Ứng dụng công nghệ nuôi cá giống, một nông dân tỷ phú Bắc Ninh khiến cả làng phục lăn

Khương Lực Thứ ba, ngày 01/11/2022 18:45 PM (GMT+7)
Nhờ áp dụng phương pháp đẻ vuốt, ấp trứng bằng bình vây, anh Trần Đình Sơn ở xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đã tạo ra hiệu quả bất ngờ trong việc sản xuất cá giống. Tỷ lệ trứng ấp nở thành công lên đến 80-90%. Cá giống sản xuất ra đảm bảo chất lượng, sạch bệnh và lớn nhanh.
Bình luận 0

Nhận thấy tiềm năng từ nghề sản xuất cá giống mang lại, năm 2019, anh Trần Đình Sơn ở xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đã tập hợp 7 hộ có 20 năm kinh nghiệm trong kinh doanh, nuôi và sản xuất cá giống để thành lập Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Thái Sơn. 

Trên tổng diện tích 22.500m2, HTX Thủy sản Thái Sơn  đầu tư hệ thống quạt nước, sử dụng các chế phẩm sinh học và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cá giống.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất cá giống, sản lượng tăng gấp 3 lần

Từ 300 cặp cá chép lai V1 nhận chuyển giao từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, HTX Thủy sản Thái Sơn đã tiến hành ươm dưỡng, nuôi vỗ để cho đẻ và áp dụng phương pháp đẻ vuốt, ấp trứng bằng bình vây nhằm cung ứng giống cá chép chất lượng cho các hộ dân nuôi cá trên địa bàn tỉnh và những địa phương lân cận.

Bắc Ninh: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất cá giống, tạo hiệu quả bất ngờ - Ảnh 1.

Cá giống sau khi được ươm dưỡng, nuôi vỗ sẽ tiêm kích dục tố để kích thích quá trình chín trứng và rụng trứng, sau đó được áp dụng phương pháp đẻ vuốt. Ảnh: K. Lực

Bắc Ninh: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất cá giống, tạo hiệu quả bất ngờ - Ảnh 2.

Sau công đoạn vuốt trứng, vuốt sệ cá rồi đảo đều, cho vào bình vây thì chỉ cần 1 lao động cứ 2-3 giờ kiểm tra một lần. Sau quá trình ấp 2 ngày tại bình vây, trứng cá bắt đầu có điểm mắt và nở. Ảnh: K. Lực

Nói về việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cá giống, đặc biệt là phương pháp đẻ vuốt, ấp trứng bằng bình vây, anh Trần Đình Sơn cho biết, chất lượng đàn cá giống do HTX Thủy sản Thái Sơn sản xuất ra có tỷ lệ sống cao hơn, đồng thời chất lượng, màu sắc và sức khỏe của cá giống cũng tốt hơn.

Theo anh Sơn, nếu như trước đây để cá sinh sản tự nhiên, đẻ trứng qua giá thể thì tỷ lệ thất thoát trong một bể rơi vào khoảng 2-3kg trứng. Khi áp dụng công nghệ cao vào nuôi dưỡng cá bố mẹ, rồi áp dụng phương pháp đẻ vuốt, ấp trứng bằng bình vây thì tỷ lệ hao hụt chỉ còn khoảng 200-300 gam trứng.

Không chỉ có vậy, việc áp dụng phương pháp đẻ vuốt, ấp trứng bằng bình vây còn giúp giảm chi phí về nhân lực, vật lực. Thay vì phải mất tới 5-6 nhân công mỗi lần cho cá ấp nở thì sau công đoạn vuốt trứng, vuốt sẹ cá cho vào bình vây thì chỉ cần 1 nhân sự để kiểm tra (2-3 giờ kiểm tra một lần).

"Sau quá trình ấp khoảng 2 ngày tại bình vây, trứng cá bắt đầu có điểm mắt và nở. Tổng thời gian từ lúc cho đẻ cho đến lúc xuất cá bột rơi vào khoảng 5-6 ngày, tùy theo thời tiết" – anh Sơn nói và cho biết số lượng bể trong một lần đẻ cũng giảm từ 6-7 bể xuống còn 2 bể: bể cá đực và bể cá cái.

Trong khi đó, tỷ lệ trứng ấp nở thành công lên tới 80-90%, cao hơn 40% so với việc để cá sinh sản tự nhiên qua giá thể. Qua 3 vụ triển khai, phương pháp này đem lại hiệu quả gấp hơn 3 lần khi cho sản lượng 45 triệu cá bột/năm thay vì 12,5 triệu cá bột/năm bằng phương pháp truyền thống.

"Khi sự phát triển về nông nghiệp yêu cầu ngày càng cao thì chất lượng con giống đầu vào phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí như: sạch bệnh, tăng trưởng tốt và thời gian nuôi ngắn. Đó là lý do trong 3 năm vừa qua HTX Thủy sản Thái Sơn luôn học hỏi, cập nhật các chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, qua đó để cải thiện chất lượng giống cá"- anh Sơn lý giải.

Bắc Ninh: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất cá giống, tạo hiệu quả bất ngờ - Ảnh 4.

Việc sản suất cá giống phải đáp ứng được các tiêu chí như: sạch bệnh, tăng trưởng tốt và thời gian nuôi ngắn.Ảnh: K. Lực

Bắc Ninh: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất cá giống, tạo hiệu quả bất ngờ - Ảnh 5.

Nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất cá giống, Hợp tác xã Thủy sản Thái Sơn đã tạo ra những con giống khỏe mạnh, chất lượng để cung ứng ra thị trường. Ảnh: K. Lực

Anh Trần Đình Sơn chia sẻ, phương pháp ấp trứng bằng bình vây có chi phí đầu tư không quá cao, khoảng 26 triệu đồng/bình có thể tích 1m3, việc lắp đặt cũng thuận tiện, dễ dàng. Để tăng hiệu quả, HTX Thủy sản Thái Sơn sử dụng hệ thống cấp nước theo công nghệ tuần hoàn duy trì nhiệt độ nước ổn định ương nuôi cá giống.

Đến nay, HTX Thủy sản Thái Sơn đã hình thành trung tâm sản xuất cá giống công nghệ cao, sản xuất nhiều loại cá giống như: cá chép V1, cá rô đơn tính... với sản lượng cung ứng gần 70 triệu con cá giống/năm. Đặc biệt, HTX Thủy sản Thái Sơn luôn chú trọng ứng dụng công nghệ mới để cải tiến khoa học, kỹ thuật công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng đàn cá giống cung ứng ra thị trường. 

Cùng với đó, HTX cũng đã chủ động thời điểm cho cá sinh sản, thường cung cấp ra thị trường sớm trước 2 tháng so với các cơ sở sản xuất tự nhiên, qua đó, tăng giá trị cho cá giống, mở rộng đối tượng khách hàng trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.

Chủ động nguồn cá giống, nông dân nuôi cá hưởng lợi

Anh Phạm Văn Tiệp ở xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh cho biết, nhà anh có 6 mẫu ao nuôi cá giống và cá thịt. Trước đây, anh phải mất nhiều thời gian đến các tỉnh lân cận để chọn cá giống. Cá giống mua xong, anh phải trả đủ tiền. Do vậy chuyển xa, chất lượng cá giống bị ảnh hưởng nhiều nhưng anh không được bảo hành.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sau mỗi vụ anh thường đến HTX Thủy sản Thái Sơn để chọn cá giống về nuôi. Cơ sở cá giống gần nhà đã giúp gia đình anh giảm chi phí trong khâu vận chuyển và chọn được những con giống khỏe mạnh, chất lượng để nuôi. Cùng với đó, anh còn có thể nhờ HTX Thủy sản Thái Sơn tư vấn giúp về kỹ thuật nuôi cá giống, cá thịt để đạt hiệu quả cao.

Bắc Ninh: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất cá giống, tạo hiệu quả bất ngờ - Ảnh 1.

Đàn cá chép lai V1 được Hợp tác xã Thủy Sản Thái Sơn nhận chuyển giao từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I về ươm dưỡng, nuôi vỗ để sản xuất giống cá, cung ứng ra thị trường. Ảnh: K. Lực

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh) cho biết, do đặc thù tỉnh Bắc Ninh có diện tích đất nông nghiệp không lớn, đặc biệt diện tích ao đất nuôi thủy sản vào khoảng 4.800ha. Trong những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh đã phát triển nuôi cá lồng trên sông với khoảng hơn 2.400 lồng.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản như: hỗ trợ con giống bố mẹ, hỗ trợ hệ thống sục khí, quạt nước bổ trợ cho ao nuôi thâm canh… 

Nhờ đó, sản lượng và cơ cấu thủy sản của tỉnh có sự thay đổi rõ rệt. Cơ cấu đàn cá tiếp tục chuyển đổi theo hướng tăng đối tượng có năng suất, hiệu quả kinh tế cao như: cá lăng, cá nheo Mỹ, cá tầm, cá chép giòn, cá diêu hồng…

Ngày 3/3/2022, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kế hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. 

Một trong 6 chương trình ưu tiên của kế hoạch là cải tạo, nâng cấp hạ tầng các cơ sở sản xuất giống thủy sản nhằm nâng cao năng lực quản lý, tiếp nhận giống thủy sản gốc và bổ sung, thay thế đàn giống cá bố mẹ để sản xuất con giống phục vụ nhu cầu nuôi cá thâm canh trên địa bàn tỉnh.

Bắc Ninh: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất cá giống, tạo hiệu quả bất ngờ - Ảnh 2.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh) xuống thăm, kiểm tra mô hình sản xuất cá giống của Hợp tác xã Thủy sản Thái Sơn. Ảnh: K. Lực

Hiện nay, Bắc Ninh hiện có 165 vùng nuôi thủy sản tập trung từ 10 ha trở lên với diện tích gần 3.000 ha. Do vậy, việc áp dụng khoa học công nghệ sản xuất giống thủy sản không giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem