Theo Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, để chuẩn bị hội nghị đối thoại hôm nay, đơn vị đã triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân, nhà khoa học.
Qua đó, đã có hơn 68 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau 5 nhóm vấn đề về nông dân, nông nghiệp, nông thôn mang tính trọng tâm, trọng điểm thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh tại hội nghị.
Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đối thoại với nông dân. Video: Chúc Ly.
Cụ thể như vai trò, vị trí, phát huy dân chủ và các chính sách nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học, kỹ thuật phát triển nông nghiệp bền vững; thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; các ngành nghề hỗ trợ cho nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, liên kết trong sản xuất; xây dựng giao thông, thủy lợi.... gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ông Nguyễn Trường Giang – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, thông tin: "Hội nghị đối thoại được tổ chức lần này càng ý nghĩa hơn khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đang trong thời điểm chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp, nhiệm kỳ 2023-2028".
Tại buổi đối thoại trực tiếp, có 15 câu hỏi của hội viên, nông dân được gửi tới lãnh đạo UBND tỉnh với tinh thần thẳng thắn, chân tình, đúng thực trạng, thực tiễn và tinh thần trách nhiệm cao.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, cán bộ Hội Nông dân huyện Cái Nước đặt câu hỏi về tình trạng lực lượng lao động ở nông thôn di chuyển đến khu công nghiệp lớn ngoài tỉnh dẫn đến nguồn lực lao động địa phương bị thiếu hụt, gây khó khăn cho sản xuất của địa phương, nhất là việc khai thác thủy sản. Lãnh đạo tỉnh có giải pháp gì khắc phục tình trạng trên?
Trả lời câu hỏi của ông Đoàn và các hội viên, nông dân, ông Nguyễn Xuân Tình – Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh, cho rằng, thực trạng lao động ở nông thôn trong tỉnh di chuyển đến lao động trong các khu công nghiệp, xí nghiệp, ngoài tỉnh là xu hướng tất yêu trong giai đoạn hiện nay, chẳng những không gây khó khăn cho nguồn lực lao động phục vụ sản xuất nông – ngư nghiệp ở địa phương mà còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Cũng theo ông Tình, trong thời gian tới, để giúp người dân được học nghề và có việc làm ổn định tại địa phương, Cà Mau triển khai nhiều giải pháp trên cơ sở các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh tạo môi trường thuận lợi để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông thôn để phát triển sản xuất, tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động.
Tại buổi đối thoại, nhiều nông dân, cán bộ đã đặt ra các câu hỏi về chương trình OCOP, vấn đề thiếu xăng dầu cục bộ gây khó khăn cho sản xuất; hạ tầng nông thôn; xử lý nước thải tại khu công nghiệp…Hầu hết các câu hỏi đều được đại diện các sở, ngành trả lời đi vào trọng tâm, được hội viên, nông dân đồng tình.
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên, nông dân cơ bản đã được lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng trực tiếp trao đổi, nhưng do thời gian ngắn nên một số câu hỏi khác chưa được trả lời trực tiếp tại buổi đối thoại này.
"Để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nông dân, tôi đề nghị sau buổi đối thoại, Sở NNPTNT chủ trì phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp chuyển tất cả các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên, nông dân cho các sở, ngành tỉnh có liên quan để tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh trả lời cho cán bộ, hội viên, nông dân, nếu cần thiết kiến nghị các bộ ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và cần có cơ chế, chính sách mà cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh nhà quan tâm", ông Lê Văn Sử đề nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, TP.Cà Mau tiếp tục tạo điều kiện để nông dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận, hưởng lợi các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để giới thiệu, đưa sản phẩm nông sản của người nông dân, chủ thể OCOP đến với người tiêu dùng…
Bên cạnh đó, các đơn vị tuyên truyền, phát động, nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả để nông dân tham gia học hỏi áp dụng vào sản xuất, tăng thu nhập, phát triển kinh tế thực sự bền vững.