Chàng trai mà chúng tôi muốn nhắc đến là anh Nguyễn Văn Bình (SN 1983, xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Hiện anh đang giữ chức vụ Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Hải Điền (huyện Hải Hậu).
Là người trẻ, ham học hỏi, nên sau khi thất bại ở mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, anh Bình đã tìm đến mô hình nuôi trồng thủy hải sản mới. Đó là mô hình nuôi ốc hương thương phẩm trong nhà lưới.
Anh Bình bảo, anh sinh ra và lớn lên ở vùng quê ven biển, ngay từ nhỏ anh đã được bố mẹ truyền đạt cho nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy hải sản. Năm 2010, anh quyết định tự lập, gây dựng cơ ngơi với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.
Thời điểm đó, con tôm thẻ chân trắng vẫn còn lạ lẫm với mọi người, chưa ai được tiếp cận bao giờ.
Nhiều người khuyên anh nên dừng lại hoặc chuyển đổi sang đối tượng nuôi khác; nhưng anh Bình không ngại khó khăn, vẫn quyết tâm "làm bạn" với con tôm thẻ chân trắng.
Trời không phụ lòng người. Ngay từ vụ nuôi đầu tiên, anh Bình đã trúng lớn; sau khi trừ chi phí ban đầu, anh vẫn còn dư 1 khoản tiền để mở rộng vùng nuôi, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị để tái sản xuất. Rồi đến vụ sản xuất thứ 2, thứ 3…, anh vẫn thắng lợi.
Nhận thấy mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Bình đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều bà con nông dân nơi đây truyền tai nhau, rồi họ cũng bắt đầu chuyển đổi đối tượng nuôi từ con cá sang con tôm.
"Nhiều gia đình theo nhau chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng nên vùng nuôi bị phá vỡ, không có quy hoạch bài bản; nguồn nước bắt đầu bị ô nhiễm…, bởi vậy dịch bệnh bắt đầu xuất hiện trên con tôm, khiến tôm bị bệnh và chết nhiều. Do đó, nuôi tôm thẻ chân trắng không còn có lãi, hoặc có nhưng không nhiều như trước", anh Bình tâm sự.
Với suy nghĩ "muốn đi xa phải đi cùng nhau", anh Bình đã đứng lên kêu gọi các hộ gia đình liên kết với nhau, thành lập HTX Nuôi trồng thủy sản Hải Điền để cùng phát triển, chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Các thành viên trong HTX tự lựa chọn đối tượng nuôi, để tạo thành mạng lưới nuôi đa canh con đặc sản.
Anh Nguyễn Văn Bình (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) chia sẻ về hiệu quả kinh tế nuôi ốc hương. Video: Lãng Hồng
Theo anh Bình, trong một lần lên mạng internet tìm hiểu về những mô hình phát triển kinh tế vùng biển, anh vô tình biết đến mô hình nuôi ốc hương thương phẩm, rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Muốn thử sức với đối tượng nuôi mới này, anh Bình đã không ngại đi xa; một mình bắt xe vào Nha Trang (Khánh Hòa) tìm đến các cơ sở nuôi ốc hương để tham quan mô hình, học hỏi cách nuôi, cách chăm sóc.
Sau một thời gian tìm hiểu kỹ thuật, năm 2020 anh Bình quyết định trở về địa phương cải tạo lại ao nuôi; đầu tư hơn 20 triệu đồng mua khoảng 30 vạn con ốc hương giống để nuôi trên diện tích 1.000m2.
Đến nay đã trải qua 3 vụ nuôi, anh Bình khẳng định: Ốc hương có sức đề kháng cao, ít bệnh tật, ít ủi ro hơn so với con tôm thẻ chân trắng. Chi phí thức ăn thấp, hiệu quả kinh tế đem lại cao; giá bán ổn định, thị trường tiêu thụ thuận lợi.
Từ 1.000m2 ban đầu, thời điểm hiện tại, gia đình anh Bình đã mở rộng diện tích nuôi lên đến 5.000m2 với 7 ao nuôi. Các ao nuôi được thiết kế chắc chắn, có hệ thống tiêu thoát nước cố định.
Với quy mô như trên, 2 năm nay, ước tính mỗi năm gia đình anh xuất bán khoảng 15 tấn ốc hương thương phẩm với giá bán từ 250.000 - 350.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí, anh "bỏ ống" khoảng 2 tỷ đồng/năm. Hiện nay, thị trường tiêu thụ ốc hương của gia đình anh chủ yếu là trong và ngoài tỉnh. Nhiều lúc nguồn cung không đủ cầu.
Theo anh Bình, để có được thành quả mỹ mãn đó, anh luôn thực hiện tốt phương châm chăn nuôi "3 sạch". Đó là, ăn sạch, ngủ sạch, nghỉ sạch. Đây là kinh nghiệm "sống còn" mà anh Bình đúc rút ra được trong quá trình nuôi ốc hương.
"Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi "3 sạch", nên đàn ốc luôn khỏe mạnh, ít bệnh tật. Do đó, tôi luôn ổn định đàn và đầu ra cho thị trường", anh Bình thổ lộ.
Chỉ tay về hệ thống mái lưới che nắng, che mưa, anh Bình bảo: "Mái lưới có tác dụng giảm cường độ ánh nắng, giảm lượng nước mưa trực tiếp vào ao nuôi. Cụ thể, về mùa hè, nếu không có mái che thì mực nước trong ao phải trên 30cm, mới đảm bảo an toàn. Còn khi đã sử dụng mái che nắng, mực nước chỉ khoảng 20cm, qua đó kiểm soát được lượng thức ăn dưới đáy ao…".
Anh Bình cho biết, thức ăn cho ốc hương chủ yếu là ruột hàu, tôm nõn, cá tạp tươi,… đây là nguồn thức ăn sẵn có, dễ mua ở các xã ven biển. Chế độ ăn của ốc hương được chia làm 3 giai đoạn.
Ở giai đoạn đầu (ốc hương to bằng hạt gạo), thức ăn chủ yếu là ruột hàu - loại thức ăn giàu dinh dưỡng, có độ đạm cao cho ốc con bám ăn. Sau 45 ngày nuôi, ốc được chuyển ra ao cỡ trung bình (100 - 300m2/ao) để nuôi giai đoạn 2 và sử dụng thức ăn là bề bề, tôm nõn.
Sau 75 - 90 ngày giai đoạn 2, ốc tiếp tục được chuyển ra ao lớn để nuôi giai đoạn 3, nuôi vỗ với mật độ từ 100 -150 con/m2, sử dụng thức ăn là cá tạp tươi cho đến khi xuất bán. Trong quá trình nuôi, nếu tuân thủ nghiêm ngặt về con giống, thức ăn, môi trường, kỹ thuật thì sau 10 - 11 tháng, ốc có thể đạt kích cỡ 80 - 100 con/kg, đạt tiêu chuẩn để xuất bán.
"Ở giai đoạn đầu, ngày cho ăn 2 bữa, sáng và tối. Còn giai đoạn 2 và 3 chỉ cho ăn 1 bữa/ngày vào buổi sáng hoặc tối, tùy người nuôi. Trong khoảng thời gian cho ốc ăn, nên tắt hệ thống sủi oxy", anh Bình chia sẻ.
Theo anh Bình, vào những ngày thời tiết thay đổi đột ngột như nắng nóng, mưa nhiều, ốc thường giảm ăn nên cần chủ động giảm lượng thức ăn để tránh dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước và lãng phí thức ăn.
Về nguồn nước, trước khi đưa vào ao nuôi phải được xử lý bằng bể lắng. Cứ 3 ngày thì thay nguồn nước nuôi một lần. Ngoài ra, sau mỗi vụ nuôi thì cần xử lý đáy ao.