Trong khuôn khổ dự án "Trình diễn áp dụng công nghệ nảy mầm sẵn hạt giống" ở 2 vụ lúa năm 2022, HTX thanh niên Nam Đại Dương đã phối hợp với hộ nông dân Trần Văn Hòa ở thôn Thượng, xã Minh Tân triển khai xây dựng mô hình trình diễn áp dụng công nghệ Hạt giống nảy mầm sẵn trên cây lúa giống BT7 Thái Bình, mỗi vụ diện tích 4ha.
Trong vụ mùa năm 2022, HTX thanh niên Nam Đại Dương tiếp tục phối hợp với hộ anh Trần Văn Hòa ở thôn Thượng để thực hiện áp dụng công nghệ hạt giống nảy mầm sẵn kết hợp sử dụng hữu cơ khoáng của NPK cao cấp Lâm Thao vào kỹ thuật trồng lúa không cày bừa với diện tích 1,5 mẫu.
Đến nay, sau khi kết thúc 2 vụ, mô hình áp dụng công nghệ nảy mầm sẵn hạt giống đã thu được kết quả tốt. Theo đó, lúa giống không cần ngâm ủ, hạt giống đã được nảy mầm sẵn sẽ lập tức hồi sinh và phát triển bình thường khi gặp điều kiện thuận lợi. Công nghệ này giúp nhà nông chủ động về giống và thời gian xuống giống hoàn toàn; giúp triển khai nhanh tiến độ mùa vụ, tránh được thời điểm thời tiết không thuận lợi, giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh đó, công nghệ hạt giống nảy mầm sẵn giúp nhà nông giảm thời gian chuẩn bị giống và thời điểm xuống giống cho người sản xuất từ 5 ngày xuống còn 0 ngày, tiết kiệm 10.000 đồng/1kg giống (chi phí công, nước, khấu hao công cụ...). Rút ngắn thời gian mùa vụ khoảng 4 - 5 ngày.
Điều đáng chú ý là công nghệ này hoàn toàn có thể áp dụng ở quy mô công nghiệp, giúp tiết kiệm hàng triệu công lao động trong khâu chuẩn bị giống. Hoàn toàn có thể hạn chế một số dịch hại phát sinh từ quá trình ngâm ủ không tập trung hay lây truyền qua hạt giống. Năng suất lúa ước đạt từ 240-250 kg/sào đối với lúa tươi.
Với mô hình 1,5 mẫu áp dụng công nghệ hạt giống nảy mầm sẵn kết hợp sử dụng phân hữu cơ khoáng Lâm Thao vào kỹ thuật trồng lúa không cày bừa ở vụ mùa, đã góp phần giải quyết vấn đề nổi cộm trong trồng lúa hiện nay. Cụ thể đó là: Trải qua quá trình canh tác lâu dài, hàm lượng hữu cơ trong đất đã giảm dần, chất lượng hữu cơ không cao. Đối với phương pháp trồng trọt truyền thống luôn có công đoạn cày bừa để làm đất thông thoáng, loại trừ cỏ dại và giúp phục hồi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, cày bừa cũng làm xói mòn đất và phá hủy một phần sinh vật hữu cơ trong đất.
Do đó, trồng trọt không cày bừa mà chỉ sử dụng phân hữu cơ khoáng Lâm Thao sẽ giúp giữ lại một phần dinh dưỡng tự nhiên của mảnh ruộng. Cụ thể, mô hình sử dụng phân bón thế hệ mới Lâm Thao gồm: Phân hữu cơ khoáng 3.5.2 cho bón lót, và NPK cao cấp Lâm Thao 16.8.8/16.8.16 cho bón thúc. Lúa được "ăn" phân bón chất lượng nên cây cứng cáp, bền cây, giảm sâu bệnh hại.
Kỹ thuật trồng lúa không cày bừa kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ khoáng Lâm Thao có 3 đặc điểm chính: Giữ nguyên thực vật phủ là những loại cây như cỏ ba lá, rơm rạ, cỏ linh lăng... Chúng tạo thành một thảm thực vật bảo vệ đất khỏi bị xói mòn, đồng thời hút khí nitơ từ không khí, lưu khí này trong các mấu rễ cây để làm giàu cho đất; không cày bừa và quay vòng vụ mùa nhanh chóng.
Tại hội nghị đầu bờ, các đại biểu đã đánh giá cao hiệu quả, ưu điểm của cả 2 mô hình: Trình diễn áp dụng công nghệ hạt giống nảy mầm; Trình diễn áp dụng công nghệ hạt giống nảy mầm sẵn kết hợp sử dụng phân hữu cơ khoáng và NPK cao cấp Lâm Thao vào kỹ thuật trồng lúa không cày bừa tuần hoàn dinh dưỡng tại chỗ. Bà con cũng bày tỏ mong muốn mô hình tiếp tục được nhân rộng trong toàn xã những năm tiếp theo.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Sinh Tiến - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định khẳng định, tỉnh rất quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa. Qua trình tìm hiểu, theo dõi, mô hình áp dụng công nghệ giống nảy mầm siêu tốc và mô hình cấy lúa không cày bừa của HTX thanh niên Nam Đại Dương tại 4 huyện: Vụ Bản, Trực Ninh, Nam Trực, Nghĩa Hưng đã mang lại những hiệu quả tích cực.
Những diện tích được gieo cấy theo các mô hình trên lúa phát triển bình thường so với các loại giống truyền thống, sản lượng tương đương, khả năng chống chịu sâu bệnh như nhau.
Mô hình còn giúp nông dân thu nhiều lợi ích như: Không cần ngâm ủ giống, mua về có thể gieo trực tiếp; chủ động thời gian, tránh được thời tiết bất lợi; mầm cây không bị gãy như mầm thóc truyền thống.
Đây cũng chính là những sáng kiến góp phần giải quyết sức ép từ việc thiếu hụt lao động nông nghiệp, giảm chi phí, sức lao động cho người nông dân… Trên cơ sở đó, tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục có cơ chế khuyến khích hỗ trợ mô hình trong những năm tiếp theo.