Dân Việt

Khách hàng Trung Quốc đặt mua cả nghìn tấn sầu riêng mà không đáp ứng đủ

Thiên Hương 02/11/2022 19:08 GMT+7
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho biết, sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa cho trái sầu riêng tươi Việt Nam xuất khẩu chính ngạch, đến nay Chánh Thu đã xuất khẩu được 1.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc.

Người dân Trung Quốc thích ăn sầu riêng Việt Nam

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho biết, sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa cho trái sầu riêng tươi Việt Nam xuất khẩu chính ngạch, đến nay Chánh Thu đã xuất khẩu được 1.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc. 

Tuy nhiên, bà Vy cho biết, con số nói trên cũng mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ của thị trường hơn 1 tỷ dân này. Đặc biệt, phụ nữ Trung Quốc rất thích ăn sầu riêng bởi hương vị và độ béo ngọt của nó. 

Trung Quốc thích ăn sầu riêng Việt Nam, khách đặt mua hàng nghìn tấn mà không đáp ứng đủ  - Ảnh 1.

Công nhân tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu lựa chọn sầu riêng đưa đi xuất khẩu. Ảnh: I.T

"Trung bình 1 ngày, nhu cầu khách hàng của Chánh Thu cần khoảng 200 tấn sầu riêng. Đó là chưa kể, đối tượng khách hàng có thể mở rộng ra nhiều vùng khác ở Trung Quốc, tuy nhiên Chánh Thu cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khác hiện không đáp ứng đủ. Lí do là diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng hiện nay còn khiêm tốn" - bà Vy nói.

Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 76 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc, trong đó có 25 mã số cơ sở đóng gói.

Theo đó, tổng diện tích sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 3.000 ha, chỉ chiếm khoảng 3% so với tổng diện tích trồng sầu riêng cả nước. Diện tích này rất nhỏ bé với với nhu cầu sản lượng của thị trường Trung Quốc mà các doanh nghiệp Việt Nam đã có hợp đồng, khoảng 1,3 triệu tấn/năm.

Bà Vy cũng cho rằng, trái sầu riêng có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, không chỉ thị trường Trung Quốc mà nhiều thị trường khác cũng ưa chuộng. Với những tín hiệu thuận lợi từ thị trường Trung Quốc, thời gian tới, giá sầu riêng xuất khẩu có thể tăng lên. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là chúng ta có đáp ứng được nhu cầu của nước nhập khẩu hay không.

Trung Quốc thích ăn sầu riêng Việt Nam, khách đặt mua hàng nghìn tấn mà không đáp ứng đủ  - Ảnh 2.

Chánh Thu là 1 trong 5 doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Chánh Thu

"Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng với quả sầu riêng, là nước tiêu thụ sầu riêng nhiều nhất thế giới. Song họ cũng yêu cầu ngày càng cao hơn với sản phẩm nhập khẩu, ví dụ quả sầu riêng không được nhiễm rệp sáp; phải thu hoạch khi chín già, ở những cây sầu riêng đạt từ 7 năm tuổi trở lên. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường rộng lớn nên các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các đối thủ từ những nước xuất khẩu sầu riêng khác. Chúng ta là người đi sau, phải làm ăn uy tín, đảm bảo chất lượng sản phẩm thì mới giữ được khách hàng" - CEO Ngô Trường Vy chia sẻ với PV Dân Việt.

Một điểm thuận lợi, là sầu riêng của Việt Nam gần như có quanh năm. Theo vùng địa lý, vụ thu hoạch sầu riêng ở miền Tây từ tháng 3 - 5, nhưng bà con nông dân thường rải vụ nên bắt đầu từ tháng giêng đã có trái thu hoạch. Bước sang tháng 6 - 7 là vụ sầu riêng ở miền Đông, Nam Tây Nguyên. Tháng 8 - 9 đến mùa sầu riêng Đắk Lắk. Trong khi sầu riêng Gia Lai chín vào khoảng tháng 10 - 11. 

Các chuyên gia cũng chỉ rõ, lợi thế cạnh tranh lớn thứ 2 là Việt Nam chỉ mất từ 1,5 - 2 ngày là có thể đưa sầu riêng đến chợ Trung Quốc. Đây là lợi thế mà Thái Lan và Malaysia không có được. Thời gian vận chuyển ít, chi phí thấp giúp sầu riêng Việt Nam cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm các nước. 

Ông Vũ Ngọc Huy - Phó Tổng giám đốc Công ty CP thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Đắk Lắk) - doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sầu riêng cho biết, khi khảo sát nhu cầu của thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp nhận thấy ngoài ăn trái tươi, sầu riêng được một số nhãn hiệu bánh bao nổi tiếng ở Trung Quốc dùng làm nhân bánh. Bánh bao vị sầu riêng bán rất đắt hàng. Sầu riêng còn được sử dụng để sản xuất đồ uống, bánh kẹo và đưa vào nhiều món ăn khác nhau. 

"Đối tác của chúng tôi đặt hàng khoảng 500.000 tấn quả tươi/năm, vấn đề bây giờ là tiếp tục mở rộng diện tích và kiểm soát chặt chẽ theo các tiêu chuẩn của Trung Quốc để xuất khẩu được thuận lợi", ông Huy nói.

Theo các doanh nghiệp, sức hút và dư địa để xuất khẩu sản phẩm sầu riêng tươi cũng như cấp đông vẫn còn rất lớn. Thị trường chủ yếu vẫn là Trung Quốc với nhu cầu tiêu thụ rất cao, kế đến là Hồng Kông, Đài Loan... và các thị trường khó tính khác như Canada, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... 

Hiện, Thái Lan, Malaysia là những nước xuất khẩu sầu riêng cấp đông lớn nhất thế giới.