Yêu cầu của Bộ GTVT đã được gửi tới Cục Đường bộ Việt Nam; Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và giao Cục Đường bộ Việt Nam rà soát đề xuất mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC.
Đồng thời, các đơn vị có báo cáo gửi Bộ GTVT phương án tổ chức thực hiện bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, hợp đồng dự án và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020.
Ngoài ra, Bộ GTVT lưu ý các đơn vị báo cáo cần tập trung làm rõ một số nội dung: Trình tự, thủ tục, kinh phí, quy định pháp luật liên quan trong quá trình triển khai, hiệu quả đầu tư của dự án BOO1 khi mở rộng dịch vụ (chi phí, doanh thu...), giải pháp kỹ thuật liên quan đến hệ thống như tốc độ xử lý, tính bảo mật, kết nối liên thông.
Được biết, VETC đã đề nghị Bộ GTVT xác nhận chủ phương tiện được sử dụng số dư trên tài khoản giao thông để chi trả các dịch vụ khác liên quan đến hạ tầng giao thông và xe ô tô, ngoài dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng.
Để đảm bảo và gia tăng tiện ích cho chủ tài khoản giao thông, và để triển khai dự án thu phí tự động không dùng được hiệu quả hơn, VETC dự kiến cho phép các chủ phương tiện được sử dụng số dư tài khoản giao thông của mình để chi trả các dịch vụ khác.
Cụ thể, số dư tài khoản giao thông có thể chi trả cho các dịch vụ liên quan đến hạ tầng giao thông và xe ô tô bên cạnh dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dùng như: phí đăng kiểm; phí dịch vụ bãi đỗ xe; phí ra vào cảng hàng không, cảng biển; mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; chi trả xăng dầu/cầu đường.
Theo VETC, việc cho phép khách hàng sử dụng số dư trên tài khoản giao thông để thanh toán cho các dịch vụ liên quan đến hạ tầng giao thông và xe ô tô là phù hợp với các quy định hiện hành về thu phí không dừng.
Ngoài ra, về thực tiễn, việc cho phép sử dụng số dư trên tài khoản giao thông để thanh toán cho các dịch vụ liên quan đến hạ tầng giao thông và xe ô tô cũng phù hợp với kế hoạch phát triển về hạ tầng giao thông đường bộ trong tương lai.
Trước đó, Uỷ ban ATGT Quốc gia vừa công bố số liệu về hoạt động thu phí tại 141 trạm thu phí trên toàn quốc đủ điều kiện triển khai lắp đặt hoàn thiện thiết bị thu phí tự động không dừng.
Theo Uỷ ban ATGT Quốc gia, có 66 trạm với 382 làn thu phí do Bộ GTVT quản lý; 29 trạm với 117 làn do VEC quản lý và 46 trạm với 302 làn do địa phương quản lý.
Tính đến nay, toàn bộ các trạm thu phí mở trên các tuyến quốc lộ cũng đã được vận hành thu phí tự động không dừng theo phương án chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy.
Các tuyến cao tốc đã thực hiện thu phí tự động không dừng toàn bộ từ ngày 1/8/2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến hết ngày 31/8/2022, số lượng phương tiện đã dán thẻ đầu cuối trên toàn quốc đạt hơn 3,8 triệu phương tiện (đạt tỷ lệ khoảng 84%), đạt được mục tiêu trong năm 2022 có khoảng 80 - 90% số lượng phương tiện dán thẻ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo Uỷ ban ATGT Quốc gia đánh giá, cơ bản hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí vận hành ổn định.
Việc chỉ thu phí tự động không dừng đã giúp các phương tiện lưu thông qua trạm nhanh hơn, không phải dừng lại trả phí như trước đây nên không gây ra ùn tắc tại trạm, giảm tải trong công tác đổi tiền lẻ, bảo quản tiền mặt tại các trạm thu phí.
Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 8/2022, tổng lưu lượng sử dụng thu phí điện tử không dừng đạt hơn 28 triệu lượt phương tiện tương ứng với 83% tổng lưu lượng phương tiện qua các trạm thu phí trên toàn quốc.