Nước lũ rút từ đồng ra sông, bất chợt thấy ở làng này Đồng Tháp cá lóc "nhảy" lên giàn phơi
Nước lũ trong đồng rút ra sông, bất chợt thấy dân ở vùng này Đồng Tháp kê giàn phơi la liệt cá lóc
Thứ ba, ngày 01/11/2022 19:35 PM (GMT+7)
Hiện nay, khi nước lũ rút làng nghề làm khô cá lóc xã Phú Thọ, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) nhộn nhịp sản xuất và cũng là chuẩn bị cho lượng khô cá lóc phục vụ tết 2023.
Làng nghề khô cá lóc xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp có gần 200 hộ sản xuất, sản lượng bình quân đạt khoảng 608 tấn cá khô/năm.
Phơi cá tại làng nghề làm khô cá lóc xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN
Thị trường tiêu thụ chính của sản phẩm khô cá lóc chủ yếu ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thu nhập bình quân mỗi hộ làm nghề là 200 triệu đồng/năm. Hiện nay, khi nước lũ rút làng nghề làm khô cá lóc xã Phú Thọ nhộn nhịp sản xuất và cũng là chuẩn bị cho lượng khô phục vụ tết 2023.
Thế mạnh của làng nghề khô cá lóc xã Phú Thọ là đường bô và đường thủy được thông thương rất thuận tiện cho việc vận chuyển cá lóc nguyên liệu và sản phẩm khô cung cấp cho thị trường.
Đặc biệt, khô cá lóc ở đây thơm, ngon và có hương vị riêng, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Vừa qua UBND tỉnh Đồng Tháp vừa quyết định công nhận làng nghề khô cá lóc xã Phú Thọ đã tạo điều kiện và giúp cho đặc sản khô cá lóc ở địa phương ngày càng phát triển.
Chủ cơ sở sản xuất khô Tú Trinh phơi cá sau khi nước lũ rút. Ảnh : Nguyễn Văn Trí – TTXVN
Hiện nay, khi con nước lũ rút là lượng cá lóc đồng, cá lóc nuôi dồi dào và được đánh bắt bằng câu, lưới, lợp, dớn… cá lóc từ thượng nguồn sông Mêkong đổ về và số lượng nhiều nhất vẫn là nuôi cá lóc trong vèo, trong ao của bà con tại địa phương xã Phú Thọ với số lượng lớn đủ cung cấp cho làng khô cá lóc Phú Thọ chế biến làm thành khô.
Chị Hồ Thị Trinh chủ cơ sở sản xuất khô Tú Trinh chuyên sản xuất khô cá lóc, cá sặc bổi, cá chạch, cá chốt chi cho biết, khi nước lũ bắt đầu rút, mỗi ngày chị thu mua gần 1 tấn cá lóc nguyên liệu để chế biến ra gần 300 kg khô.
Từ sáng sớm cơ sở của chị Trinh có gần 20 lao động để làm các công đoạn đoạn như: làm cá, xẻ cá, ướp cá, mang đi phơi nắng… mỗi lao động có thu nhập từ 200-250 nghìn đồng/ngày tùy theo công đoạn.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ cơ sở sản xuất khô Ngọc Xê ở xã Phú Thọ, sản xuất với số lượng lớn từ 1,5 tấn nguyên liệu cá lóc/ngày, để sản xuất ra 350 kg khô. Ông cho biết khô cá lóc nơi đây có vị vừa ăn, mang tính đất trưng của vùng, gia vị và thịt cá thơm ngon, cá lóc khô nướng, chiên, nấu.
Khô cá lóc ở Phú Thọ được chế biến từ nguồn cá tươi sống và kết hợp dùng muối tinh khiết. Sản phẩm khô cá lóc lạt sau khi hoàn thành được đảm bảo từ hình thức bên ngoài lẫn mùi vị của con khô cá lóc như thịt cá chắc, không rít dính, không nổi mốc trắng, không quá mặn, không quá ngọt, phơi không quá khô cũng không quá ướt. Hiện khô cá lóc bày bán tại làng khô Phú Thọ với giá từ 150-200 nghìn đồng/kg.
Phơi cá lóc tại làng nghề làm khô cá lóc xã Phú Thọ. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN
Sản phẩm khô cá đặc sản của xã Phú Thọ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu chứng nhận "khô Phú Thọ" nhằm góp phần tạo nên khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, nâng tầm giá trị thương phẩm.
Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) thực hiện dự án "Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận khô Phú Thọ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.