Chiều nay 2/11, Sở NNPTNT TP.Cần Thơ tổ chức hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa TP.Cần Thơ và 12 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2022.
Tại đây, ông Trần Trọng Khiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng đề nghị các bộ, ngành Trung ương có liên quan có biện pháp mạnh đối với các doanh nghiệp làm ra sản phẩm nguy hại cho người tiêu dùng.
"Ban đầu, những sản phẩm của doanh nghiệp đạt chứng nhận an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, về sau, có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp không tuân thủ quy trình, làm sản phẩm không an toàn, nhất là sản phẩm cung cấp thị trường trong nước. Do đó, tôi đề nghị có biện pháp xử lý mạnh đối với các doanh nghiệp này" - ông Khiêm nói.
Theo ông Khiêm, nếu phát hiện sản phẩm của doanh nghiệp nguy hại cho người tiêu dùng phải thu giữ và tiêu hủy, để doanh nghiệp này vừa mất tiền, vừa mất thời gian sản xuất lại sản phẩm.
Ông Khiêm nói thêm: "Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới có thể vừa có ý thức trách nhiệm với sản phẩm của họ, vừa sợ khi làm ra sản phẩm nguy hại cho người tiêu dùng. Về vấn đề này, ngành chức năng phải quyết liệt và mạnh dạn".
Cũng theo ông Khiêm, Luật An toàn thực phẩm đã có hơn 10 năm rồi, các văn bản cũng đã có đủ nhưng chuyển biến chưa rõ rệt, cũng như việc xử lý vẫn chỉ ở mức răn đe, khuyến cáo.
Ông Nguyễn Minh Đức - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh Hậu Giang cho hay, thời gian qua, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu rất nghiêm nhưng lại bỏ ngõ việc quan tâm sản phẩm phân phối trên thị trường nội địa.
Do đó, ông Đức đề xuất phải có cơ chế quản lý mạnh mẽ hơn chứ không chỉ dừng lại ở trên giấy, nhằm tạo tính răn đe để người sản xuất ý thức sản xuất sản phẩm chất lượng vừa tạo uy tín, vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, việc nâng cao chất lượng sản phẩm không chỉ là trách nhiệm mà của các bên liên quan (ngành chức năng, doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng) mà còn là lương tâm.
Ông Tùng mong muốn thời gian tới, ngành chức năng các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp trong việc sản xuất các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm khi đưa ra thị trường. Từ đó, người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm an toàn, có thương hiệu và xuất xứ rõ ràng.
Tuy nhiên, để mục tiêu này thành công đòi hỏi người tiêu dùng cũng phải quan tâm đến việc lựa chọn sản phẩm chất lượng, kiên quyết từ chối những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Người sản xuất nên có lương tâm và trách nhiệm để sản phẩm đảm bảo chất lượng, có thương hiệu, nhãn hiệu sẽ phát triển bền vững, tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng.
Theo báo cáo tại hội nghị, đến nay, có 53 sản phẩm của 12 tỉnh, thành trên cả nước giao thương với TP.Cần Thơ. Hiện đang đề xuất thêm 32 sản phẩm nông lâm thủy sản của các địa phương có tiềm năng giao thương với TP.Cần Thơ.
Riêng về sản phẩm OCOP, các địa phương trên cả nước đã cung cấp danh sách hơn 460 sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP hoặc có tiềm năng đạt chứng nhận OCOP giới thiệu về TP.Cần Thơ để có kế hoạch giao thương trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, thời gian qua, thành phố đã ký kết với nhiều tỉnh, thành trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản giao thương, tuy nhiên chưa làm được nhiều các nội dung đã ký kết. Do vậy, ông Nhơn mong muốn các tỉnh, thành cùng với TP.Cần Thơ quyết tâm thực hiện đạt được mục tiêu đã ký kết trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Sở NNPTNT TP.Cần Thơ đã ký kết chương trình phối hợp an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương với các tinh, thành phố trong giai đoạn 2022-2025; Sở NNPTNT, Ban quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố ký kết chương trình phối hợp phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử với Công ty TNHH Truyền thông số Mekongexpo giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đại diện Công ty TNHH Truyền thông số Mekongexpo, các sản phẩm của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp khi đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử của công ty không còn bị giới hạn bởi một xã, phường của một tỉnh, thành, mà nó dễ dàng vươn xa ra phạm vi toàn quốc và quốc tế, tiếp cận nhiều khách hàng hơn, tức dễ bán hơn. Trong thời gian đầu, các đơn vị tham gia sẽ được tập huấn, hướng dẫn tận tình.