Dân Việt

Nữ tỷ phú nông dân xuất sắc ở Gia Lai trồng cà phê giỏi được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Thu Hà 06/11/2022 09:52 GMT+7
Với mô hình trồng và chế biến cà phê sạch, tháng 9/2022 vừa qua, nữ tỷ phú nông dân xuất sắc Nguyễn Thị Thảo (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) là đại diện duy nhất của tỉnh Gia Lai được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Những thành quả ngọt ngào từ cà phê, được trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam Nam xuất sắc 2021, nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Hiện chị Thảo đang trồng hơn 3ha cà phê, năng suất đạt 55-60 tấn quả tươi/năm. Mô hình trồng cà phê của chị đang áp dụng phương pháp canh tác theo chu trình 4C.

Không chỉ trồng cà phê giỏi, chị Thảo còn chế biến, sản xuất ra sản phẩm cà phê đặc trưng của địa phương mang tên Cà phê Thảo Hiên. Hiện, mỗi năm, cơ sở của chị Thảo sản xuất bán ra thị trường 16-20 tấn cà phê bột và khoảng 5-6 tấn hạt điều rang muối; tổng doanh thu đạt 4-5 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, chị Thảo còn góp phần giải quyết việc làm cho 8 lao động thường xuyên và 16-20 lao động mỗi vụ thu hoạch.

Nữ tỷ phú nông dân xuất sắc ở Gia Lai trồng cà phê giỏi được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ  - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các nông dân có thành tích xuất sắc. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Thảo phấn khởi, xúc động khi được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Đức Quảng.

Với những thành tích xuất sắc đạt được, năm 2021, chị Nguyễn Thị Thảo được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2021. Mới đây, tại Hội nghị biểu dương Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017-2022, nữ nông dân xuất sắc Nguyễn Thị Thảo cũng là đại diện duy nhất của tỉnh Gia Lai được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Không giấu được niềm xúc động khi được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, chị Nguyễn Thị Thảo – nông dân với mô hình trồng và chế biến cà phê sạch ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết: "Được vinh danh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ như ngày hôm nay, tôi thực sự rất tự hào và cảm thấy được động viên để tiếp tục công việc của mình".

Nữ tỷ phú nông dân xuất sắc ở Gia Lai trồng cà phê giỏi được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ  - Ảnh 2.

Không chỉ trồng cà phê giỏi, chị Thảo còn chế biến, sản xuất ra sản phẩm cà phê đặc trưng của địa phương mang tên Cà phê Thảo Hiên

Chị Thảo chia sẻ, chị vốn sinh ra vùng quê nghèo Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa), học chưa hết phổ thông, chị đã bươn chải để phụ giúp gia đình. Tròn 20 tuổi, chị nên duyên với chàng trai cùng quê Trần Văn Hiên rồi theo chồng lên Gia Lai định cư vào năm 2004.

"Ban đầu, tôi ở cùng gia đình chồng tại làng O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai. Một năm sau, vợ chồng tôi được bố mẹ tạo điều kiện xây nhà ở thị trấn và cho 1 ha cà phê làm vốn. Qua một thời gian, chúng tôi tích góp vốn mở rộng vườn cà phê lên 3 ha. Cũng từ đó, tôi nhận ra rằng, nếu chỉ sản xuất và bán thô thì hiệu quả mang lại không cao; thậm chí thu nhập còn bấp bênh vì phụ thuộc vào biến động giá cả thị trường. Tôi tự nhủ, mình phải làm điều gì đó để lấy lại giá trị của cà phê-loại thức uống được nhiều người trên thế giới ưa chuộng"-chị Thảo chia sẻ.

Năm 2016, chị Thảo bắt tay hiện thực hóa ý tưởng. Không chỉ chuyển sang trồng và chăm sóc cà phê theo hướng hữu cơ, gia đình chị còn đầu tư chế biến cà phê sạch, mong muốn đưa sản phẩm với hương vị nguyên bản đến người tiêu dùng. Mùa thu hoạch năm ấy, chị mang rổ ra vườn lựa hái những quả cà phê chín đỏ đem về rửa sạch phơi ráo trên giàn cao. Sau đó, chị tự tay rang cà phê trên bếp củi theo cách riêng của bản thân.

Thế nhưng, với một nông dân "chân đất" còn ít kinh nghiệm, thất bại là điều không tránh khỏi. Mẻ cà phê đầu tiên bị hỏng do quá lửa. Mẻ thứ 2 tiếp tục không đạt vì nhiệt độ, thời gian rang chưa phù hợp. Mẻ thứ 3, thứ 4, hương vị không được như mong muốn. Bao nhiêu tâm huyết, công sức, thời gian và cả sự kỳ vọng dồn vào đó khiến chị Thảo đôi lần bật khóc. Nhưng rồi, chị lại quyết tâm làm cho bằng được. Ngày "ra lò" mẻ cà phê như ý, cảm xúc chị như vỡ òa. Chị bắt đầu chế biến nhiều hơn, không chỉ cung cấp cho người thân mà còn giới thiệu sản phẩm ra thị trường với hình thức chỉn chu hơn.

Cuối năm 2016, gia đình chị quyết định đầu tư máy móc, nhà xưởng để chế biến cà phê. Chị đăng ký theo học lớp kỹ thuật rang xay cà phê theo quy chuẩn tại TP. Hồ Chí Minh. Từ đây, số lượng thành phẩm cơ sở làm ra ngày một nhiều. Với giá bán 100.000 đồng/kg cà phê bột nguyên chất, mỗi năm, gia đình chị thu về hơn 1 tỷ đồng. Đây được xem là thành công bước đầu trên hành trình nâng tầm giá trị cà phê của nữ nông dân Nguyễn Thị Thảo.

Nữ tỷ phú nông dân xuất sắc ở Gia Lai trồng cà phê giỏi được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ  - Ảnh 3.

Hiện nay, chị Nguyễn Thị Thảo đã cho ra đời thêm 5 dòng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Ảnh: Hồng Thi

Đa dạng hóa sản phẩm cà phê

Không dừng lại ở đó, chị Thảo tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu chế biến thêm nhiều loại cà phê chất lượng cao khác nhau để "đánh" vào từng gu thưởng thức của khách.

Từ sản phẩm cà phê nguyên chất thông thường ban đầu, hiện nay, cơ sở Thảo Hiên đã cho ra đời thêm 5 dòng sản phẩm gồm: cà phê bột cao cấp Honey, cà phê hạt pha máy Espresso, cà phê bột rang xay phin đậm, cà phê Mộc đặc biệt và cà phê túi lọc (phin giấy); giá trị tăng 25-30% so với cà phê truyền thống.

Đặc biệt, 5 sản phẩm cà phê Mộc đặc biệt, cà phê hạt pha máy Espresso, cà phê túi lọc, cà phê bột rang xay phin đậm, hạt điều rang muối của chị đã được công nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là cơ hội để chị Thảo tiếp tục phát triển quy mô, mở rộng thị trường.

Từ năm 2020 đến nay, ngoài chế biến cà phê, gia đình chị Thảo còn kinh doanh thêm hạt điều và thu mua cà phê của người dân về sơ chế rồi bán lại cho các cơ sở rang xay khác. Đáng chú ý, từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Thảo đã nhạy bén tìm kiếm, mở rộng thị trường thông qua mạng internet. Bên cạnh tiếp cận khách hàng trực tiếp qua hệ thống cửa hàng, siêu thị, chị còn đẩy mạnh kinh doanh trên các website điện tử, Facebook, Zalo.