Clip: Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) chia sẻ về nông dân làm du lịch cộng đồng.
Hằng năm, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình) đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, kế hoạch giảng dạy, hoàn thiện hồ sơ lớp học, chương trình giảng dạy, ra quyết định mở lớp, cử giảng viên tham gia giảng dạy, chuẩn bị giáo án lý thuyết, thực hành; chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, vật tư thiết yếu và văn phòng phẩm phục vụ cho quá trình giảng dạy.
Từ năm 2021 đến nay, đã tổ chức 17 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 700 hội viên nông dân.
Qua các lớp học các học viên đã được truyền đạt và nắm được các kiến thức lý thuyết và thực hành về kỹ thuật kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi theo hướng an toàn từ khâu chuẩn bị giống, đất trồng, trồng và chăm sóc, quản lý dịch hại và thu hoạch bảo quản trên cây có múi.
Kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho trâu, bò, cá...; đào tạo nghề hướng dẫn du lịch được tổ chức cho lao động nông thôn...
Bằng việc chủ động, tích cực khai thác các nguồn lực; đổi mới nội dung, hình thức đào tạo theo hướng tăng cường thực hành, gắn với mô hình thực tế; cầm tay chỉ việc và đào tạo những nghề xuất phát từ nhu cầu của hội viên, nông dân.
Sau những khóa học đó, giúp các học viên đã áp dụng các kiến thức đã học vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, từ đó tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Sau khi được đào tạo nghề hướng dẫn du lịch gia đình ông Hà Văn Cương ở bản Văn, thị trấn Mai Châu mở một homestay, với 3 ngôi nhà sàn gỗ và được đặt trong khu dân dã của bản góc nhìn đẹp, gần gũi với thiên nhiên và tạo dấu ấn với khách du lịch.
Gia đình có các dịch vụ phục vụ khách du lịch như: lưu trú, thưởng thức ẩm thực của bà con dân tộc Thái; trải nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp như trồng lúa; đạp xe, tổ chức giao lưu văn nghệ… Nhờ vậy, mỗi năm gia đình ông có thu nhập 500 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 7 lao động địa phương.
Còn gia đình anh Phàng A Páo ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò là một điển hình người dân tộc Mông trong phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng Homestay gần hai năm qua.
Anh đã liên kết với một số Công ty du lịch đặt dịch vụ trực tuyến và bước đầu mang lại hiệu quả. Ngôi nhà gỗ truyền thống bên hàng rào đá của gia đình anh có thể phục vụ từ 50 - 60 khách du lịch ngủ, nghỉ, trải nghiệm. Khách du lịch đến với gia đình chủ yếu là người nước ngoài, khách Việt Nam.
Anh Páo, chia sẻ: Hiện gia đình tôi có 5 nhân viên phục vụ đồ ăn uống cho du khách, đây đều là những nhân viên được học lớp nghề nấu ăn do Hội Nông dân các cấp tổ chức. Từ đó, các món ăn từ bình dân đến các món đặc sản và cho thuê trang phục truyền thống của người Mông để chụp ảnh, trải nghiệm vẽ sáp ong thổ cẩm đã tạo được dấu ấn trong lòng du khách.
Ông Nguyễn Đức Tuấn; Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân cho biết: Trong quá trình hỗ trợ cho nông dân được các cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức cơ sở Hội và hội viên đánh giá cao, được đông đảo hội viên nông dân tích cực hưởng ứng, đồng tình và tin tưởng tham gia.
Ngoài các hoạt động hỗ trợ, tư vấn dịch vụ cho hội viên nông dân, Trung tâm đã tích cực tham mưu, phối hợp tổ chức thực hiện thỏa thuận hợp giữa Hội Nông dân với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt hỗ trợ nguồn vốn vay cho hội viên nông dân phát triển sản xuất.
Hội phối hợp triển khai các hội nghị tập huấn công tác cho vay cũng như quy trình thực hiện, chính sách hoa hồng đến từng đơn vị cơ sở, từng tổ trưởng vay vốn; trực tiếp tư vấn các sản phẩm cho vay đến tất cả các đối tượng có nhu cầu vay vốn.
Đồng thời, Ngân hàng điều phối đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ, hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn. Đến nay, chương trình đã tạo điều kiện cho hơn 1.200 hội viên nông dân vay vốn, với tổng dư nợ gần 48,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng theo phương thức trả chậm gồm: hơn 1.000 tấn phân bón các loại; 34,5 tấn ngô, lúa giống; 45 tấn thức ăn chăn nuôi...
Tham gia tổ chức các hoạt động hội chợ giới thiệu các sản phẩm nông sản, sản phẩm ngành nghề nông thôn của tỉnh đến các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh. Tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty AQUA Việt Nam “Hỗ trợ hội viên nông dân sử dụng nước sạch và tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025”.
Các hoạt động hỗ trợ thông tin, xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh, giúp nông dân nắm bắt nhu cầu thị trường, tạo dựng thương hiệu cho những nông sản thế mạnh, chất lượng; hỗ trợ xây dựng 5 cửa hàng nông sản an toàn tại các huyện Lương Sơn, Mai Châu, Kim Bôi và thành phố Hòa Bình; phối hợp hỗ trợ đưa hơn 8.800 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart và voso.vn, góp phần nâng cao giá trị, đưa sản phẩm vươn xa đến thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Trung Việt là đối tác chiến lược của VnChek (Công ty Công nghệ và số hóa toàn cầu) ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ thông tin trong phát triển nông nghiệp, nông dân, hỗ trợ cung cấp 200.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản trong tỉnh.
Ông Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, cho hay: Hội Nông dân tỉnh tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo, dạy nghề và hỗ trợ nông dân theo từng năm; giao Trung tâm Hỗ trợ nông dân xây dựng kế hoạch tuyển sinh sát với yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của các cấp Hội, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân.
Phối hợp với các cơ sở đào tạo, dạy nghề của tỉnh bố trí các giảng viên có nhiều kinh nghiệm tham gia các lớp nghề; địa điểm tổ chức các lớp nghề được chọn giảng dạy, học tập gắn với các cơ sở sản xuất, trang trại; phương pháp dạy nghề theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, chú trọng thực hành, kỹ năng thao tác nghề, đào tạo hội viên nông dân đến khi làm được nghề mới kết thúc.
Như vậy, với cách đào tạo nghề phải chú trọng “học đi đôi với hành”, lấy giá trị sản xuất làm kết quả dạy nghề, lấy kết quả thực tế làm kết quả đánh giá học tập mới đạt được hiệu quả: Đúng đối tượng, phù hợp yêu cầu phát triển sản xuất tại địa phương, song hành vừa học lý thuyết vừa thực hành áp dụng ngay thực tế tại hộ sản xuất, cơ sở; người học dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ vận dụng.
Bên cạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn Hội Nông dân các cấp quan tâm hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, phân bón..., để phát triển sản xuất. Đặc biệt, là hỗ trợ giới thiệu làm sau đào tạo cho hội viên nông dân. Hiện nay, có trên 90% người học nghề đã có việc làm với mức thu nhập trung bình từ 4,5 – 6,5 triệu/tháng.