Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, nêu thực trạng hiện nay việc phát triển hạ tầng viễn thông chưa đồng bộ, nhất là đối với các tỉnh miền núi, biên giới, các doanh nghiệp viễn thông chưa phát triển hạ tầng viễn thông tại khu vực này do chưa đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Đại biểu Lý Thị Lan đề nghị Bộ trưởng cho biết chỉ đạo của Bộ về các chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông tại khu vực miền núi, biên giới, vùng lõm đối với các tập đoàn viễn thông qua quỹ viễn thông công ích đã và đang triển khai như thế nào, dự kiến bao giờ thành phủ sóng di động và cáp quang đến thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới?
Thông tin tại phần tranh luận, đại biểu Lý Thị Lan cho biết, Bộ trưởng đã có những chính sách quan tâm đến phát triển vùng đồng bào miền núi và biên giới.
Hiện nay, tỉnh Hà Giang còn có 154 thôn chưa được phủ sóng di động và 1.352 thôn chưa có sóng cáp quang, Internet (chiếm 66,37 %) và tỉnh Hà Giang đã có văn bản số 888 của UBND tỉnh ngày 01/4/2022 gửi Bộ Thông tin Truyền thông và có Văn bản số 1749 ngày 26/5/2022 gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông đề nghị hỗ trợ hoàn thành chỉ tiêu phát triển hạ tầng số năm 2022.
Trong đó, đề nghị Bộ chỉ đạo các tập đoàn viễn thông thực hiện hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông qua quỹ viễn thông công ích.
Đây không chỉ là ý kiến riêng của tỉnh Hà Giang mà còn là nguyện vọng của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, các tỉnh biên giới.
Một lần nữa, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông sớm có chỉ đạo thực hiện được việc phủ sóng các vùng phủ sóng hệ thống viễn thông di động qua quỹ viễn thông công ích để đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi và biên giới sớm được tiếp cận với các dịch vụ công nghệ thông tin?
Trả lời đại biểu Lý Thị Lan về hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin cho miền núi và các chính sách hỗ trợ Quỹ Viễn thông công ích, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Quỹ viễn thông công ích là quỹ cho các doanh nghiệp viễn thông đóng góp, quỹ ngoài ngân sách, dùng vào việc phủ sóng những vùng khó khăn.
"Nếu các địa phương thấy còn vùng thôn, bản chưa có sóng mà chúng tôi chưa phát hiện ra thì nhanh chóng thông qua Sở Thông tin và Truyền thông báo về Bộ Thông tin và Truyền thông. Như tôi nói, cơ bản trong một quý sẽ giải quyết được.
Thứ hai, hỗ trợ cho bà con tiền sử dụng dịch vụ viễn thông và dịch vụ Internet hàng tháng. Việc này trước đây đã làm, bây giờ tiếp tục lại cho những hộ đặc biệt khó khăn, chủ yếu do các địa phương căn cứ vào danh sách hộ để đề xuất lên. Quỹ của chúng ta hiện còn đủ để chúng ta tiếp tục phủ sóng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng làm rõ, thôn bản lõm sóng đã gửi thông tin về Bộ chắc chắn đã được Bộ nắm được và đưa vào chương trình và chắc chắn có biện pháp để phủ sóng. Tất nhiên, có thể có trường hợp là những thôn 1, 2 hộ dân là bài toán hơi khó, phân tán.
Bộ trưởng khẳng định, chắc chắn Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải chỉ đạo các nhà mạng là có những giải pháp phù hợp nữa, nhưng tinh thần là sẽ phủ sóng triệt để các thôn, bản, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào, đấy là những nơi người dân thiệt thòi nhất. Bởi nếu như người dân nơi đây được tiếp cận với không gian mạng, tiếp cận được với hệ tri thức trên không gian mạng sẽ là một cuộc cách mạng đổi đời.
Về 7.000 thôn chưa có cáp quang, Bộ trưởng thông tin, cáp quang là một trong những phương thức truyền dẫn, không phải là tất cả, đã có được sóng di động như thế tức là có phương tiện truyền dẫn.
"Tất nhiên nếu như mình đưa cáp quang về đến đấy thì tốc độ cao hơn. Năm nay đang tập trung vào chương trình phủ sóng, sang năm chúng tôi sẽ đưa chương trình 7.000 này, chỗ nào quang hóa được thì quang hóa để cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho bà con", Bộ trưởng thông tin thêm.
Đối với vấn đề khắc phục hạn chế trong tiếp cận thông tin như đề cập của đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, cho biết: Cách mạng 4.0 đã và đang hiện hữu trong cuộc sống, đi liền với đó là ứng dụng công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên đại biểu Phạm Thị Kiều nhận thấy, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại khu vực biên giới, vùng núi, nơi có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế nên còn nhiều rào cản khiến đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin.
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới có những giải pháp gì nhằm khắc phục những hạn chế trên?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, về công nghệ thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Bộ trưởng cho rằng, giải pháp căn cơ là cho bà con phương tiện tiếp cận, cụ thể là sóng 3G, 4G, điện thoại thông minh.
Trong chương trình viễn thông công ích, đã dành ra 400.000 điện thoại thông minh cho bà con, 400.000 Ipad cho học sinh. Vấn đề đặt ra là chính quyền địa phương cung cấp thông tin về số hộ gia đình, bà con, học sinh để Bộ cung cấp phương tiện cho bà con.
Thông tin thêm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, chuyện tiếp cận thông tin theo nghĩa có sóng, có thiết bị thì không dùng ngân sách mà dùng Quỹ viễn thông công ích ngoài ngân sách do các doanh nghiệp đóng góp. Có 400.000 điện thoại thông minh, hỗ trợ mỗi máy 500.000 đồng. Có nghĩa rất có thể các đơn vị, địa phương phải hỗ trợ thêm.
Ngoài ra, còn 400.000 máy tính bảng trong chương trình máy tính cho em là được hỗ trợ 100%. Tuy nhiên, vừa rồi các đơn vị đi khảo sát, thấy các em học cả sáng, thì máy 2,5 triệu đồng hơi nóng, nên nâng lên máy hơn 3 triệu đồng sẽ tốt hơn, các em dùng được lâu hơn.
Nhưng với số lượng này có thể vẫn còn thiếu. Vì vậy, Bộ kêu gọi các nhà mạng tham gia vào việc này, vì việc này cũng có lợi cho các nhà mạng. Năm 2024, Việt Nam sẽ tắt sóng 2G, nên cần chuyển đổi thiết bị cho người dùng.