Dân Việt

Loài cá kỳ lạ ví như "ngư khôi, nữ hoàng cá" ở vùng cửa biển Gò Công của Tiền Giang, giới sành ăn săn lùng

Trong họ cá da trơn, ngoài bông lau thì cá dứa là một trong những “ngư khôi” của vùng biển Gò Công của tỉnh Tiền Giang.

Cá dứa có tên khoa học là Pangasius polyuranodon thuộc họ cá tra, sống ở nước mặn và lợ các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có vùng biển Gò Công của tỉnh Tiền Giang.

Cá dứa có hình dáng giống cá tra, nhưng có những khác biệt như: thân tròn dài, vây ngực không có ngạnh, phần cuối của vây đuôi phớt màu vàng cam hoặc màu tím, kỳ bụng màu tím (giống màu tím quả dứa non). 

Da bụng cá dứa màu trắng tươi, lưng trắng xanh. Vây lưng cá dứa có 6-7 tia vây, vây hậu môn có 4 tia cứng và 31-34 tia vây. Trên 2 nắp mang của cá dứa có vết hình rẻ quạt và mờ dần khi cá lớn, có 8-22 lược mang ở cung mang đầu tiên. 

Thịt cá dứa trắng tươi, đặc biệt, khi cắt ngang thân cá, sẽ thấy những thớ thịt nhuyễn, xoắn vào nhau, không có mỡ dưới da (chỗ sống lưng). Cá trưởng thành có chiều dài 120 - 140 cm, trọng lượng 15-20 kg.

Ngoài tự nhiên, đặc sản cá dứa  trưởng thành sau 2 đến 3 năm tuổi, trọng lượng 3-5 kg, khi trưởng thành, chúng di cư lên thượng nguồn các con sông để sinh sản. 

Loài cá kỳ lạ ví như "ngư khôi, nữ hoàng cá" ở vùng cửa biển Gò Công của Tiền Giang, giới sành ăn săn lùng - Ảnh 2.

Cá dứa, đặc sản được ví như “ngư khôi” vùng biển Gò Công của tỉnh Tiền Giang.

Mùa sinh sản của cá dứa thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 8. Đây cũng là thời kỳ cao điểm các ngư dân vùng Gò Công của tỉnh Tiền Giang vào mùa đánh bắt cá dứa đặc sản. 

Trứng cá dứa sau khi thụ tinh, nở thành cá bột sau 36-48 giờ, cá con xuôi theo dòng nước chảy về hạ lưu (tháng 9-10) và di chuyển dần ra vùng cửa sông giáp biển để sinh sống và tăng trưởng. 

Giai đoạn cá dứa nhỏ, thức ăn chính là động vật phù du, ấu trùng côn trùng, giun chỉ…Khi lớn lên, cá ăn mùn bã hữu cơ, chất lơ lửng và các loại trái chín của các loài cây vùng ngập mặn như: quả mắm, bần, ổi… nên còn gọi là cá tra bần. 

Đặc biệt, vùng biển Gò Công của tỉnh Tiền Giang lại có nhiều ngã ba, tư giáp nước. Đó là đoạn cửa biển Tân Thành, Vàm Láng và khúc cuối ngõ sông Vàm Cỏ Đông đổ ra sông Soài Rạp ngầu đục phù sa. 

Loài cá kỳ lạ ví như "ngư khôi, nữ hoàng cá" ở vùng cửa biển Gò Công của Tiền Giang, giới sành ăn săn lùng - Ảnh 4.

Loài cá kỳ lạ ví như "ngư khôi, nữ hoàng cá" ở vùng cửa biển Gò Công của Tiền Giang, giới sành ăn săn lùng - Ảnh 5.

Loài cá kỳ lạ ví như "ngư khôi, nữ hoàng cá" ở vùng cửa biển Gò Công của Tiền Giang, giới sành ăn săn lùng - Ảnh 6.

Câu cá dứa trên các cửa sông, nhánh sông gần biển vừa là thú vui nhưng cũng là nghề mưu sinh của không ít cần thủ miền Tây. Cá dứa là cá đặc sản tự nhiên nên giá bán cao, cung không bao giờ đủ cầu. Cá dứa tự nhiên ngày càng khan hiếm và có trọng lượng nhỏ.

Thường những nơi nước chè hai (xà hai) này, những nơi giáp nước như vậy còn chứa những dòng nước xoáy ngầm, cuốn theo nhiều tôm tép, có nhiều vi sinh, rêu tảo là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho cá dứa.

Theo kinh nghiệm dân gian, cá dứa đặc sản ở vùng nước mặn thường có thịt dai và nhạt hơn vùng nước lợ, mềm và ngọt.

Vì thịt cá dứa thơm ngon, giàu dinh dưỡng nên món ăn chế biến từ cá dứa cũng rất phong phú và đa dạng và là một trong những món đặc sản thượng hàng vùng ven biển miền Tây, từ phơi khô, nấu canh, lẩu, cháo, chiên, kho, nướng cho đến salad theo kiểu Tây…

Cá dứa vùng Gò Công của Tiền Giang nói riêng và cá dứa nói chung là một trong những loài cá đặc sản đang ngày càng hiếm dần.

Những vị khách phương xa khi đến vùng biển Gò Công của Tiền Giang thưởng thức món đặc sản cá dứa đã hào phóng ban tặng biệt danh “Cá dứa-ngư khôi vùng biển Gò Công”.