Dân Việt

Người tiêu dùng cố tình sử dụng hàng giả, có vi phạm hay không?

PVKT 02/11/2022 11:29 GMT+7
Theo đại biểu Quốc hội, có nhiều thương hiệu nổi tiếng được bán giả công khai và người tiêu dùng sử dụng một cách vô tư, trong pháp luật chưa có quy định rõ trong vấn đề này. Do đó để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững cần công bằng trong vấn đề này với cả người bán lẫn người mua.

Sáng nay 2/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Đề xuất xử lý người tiêu dùng cố tình mua hàng giả

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho biết, ở Việt Nam đã có cả hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà nhà nước đã ban hành.

Tuy nhiên, quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm hại, khi mua phải hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Nguyên nhân do chính sách còn bất cập, luật bảo vệ người tiêu dùng được ban hành cách đây đã 12 năm, trong khi tình hình kinh tế - xã hội của đất nước cũng như trên thế giới đã có nhiều thay đổi.

"Trước hết là do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ hai, là do đại dịch Covid-19. Với điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi như vậy, nhiều quy định của luật đã không còn phù hợp với thực tế nữa nhưng chưa được điều chỉnh" - đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.

Người tiêu dùng cố tình sử dụng hàng giả, có vi phạm hay không?  - Ảnh 1.

Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). (Ảnh: PV)

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) góp ý, việc mua bán hàng giả - hàng nhái thương hiệu nổi tiếng rất phổ biến với cả người mua và người bán. Với người bán hàng giả khi bị phát hiện hiện đã có luật để xử lý. Tuy nhiên với người tiêu dùng, khi họ cố tình sử dụng hàng giả thì có vi phạm hay không?

“Thực tế có nhiều thương hiệu nổi tiếng được bán giả công khai và người tiêu dùng sử dụng một cách vô tư, trong pháp luật chưa có quy định rõ trong vấn đề này. Do đó để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững cần công bằng trong vấn đề này với cả người bán lẫn người mua”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo bà Hạnh, nếu không nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng thì nhiều khi lẫn lộn, cuối cùng sẽ có nhiều người phải bỏ tiền thật để mua hàng giả.

Ngân sách dành cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng rất ít

Góp ý kiến về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cũng nhấn mạnh, thời gian vừa qua, đại đa số các doanh nghiệp đã thực hiện tốt Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các quy định của luật, có các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Trong đó nổi bật là các hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin người tiêu dùng. Biểu hiện là, một số doanh nghiệp đã không thông báo rõ ràng, công khai hoặc có thông báo nhưng nội dung không đầy đủ theo quy định về mục đích thu thập, sử dụng thông tin về người tiêu dùng.

Đặc biệt, một số đơn vị thực hiện chức năng tư vấn, hỗ trợ tài chính trực tuyến, doanh nghiệp lớn, hoạt động trong lĩnh vực siêu thị, điện máy cũng có sai phạm, chưa thực hiện đúng trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó là vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, thường là che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định, thí dụ như cung cấp thông tin gây hiểu nhầm về hàng hóa, dịch vụ, về chính sách đổi trả sản phẩm, về uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp…

Cũng theo đại biểu Hà Nam, đối với trách nhiệm của các bên thứ ba trong cung cấp thông tin cho người tiêu dùng cũng có những dấu hiệu vi phạm, như việc quảng cáo, cung cấp thông tin thổi phồng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, sản phẩm, chương trình khuyến mại...

Ngoài ra, còn có vi phạm về thực hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Người tiêu dùng cố tình sử dụng hàng giả, có vi phạm hay không?  - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam).

Theo đại biểu, hành vi vi phạm thường thấy là doanh nghiệp có niêm yết điều kiện giao dịch chung tại điểm giao dịch. Tuy nhiên, các điều kiện giao dịch chung không xác định rõ thời điểm áp dụng, hoặc không được niêm yết ở nơi thuận lợi tại địa điểm giao dịch để người tiêu dùng có thể nhìn thấy.

Các doanh nghiệp cũng vi phạm về giao kết hợp đồng, điều kiện giao dịch chung với người tiêu dùng có điều khoản không có hiệu lực. Trong đó, tập trung vào nội dung loại trừ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng và hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng.

Trong quá trình thanh, kiểm tra, các cơ quan quản lý cũng ghi nhận một số vi phạm khác của doanh nghiệp.

Cụ thể, về trách nhiệm bảo hành hàng hóa, vẫn có doanh nghiệp không thực hiện đúng thời hạn bảo hành, không đổi mới sản phẩm cho người tiêu dùng theo quy định; không cung cấp hợp đồng/hóa đơn cho người tiêu dùng sau khi ký kết; có hành vi quấy rối người tiêu dùng, đặc biệt trong các giao dịch gọi điện thu/nhắc nợ của các đơn vị cho vay tiêu dùng...

Chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng một phần xuất phát từ những bất cập, hạn chế liên quan đến chủ thể thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chủ thể thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang gặp phải hạn chế về nguồn lực và kinh phí hoạt động.

"Thực tế cho thấy, ngân sách hằng năm dành cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại trung ương và địa phương rất ít, không tương xứng với khối lượng công việc mà các cơ quan tổ chức thực thi", đại biểu nêu thực trạng.

Về nhân lực, các cơ quan cũng đang trong tình trạng 1 người phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, với mô hình hoạt động chưa hoàn thiện và thống nhất. Ở cấp trung ương, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu được giao cho 2 đơn vị cấp phòng của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương.

Theo đại biểu Trần Văn Khải, mô hình này quá khiêm tốn so với yêu cầu từ thực tế Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế. Ở cấp địa phương, chưa có sự thống nhất về việc giao nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho cấp phòng thuộc Sở Công Thương.

Cụ thể, đa số (50/63) các Sở Công Thương giao chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho Phòng Quản lý thương mại. Một số khác (13/63) giao cho các phòng, ban khác như Phòng Xuất nhập khẩu, Phòng Kế hoạch Tài chính, Thanh tra Sở.

"Việc không thống nhất trong mô hình tổ chức hoạt động có thể gây ra sự gián đoạn, không xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", đại biểu Trần Văn Khải nêu rõ.

Việc không thống nhất trong mô hình tổ chức hoạt động có thể gây ra sự gián đoạn, không xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải cho rằng, Chính phủ cũng cần chỉ đạo Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan chủ động rà soát, tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thực thi nhiệm vụ theo chức năng được giao.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ban hành cơ chế phối hợp hiệu lực, hiệu quả giữa các cơ quan ở trung ương và địa phương theo cả chiều dọc và chiều ngang trong việc triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.