Loại thân cây tưởng vô dụng, qua tay nghệ nhân biến thành sản phẩm cao cấp chị em nào cũng mê mẩn

N.Chương - T.Ngân Thứ tư, ngày 02/11/2022 18:42 PM (GMT+7)
Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã có 20 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP trong 3 năm liên tiếp, từ 2019 - 2021, trong đó có 11 sản phẩm 3 sao, 6 sản phẩm 4 sao, 3 sản phẩm 5 sao.
Bình luận 0

Thân cây sen tưởng vô dụng, qua tay nghệ nhân biến thành lụa tơ sen cao cấp, đạt OCOP 5 sao

Những cuống sen trước đây được người dân vứt đi, giờ lại là nguyên liệu chính của một nghề mới ở làng nghề Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội), đem lại thu nhập cho người dân và tạo ra sản phẩm vừa mềm mại, vừa đẹp mà chị em phụ nữ nào cũng muốn sở hữu.

Nằm cách Hà Nội khoảng 40 km về phía Nam, Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) là một làng nghề truyền thống lâu đời nổi danh với nghề "canh cửi" thuộc đất Hà Tây (cũ). Ngày ngày, trong xưởng dệt nằm ven bờ sông Đáy, rộn ràng tiếng thoi đưa lách cách.

Loại thân cây tưởng vô dụng, qua tay nghệ nhân biến thành sản phẩm cao cấp chị em nào cũng mê mẩn - Ảnh 1.

Những cuống sen trước đây được người dân vứt đi, giờ được bà Phan Thị Thuận - nghệ nhân làng Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) mua về để làm tơ sen. Ảnh: Nguyễn Chương

Loại thân cây tưởng vô dụng, qua tay nghệ nhân biến thành sản phẩm cao cấp chị em nào cũng mê mẩn - Ảnh 2.

Từ năm 2017, bà Phan Thị Thuận kỳ công nghiên cứu dệt lụa từ tơ sen. Ảnh: Nguyễn Chương

Loại thân cây tưởng vô dụng, qua tay nghệ nhân biến thành sản phẩm cao cấp chị em nào cũng mê mẩn - Ảnh 3.

Để dệt được 1m lụa, bà Thuận cho biết, sẽ cần khoảng 15.000 cuống sen. Ảnh: Nguyễn Chương

Tìm về địa chỉ nhà nghệ nhân Phan Thị Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, người đầu tiên dệt vải thành công từ những cuống sen, chúng tôi được chia sẻ và tận mắt chứng kiến những điều thú vị về cách làm ra những tấm lụa đắt đỏ, độc đáo nhất thế giới tại Việt Nam.

Sinh ra trong một gia đình đã 4 đời làm nghề dệt tại Phùng Xá, từ nhỏ bà Thuận đã gắn bó với nghề ươm tơ dệt lụa nên có rất nhiều kinh nghiệm và am hiểu các công đoạn của nghề dệt truyền thống. Từ năm 2017, bà kỳ công nghiên cứu dệt lụa từ tơ sen, nhưng cũng phải hơn một năm sau bà mới có thể làm ra những chiếc khăn lụa tơ sen đầu tiên. Sau những ngày miệt mài gắn bó với cây sen, những sợi tơ sen mỏng manh đã trở thành thân quen, gắn bó quấn quýt với đôi tay bà.

Thông thường, để làm ra 250g sợi đủ để dệt một chiếc khăn sen có kích thước như chiếc khăn thường, một người làm phải mất khoảng 10 ngày để rút tơ từ gần 3.000 cuống sen. Để dệt được 1m lụa, cần khoảng 15.000 cuống sen.

Các công đoạn làm tơ sen rất cầu kì và hoàn toàn phải làm thủ công. Tất cả cuống sen sẽ phải được xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu không cuống sẽ bị khô, tơ bị rút sợi và hỏng. Để lấy được tơ, người thợ phải dùng dao khứa xung quanh cuống sen, sau đó dùng tay kéo tơ, đồng thời vê cho sợi tơ sen tròn lại.

Loại thân cây tưởng vô dụng, qua tay nghệ nhân biến thành sản phẩm cao cấp chị em nào cũng mê mẩn - Ảnh 4.

Gần 5.000 cuống sen mới đủ sợi để dệt nên chiếc khăn tơ sen dài 1,7m, rộng 0,25m. Ảnh: Nguyễn Chương

Mọi công đoạn phải thực hiện khéo léo nếu không sẽ làm đứt sợi tơ bên trong. Tách sợi tơ sen từ 3, 4 cuống sen cùng lúc sẽ giúp người thợ có thể se và bện thành 1 sợi có kích thước đủ lớn để dệt thành vải. Sau đó, sợi sen được đưa vào khung dệt lụa tằm truyền thống để tạo ra sản phẩm.

Quy trình làm lụa tơ sen mất nhiều công sức, nhưng chính vì thế mà người nghệ nhân đã thu được một sản phẩm hoàn mỹ, thân thiện với môi trường và có độ bền bỉ, mềm mại, thoáng mát đặc bệt… Tơ sen có thể tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó, được ưa chuộng nhất là khăn quàng cổ.

Loại thân cây tưởng vô dụng, qua tay nghệ nhân biến thành sản phẩm cao cấp chị em nào cũng mê mẩn - Ảnh 5.

Khăn lụa làm từ tơ sen được nhiều người yêu thích mua làm quà tặng, với giá bán khoảng 4-5 triệu đồng/chiếc. Ảnh: Nguyễn Chương

Bà Thuận cho biết, ngay từ khi ra đời, lụa tơ sen đã tạo được tiếng vang trên khắp cả nước. Những mẫu khăn làm từ lụa tơ sen đã được đoàn Chính phủ Việt Nam mang tới Hội nghị G20 làm quà tặng cho bạn bè quốc tế. 

Đặc biệt, sau khi tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt, khăn lụa tơ sen và khăn lụa tơ tằm của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức đã đạt tiêu chuẩn 5 sao của thành phố Hà Nội. Từ đó đến nay, các sản phẩm ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết tới, đặt mua làm quà biếu.

Loại thân cây tưởng vô dụng, qua tay nghệ nhân biến thành sản phẩm cao cấp chị em nào cũng mê mẩn - Ảnh 6.

Không chỉ có sáng tạo kì công dệt lụa từ tơ sen, nghệ nhân Phan Thị Thuận còn nuôi tằm nhưng bắt chúng tự dệt thành chăn. Theo đó, những con tằm tự nhả tơ, quấn vào nhau, đan thành tấm chăn mịn, bền chắc. Ảnh: Nguyễn Chương

Loại thân cây tưởng vô dụng, qua tay nghệ nhân biến thành sản phẩm cao cấp chị em nào cũng mê mẩn - Ảnh 7.

Nhà bà Thuận thường xuyên có hàng trăm người dân trong và ngoài huyện đến học cách se sợi, lấy sợ tơ từ thân cây sen tưởng như vô dụng. Công ty của bà Thuận tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập trung bình từ 5 – 7 triệu/người/tháng. Ảnh: Nguyễn Chương

Từ những hiệu quả mà chương trình OCOP đem lại, ông Lê Văn Trang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức nhấn mạnh: Huyện Mỹ Đức sẽ xem OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có lợi thế của địa phương. Trên cơ sở đó tiếp tục tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bổ trợ cho lộ trình xây dựng nông thôn mới bền vững, nâng cao. Đối với các sản phẩm đã được công nhận OCOP, huyện sẽ tiếp tục đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng để được nâng hạng sao; duy trì, nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. 

Hiện nay, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đang được các địa phương trong huyện Mỹ Đức triển khai tích cực. Nhiều sản phẩm OCOP đã và đang phát triển thị trường rất tốt như: Nấm Kim châm của Công ty TNHH XNK Kinoko Thanh Cao, các sản phẩm khăn mặt bông của Công ty Dệt may Thành Long, sản phẩm Khăn lụa tơ tằm, tơ sen của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức,…

Đây là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận với các chuyên gia, công nghệ, thiết bị tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất, giúp sản phẩm được chuẩn hóa nâng cao giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Thành phố Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem