Đại biểu Quốc hội: "Xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả?"

PVKT Thứ sáu, ngày 28/10/2022 09:53 AM (GMT+7)
Việt Nam đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đảm bảo tới 70 - 80% sản lượng tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, thời gian qua đã để xảy ra hiện tượng hết xăng tại một loạt các cây xăng ở Hà Nội, TP.HCM. Đại biểu đặt câu hỏi: "Xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả?".
Bình luận 0

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Quốc hội về tình hình kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch năm 2023. 

Năm 2022, Quốc hội, Chính phủ đã rất nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực.

Xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả? - Ảnh 1.

Đại biểu Tạ Thị Yên – đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý một số vấn đề.

Thứ nhất, khi nói về tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển cho các công trình dự án trọng điểm Quốc gia công trình dự án quan trọng của địa phương các chương trình mục tiêu quốc gia hay việc chậm giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch covid-19 trong hai năm 2022 - 2023, cho thấy rõ đây là điểm nghẽn mới trong tăng trưởng. 

Đúng là có việc giải ngân chậm do vướng mắc về thủ tục quy trình, có phần triển khai phân bổ vốn chậm, chuẩn bị chưa kỹ, tuy nhiên theo đại biểu, yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định.

Đại biểu Tạ Thị Yên không đồng tình với suy nghĩ của cán bộ về việc "thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử", bởi từ chủ trương chính sách hết sức đúng đắn của Đảng, Quốc hội thể chế hóa luật hóa của Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt nhưng cấp cơ sở thì tâm lý e ngại sợ sai đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Như vậy, thì làm sao có thể thúc đẩy xã hội phát triển, đại biểu nêu vấn đề.

Đại biểu mong rằng Chính phủ cần siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ đánh giá cán bộ theo công việc cụ thể.

Hai là, một số vụ việc như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, những sai phạm trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng tuy đã được phát hiện ngăn chặn nhưng rõ ràng đã để lại những hậu quả đối với nền kinh tế, trong khi mọi người đều có thể cảm nhận được sự lo lắng bất an của người dân, doanh nghiệp về vấn đề an toàn tiền gửi, lãi suất vốn vay cho sản xuất tiêu dùng, giá cả.

Đúng như nhận định trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, hiện còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. 

Đại biểu nhận thấy, nếu không có những quyết sách quyết liệt kịp thời phục hồi niềm tin của thị trường thì hệ lụy từ những yếu kém này có thể sẽ còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế nhất là trong tình hình kinh tế thế giới, khu vực còn rất bất ổn, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Thứ ba, là vấn đề xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả cũng cần phải nghiêm túc nghiên cứu thảo luận đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Đại biểu Yên nêu rõ: Chúng ta đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, có 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đảm bảo tới 70 - 80% sản lượng tiêu thụ trong nước, và chỉ phải nhập khẩu 20%. 

Thế nhưng, thời gian qua đã để xảy ra hiện tượng hết xăng tại một loạt các cây xăng ở Hà Nội, TP.HCM.

Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia. 

Giá xăng dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống sinh hoạt của người dân nên giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, sẽ có tăng trưởng kinh tế vànNhà nước sẽ lại thu được thuế phí từ nền kinh tế.

"Tôi cho rằng cách can thiệp tốt nhất của nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa thông qua thuế và phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan", đại biểu nhấn mạnh.

Xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả? - Ảnh 3.

Thứ tư, là về chính sách chế độ cho ngành y tế giáo dục. Đại biểu mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa tới hai ngành y tế và giáo dục nhất là giáo dục phổ thông từ chế độ lương phụ cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, thuốc men sách giáo khoa, chương trình giảng dạy để có thể tạo sự chuyển biến rõ rệt ngay trong năm 2023.

Cuối cùng, đại biểu đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thẩm định, trình Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, để các địa phương có cơ sở triển khai các thủ tục đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem