Là top 3 dẫn đầu thế giới về xuất khẩu tôm, vì sao ngành tôm Việt Nam đang đầy nghịch lý?
Là một trong ba nước xuất khẩu tôm dẫn đầu, vì sao ngành tôm Việt Nam đang tăng trưởng nghịch lý?
Thứ tư, ngày 02/11/2022 05:24 AM (GMT+7)
Trong những năm gần đây, ngành tôm cả nước đã có sự phát triển vượt bậc khi luôn nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu về sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, ít ai biết, phía sau sự phát triển vượt bậc ấy còn có cả một nghịch lý...
Nghịch lý mà nếu không được khắc phục kịp thời, ngành tôm Việt Nam rất dễ đánh mất lợi thế của mình trên thị trường.
Chia sẻ về sự phát triển của ngành tôm trong những năm gần đây, ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) cho rằng, đó là một kết quả rất tốt, rất ấn tượng, nhưng cũng rất nghịch lý.
Ông Phục nhấn mạnh: “Nghịch lý ở đây chính là việc ngành tôm của chúng ta không phát triển dựa trên nền tảng nuôi trồng mà đang phát triển mạnh nhờ vào trình độ chế biến. Đây là một nghịch lý, là sự tiềm ẩn rủi ro rất lớn, mà về lâu dài, nếu không khắc phục được, ngành tôm sẽ rơi vào khó khăn, đánh mất vị thế của mình trên thương trường”.
Đồng quan điểm với ông Phục, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tỏ ra băn khoăn về tương lai ngành tôm khi dẫn giải số liệu nuôi tôm giữa Việt Nam và Ecuador.
Ông Hòe cho biết: “Hiện diện tích nuôi tôm quy mô trang trại chỉ chiếm 10%, còn lại phần lớn là nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến hay bán thâm canh và thâm canh, nên tỷ lệ thành công trung bình của nghề nuôi chưa đến 40%, doanh số xuất khẩu năm 2021 khoảng 4 tỷ USD. Trong khi đó, Ecuador chỉ có 330.000ha nuôi tôm thẻ, nhưng toàn quy mô trang trại, thấp nhất là 50ha, cao nhất lên đến 10.000ha, nên sản lượng tôm thẻ năm 2021 của họ trên 1 triệu tấn và doanh số xuất khẩu 5 tỷ USD”.
Tỷ lệ nuôi thành công cao hơn, thế cân bằng sẽ được thiết lập giữa nghề nuôi và chế biến xuất khẩu, giúp ngành tôm phát triển bền vững hơn. Ảnh: TÍCH CHU
Cùng chung mối quan tâm về tương lai ngành tôm, theo ông Hoàng Thanh Vũ - Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, hiện nay, ở Việt Nam chi phí vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm năm nào cũng tăng, trong khi giá tôm 15 năm nay hầu như không tăng bao nhiêu.
Phân tích thêm về sự nghịch lý của ngành tôm, theo ông Phục, trong 3 quốc gia xếp đầu ngành tôm thế giới là: Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador thì Việt Nam là nước có giá thành tôm nguyên liệu cao nhất.
Ông Phục cho biết thêm: “Giá thành tôm thẻ chân trắng nguyên liệu của Ecuador và Ấn Độ thấp hơn Việt Nam trung bình khoảng 1 USD/kg và sản lượng tôm hàng năm của họ cũng lớn hơn Việt Nam rất nhiều. Do đó, những mặt hàng nào họ làm được thì gần như chúng ta không thể cạnh tranh lại do giá bán của họ rẻ hơn chúng ta nhiều.
Rất may là trình độ chế biến của họ chưa cao, nên con tôm Việt Nam vẫn còn đất sống ở phân khúc sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, từ đó có điều kiện chia sẻ giá mua cao hơn, đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý cho người nuôi.
Tuy nhiên, nếu ngay từ bây giờ, chúng ta không nhanh chóng có những giải pháp, chiến lược phù hợp, hiệu quả thì vài năm tới, khi các đối thủ bắt kịp trình độ chế biến, họ sẽ chiếm lĩnh cả phân khúc thị trường cao cấp này nhờ lợi thế giá thành tôm rẻ”.
Có lẽ đến đây không khó để nhận ra hạn chế lớn nhất tạo nên nghịch lý của ngành tôm chính là giá thành tôm nuôi của chúng ta quá cao. Nguyên nhân làm cho giá thành tôm nuôi của Việt Nam cao thì có nhiều, như: giá con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… tất cả gần như đều đặn tăng qua mỗi vụ nuôi.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, mà vẫn còn một nguyên nhân quan trọng khác quyết định đến giá thành tôm nuôi cao hay thấp chính là tỷ lệ nuôi thành công.
Trong khi tỷ lệ nuôi tôm thẻ thành công của Việt Nam chỉ vào khoảng 40%, còn tôm sú thì chưa đến 20% thì đối thủ chính của tôm Việt Nam, như: Ấn Độ, Thái Lan hay Ecuador tỷ lệ này thấp nhất là 48%.
Với một tỷ lệ chênh lệch lớn như vậy, không khó để lý giải vì sao giá tôm của họ luôn thấp hơn khá nhiều so với tôm Việt Nam. “Với sự chênh lệch giá thành khá lớn, nếu trình độ chế biến của Ấn Độ và Ecuador được nâng lên, con tôm Việt Nam sẽ rất khó lòng cạnh tranh, vị thế tôm Việt sẽ bị lung lay” - ông Vũ nhận định.
Theo ông Phục, làm sao để người nuôi tiếp cận được với các giải pháp tối ưu nhất thì mới mang lại thành công cao. Khi đó, nếu chúng ta nâng cao được tỷ lệ nuôi tôm thành công, giảm được giá thành, kết hợp với năng lực chế biến của các doanh nghiệp thuộc top đầu thế giới thì chúng ta sẽ nâng tính cạnh tranh của con tôm Việt Nam lên rất nhiều.
Còn theo ông Hòe, chúng ta cần có cơ chế phát triển vùng nuôi theo hướng quản lý sử dụng đất cho nuôi trồng thủy sản bảo đảm nguyên tắc lâu dài, bảo tồn hệ sinh thái, hạn chế được các tác động xâm hại môi trường nước.
Quản lý biến động cơ sở nuôi tôm theo thời gian thực và khuyến khích phát triển vùng nuôi kết hợp cung cấp cho xuất khẩu và thị trường nội địa.
Để giải quyết nghịch lý cho ngành tôm, theo Tiến sỹ Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, vấn đề quan trọng là khả năng hấp thụ kiến thức và áp dụng nó vào từng mô hình của người nuôi.
Ông Luân đặt vấn đề: “Hiện nay, các mô hình, quy trình hay tiến bộ khoa học công nghệ trong nuôi tôm mang lại hiệu quả cao là không thiếu, nhưng để đưa các tiến bộ khoa học công nghệ này vào thực tiễn sản xuất vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Khó khăn ở đây không phải ở công tác chuyển giao, mà chủ yếu ở khả năng hấp thụ kiến thức để từ đó áp dụng vào thực tế sản xuất của người nuôi. Đây cũng chính là lý do khiến các tổ chức tín dụng chùn tay trong việc đầu tư cho lĩnh vực nuôi tôm”.
Cũng theo ông Luân, thời gian qua, công tác tổ chức lại sản xuất được các địa phương tích cực thực hiện nhưng vẫn còn hết sức khó khăn. Số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi thủy sản vừa ít lại vừa kém hiệu quả, nên chưa phát huy hết vai trò, lợi thế kinh tế hợp tác.
Chính điều này đã tạo nên số lượng nông hộ sản xuất nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ áp đảo, gây rất nhiều khó khăn cho công tác chỉ đạo sản xuất, quy hoạch cũng như đầu tư thủy lợi và hệ thống cơ sở hạ tầng khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.