Bức bình phong ở đình, miếu của người Việt có ý nghĩa gì về tâm linh?

Thứ bảy, ngày 05/11/2022 05:11 AM (GMT+7)
Bức bình phong trong đình miếu được nhìn thấy khá phổ biến, ở đó tồn tại giá trị tâm linh, mang ý nghĩa che chắn những điều xấu; bảo vệ ngôi đình, chùa, miếu mạo… được bình yên, ngăn không cho các thế lực bên ngoài xâm lấn đến các vị thần.
Bình luận 0

Ông Thạch Nam Phương, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng tỉnh Cà Mau, cho biết: “Ở miền Nam, mỗi đình, miếu sẽ có bức bình phong riêng, với lối kiến trúc mang đậm nét văn hoá tín ngưỡng dân gian. Bình phong có ý nghĩa trấn trạch, ngăn ngừa những thế lực, năng lượng xấu, gìn giữ chốn linh thiêng của đình, miếu. 

Giữa bình phong và đình là một khoảng sân (phương đình), bên cạnh là lư hương để các bô lão, chức sắc, người dân… bước vào sửa soạn, chuẩn bị tâm thế để vào chánh điện và thực hiện các nghi lễ thường niên của đình, miếu…”.

Biểu tượng được điêu khắc phổ biến ở bức bình phong là rồng, hổ phù; con nghê (phổ biến ở miền Bắc)… đều có nhiệm vụ gác cửa (môn thần). Đình lớn làm bình phong lớn, đình nhỏ sử dụng bức bình phong nhỏ; làm sao cho hài hoà và cân đối.

Theo các bậc tiền bối, nhìn từ ngoài cổng vào sẽ thấy bức bình phong trước, án ngữ toàn bộ đình, miếu - đây được xem là tỷ lệ vàng trong việc xây dựng bình phong của các bậc tiền nhân.

Tại Đình thần Tân Thành, phường Tân Thành, TP Cà Mau, ngôi đình có tuổi đời gần 200 năm, theo thời gian cùng những biến đổi thăng trầm của lịch sử, đình được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Đầu năm 2009, đình thần Tân Thành được UBND tỉnh Cà Mau công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Ông Phạm Đình Liên (Tư Liên), ở Khóm 3, phường Tân Thành, (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) gắn bó với đình hơn 25 năm, với nhiệm vụ lo hương khói cho các vị thần trong đình để tỏ lòng thành kính; làm vệ sinh khuôn viên đình… 

“Kiến trúc nổi bật phía ngoài là bức bình phong của đình. Trước đây bức bình phong nằm ở phía xa phương đình, sau thời gian xây dựng đường thì bình phong được dời vào phía trong nhưng vẫn giữ được kiến trúc truyền thống của đình; bên ngoài bức bình phong là cổng rào bao quát toàn bộ mặt trước của đình”, ông Tư Liên chia sẻ.

Bức bình phong ở đình, miếu của người Việt có ý nghĩa về phong thủy? - Ảnh 2.

Bức bình phong trước đình Tân Thành (phường Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) ghi rõ niên đại lịch sử của đình.

Hai bên bình phong là tượng 2 linh quy (rùa) nằm phía dưới, thể hiện sự bề thế và cao quý của bình phong.

Nghệ thuật kiến trúc xây dựng bình phong của đình thần Tân Thành khá thẩm mỹ, như một bức tranh. Mặt sau hiện lên đầy đủ các yếu tố: chim, sông, cây cối trù phú…

Tượng trưng cho một nơi “đất lành chim đậu”, như thông điệp cho xóm làng bình an, bà con thóc lúa được mùa… Mặt trước giới thiệu các niên đại lịch sử của đình.

Còn riêng miếu Thần Minh, Phường 4, TP Cà Mau, bình phong hình con kỳ lân mang nhiều ý nghĩa phong thuỷ. Biểu tượng con kỳ lân rất đặc biệt, từng nét hoa văn uyển chuyển, tạo nên sự uy nghiêm của miếu. Theo các bô lão ở miếu, con kỳ lân này có đầu rồng, lưng rùa, mình rắn, chân ngựa… là sự pha trộn một số biểu tượng với nhau. 

Bắt nguồn từ con vật, sự vật, hiện tượng tự nhiên… có thật ở ngoài đời để hợp thành một hình tượng và phát triển thành một biểu tượng. Những hình ảnh ấy được tồn tại trong trí nhớ từ tín ngưỡng tâm linh mà phác hoạ nên. “Biểu tượng văn hoá được hình thành trên cơ sở địa văn hoá”, ông Thạch Nam Phương giải thích.

Bức bình phong ở đình, miếu của người Việt có ý nghĩa về phong thủy? - Ảnh 4.

Kiến trúc bình phong biểu tượng con kỳ lân tại miếu Thần Minh (Phường 4, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) với ý nghĩa mang lại sự thái bình và thịnh vượng.

Theo ông Huỳnh Đại Hải, Kiểm soát ban Quản trị miếu Thần Minh và đình Tân Xuyên: “Bức bình phong giống như bức màn, khi bước vào phòng của vua chúa ngày xưa, vì thế nó còn mang ý nghĩa bảo vệ; kín đáo. 

Riêng hai bên bức bình phong hình con kỳ lân là hình tượng con rồng và con cọp, biểu tượng cho kiến trúc truyền thống của miếu, hài hoà, cân xứng, tô điểm thêm vẻ đẹp của bức bình phong. 

Tuỳ theo điều kiện và vị thế của đình, bức bình phong có kích thước riêng, hiện tại bức bình phong ở miếu ngang 1,5 m; cao khoảng 1,6 m, hoa văn tôn nghiêm, kính cẩn…

Nằm cặp bên miếu Thần Minh là đình Tân Xuyên, trước đây đình có bức bình phong hình con hổ, sau này khi quy hoạch đường, đô thị hoá thì bức bình phong này không còn nữa, hiện nay được các bô lão xây dựng miếu ông Hổ để thờ, gìn giữ giá trị truyền thống.

Ông Thạch Nam Phương cho rằng, theo quy định của Luật Di sản, đối với đình miếu đã được công nhận là di tích lịch sử thì khi làm đường phải tránh bức bình phong, phải giữ nguyên hiện trạng của bình phong. 

Bên cạnh đó, còn rất nhiều đình, miếu ở Cà Mau có bức bình phong hình tượng ông Hổ (đắp nổi, sơn màu) có nhiệm vụ che chở, bảo vệ ngôi đình miếu, phía sau có bệ thờ Thần Nông.

Và còn có nhiều bức bình phong được thể hiện bằng lối kiến trúc, hình tượng khác nhau, tồn tại ở các nơi thờ tự tôn giáo. 

Bình phong không chỉ là tác phẩm nghệ thuật kiến trúc truyền thống đậm chất tín ngưỡng dân gian mà còn mang giá trị lịch sử thăng trầm. Giữ gìn bản sắc ấy là hết sức cần thiết, để những giá trị tâm linh ấy mãi mãi là nét đẹp trường tồn theo thời gian.

Nhật Minh (Báo Cà Mau)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem