Làm nông nghiệp tái sinh, nông dân trồng cà phê ở Đăk Lăk có thu nhập cao gấp đôi

Thu Hà Thứ năm, ngày 28/07/2022 18:57 PM (GMT+7)
Thay vì thói quen làm sạch cỏ dại, lạm dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ trong canh tác cà phê, hồ tiêu thì nay hàng nghìn hộ nông dân ở tỉnh Đăk Lăk đã chuyển sang làm nông nghiệp tái sinh vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, cây trồng khoẻ mạnh, tăng năng suất, tăng thu nhập.
Bình luận 0

Đặc biệt, trong tình hình giá phân bón tăng cao như hiện nay, mô hình nông nghiệp tái sinh giúp nông dân trồng cà phê, hồ tiêu giảm chi phí, tăng lợi nhuận rất nhiều.

Trồng cà phê xen tiêu thu nhập cao gấp đôi

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi đến thăm những rẫy cà phê xanh mướt bạt ngàn của các hộ nông dân ở xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk.

Anh Y Tý Byă (SN 1968, dân tộc Êđê) ở buôn Pu Hue, xã Ea Ktur là 1 trong những nông hộ trồng cà phê bền vững theo Chương trình Nescafe Plan do Công ty TNHH Nestle Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) tổ chức.

Làm nông nghiệp tái sinh, nông dân trồng cà phê ở Đăk Lăk có thu nhập cao gấp đôi - Ảnh 1.

Mô hình trồng cà phê xen hồ tiêu của anh Y Tý Byă (dân tộc Êđê) ở xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: Thu Hà

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình của mình, anh Y Tý Byă phấn khởi nói: "Chuyển sang làm nông nghiệp tái sinh, hiệu quả đem lại rất lớn".

Anh Y Tý hiện đang canh tác 1,7ha diện tích cà phê (tái canh 800 cây) trồng xen với 500 gốc tiêu. Mô hình cà phê trồng xen tiêu với mật độ 3 hàng cà phê xen 2 băng tiêu.

Vụ thu hoạch năm vừa rồi, anh Y Tý thu được 4,2 tấn cà phê và 2,5 tấn tiêu, trong đó lợi nhuận thu được từ niên vụ 2021 – 2022 tăng 220% so với niên vụ 2019 – 2022. Nhờ trồng tiêu, cà phê mà gia đình anh Y Tý có "của ăn của để" và là một trong những hộ giàu có ở xã Ea Ktur.

Làm nông nghiệp tái sinh, nông dân trồng cà phê ở Đăk Lăk có thu nhập cao gấp đôi - Ảnh 2.

Anh Y Tý cho biết: "Khi chuyển sang làm ''nông nghiệp tái sinh'', chúng tôi có kiến thức về làm thảm cỏ sinh học, không sử dụng thuốc diệt cỏ nữa mà để cỏ mọc tốt rồi cắt cỏ. Những cành cây, lá cây khô trước đây thường gom lại mang về đốt bỏ thì nay được rải ngay tại vườn, để ngăn cỏ mọc, khi mục nát sẽ tạo ra chất mùn giúp đất tươi tốt. Bên cạnh đó chúng tôi còn biết làm phân vi sinh từ vỏ và bã cà phê".

Anh Y Tý kể: Trước đây, anh cũng như nhiều nông dân khác ở Ea Ktur trồng cà phê theo kiểu truyền thống, rất hay lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hoá học khiến đất đai bạc màu, cây trồng dễ nhiễm bệnh tật rồi chết. Anh Y Tý chán nản vì dốc bao công sức, tiền bạc vào rẫy cà phê mà năm được, năm mất, thu nhập chẳng đáng là bao.

Năm 2014, tham gia Chương trình Nescafe Plan anh được hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật để trồng cà phê bền vững và mua giống cà phê mới về tái canh.

"Trước đây, canh tác cà phê theo phương pháp truyền thống, chúng tôi sử dụng rất nhiều phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ. Cứ thấy cây trồng kém xanh tốt một tí là bón phân, thấy cỏ là xịt thuốc diệt cỏ. Khi chuyển sang làm ''nông nghiệp tái sinh'', chúng tôi có kiến thức về làm thảm cỏ sinh học, không sử dụng thuốc diệt cỏ nữa mà để cỏ mọc tốt rồi cắt cỏ.

Những cành cây, lá cây khô trước đây thường gom lại mang về đốt bỏ thì nay được rải ngay tại vườn, để ngăn cỏ mọc, khi mục nát sẽ tạo ra chất mùn giúp đất tươi tốt. Bên cạnh đó chúng tôi còn biết làm phân vi sinh từ vỏ và bã cà phê.

Trồng cà phê, hồ tiêu theo cách này vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, cây trồng khoẻ mạnh, tăng năng suất, thu nhập. Đặc biệt, trong tình hình giá phân bón tăng gấp đôi như hiện nay, mô hình nông nghiệp tái sinh giúp nông dân giảm chi phí rất nhiều".

Làm nông nghiệp tái sinh, nông dân trồng cà phê ở Đăk Lăk có thu nhập cao gấp đôi - Ảnh 3.

Ông Hoàng Văn Son (bên phải) – nông dân trồng cà phê ở xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk trao đổi với cán bộ phụ trách kỹ thuật của Chương trình Nescafe Plan về phần mềm Nhật ký nông hộ cài đặt trên điện thoại. Ảnh: Thu Hà

Cùng quan điểm với anh Y Tý Byă về những hiệu quả mà nông nghiệp tái sinh mang lại, ông Hoàng Văn Son – nông dân trồng 1,3ha cà phê ở xã Ea Ktur cho biết: "Trước kia canh tác theo phương pháp truyền thống, mỗi gốc cà phê , tôi chỉ thu được khoảng 2kg hạt một mùa thì nay tăng lên từ 3-4kg. Kết hợp trồng cà phê xen canh hồ tiêu nên thu nhập gia đình lên tới 190 triệu/ha sau khi trừ hết chi phí, hiệu quả kinh tế gấp đôi so với cách trồng cũ. Trước kia, năm nào có được mùa cũng chỉ thu được khoảng 100 triệu đồng/ha".

Làm nông nghiệp tái sinh, nông dân trồng cà phê ở Đăk Lăk có thu nhập cao gấp đôi - Ảnh 4.

Ông Hoàng Văn Son cho biết, tất cả các hoạt động trồng, bón phân, tưới nước cà phê cũng như chi phí đầu tư, lợi nhuận đều được cập nhật chi tiết trên điện thoại. Ảnh: Thu Hà

Nông dân phải là trung tâm của mô hình nông nghiệp tái sinh

Phát triển nông nghiệp tái sinh là một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu tích cực trao đổi, chia sẻ, thảo luận tại Đối thoại báo chí năm 2022 "COP 26 và Xây dựng một nền nông nghiệp tái sinh tại Việt Nam" do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) và Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, tổ chức ngày 22/7, tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk vừa qua.

Làm nông nghiệp tái sinh, nông dân trồng cà phê ở Đăk Lăk có thu nhập cao gấp đôi - Ảnh 5.

Ông Khuất Quang Hưng – Giám đốc đối ngoại, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho biết: Một trong những điều quan trọng nhất mà Nestlé đang làm đó là giới thiệu khái niệm nông nghiệp tái sinh. Tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được lồng ghép và thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Nescafe Plan. Ảnh: Quốc Tuấn

Theo VBCSD, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính rất lớn, chiếm 13,9% tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp: cam kết tham gia sáng kiến "Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu"; cam kết thực hiện "Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất".

Tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050".

Hiện nay, Bộ NNPTNT đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Ông Khuất Quang Hưng – Giám đốc đối ngoại, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho biết: "Cuối năm 2019, Tập đoàn Nestlé đã công bố Cam kết Phát thải ròng bằng "0" – Net Zero - vào năm 2050 cùng với lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu này.

Lộ trình Net Zero của chúng tôi cho thấy gần 2/3 lượng khí thải nhà kính của chúng ta đến từ nông nghiệp. Vì vậy giải quyết những lượng khí thải này là một trong những lĩnh vực trọng tâm chính của Nestlé".

Một trong những điều quan trọng nhất mà Nestlé đang làm đó là giới thiệu khái niệm nông nghiệp tái sinh. Tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được lồng ghép và thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Nescafe Plan.

"Mô hình "nông nghiệp tái sinh" xác định rõ ba nguồn lực chính là đất, nước và đa dạng sinh học. Đây chính là trọng tâm của các nỗ lực khôi phục toàn diện.

Làm nông nghiệp tái sinh, nông dân trồng cà phê ở Đăk Lăk có thu nhập cao gấp đôi - Ảnh 6.

Các đại biểu trao đổi tại Toạ đàm "Thúc đẩy hợp tác đa bên trong phát triển bền vững ngành nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam" trong khuôn khổ chương trình tập huấn cho các cơ quan truyền thông về phát triển bền vững 2022. Ảnh: Quốc Tuấn

Cũng theo ông Hưng, quan trọng nhất trong mô hình này đó là nông dân phải là trung tâm của mô hình. Nông dân là những người quản lý các nguồn lực và đưa ra quyết định về các hoạt động phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của chính mình.

Đến nay, tại Tây Nguyên có 21.000 hộ nông dân với hơn 60.000 ha cà phê đang canh tác theo mô hình "nông nghiệp tái sinh".

Mô hình này không chỉ giúp nông dân Tây Nguyên giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận mà còn đem lại những giá trị lớn hơn. Đó là giảm sử dụng hóa chất, giảm phát thải khí nhà kính bảo tồn và khôi phục đất nông nghiệp cùng hệ sinh thái, mang lại lợi ích lớn cho môi trường và xã hội.

Làm nông nghiệp tái sinh, nông dân trồng cà phê ở Đăk Lăk có thu nhập cao gấp đôi - Ảnh 7.

Toàn cảnh Đối thoại báo chí năm 2022 “COP 26 và Xây dựng một nền nông nghiệp tái sinh tại Việt Nam”. Ảnh: Quốc Tuấn

Liên quan đến các nhóm giải pháp giảm thải CO2 đến năm 2030, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, TS. Trần Đại Nghĩa – Trưởng bộ môn nghiên cứu kinh tế tài nguyên và môi trường cho rằng: Đối với ngành trồng trọt, 2 giải pháp có tiềm năng giảm thải cao nhất là quản lý nước và áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến trong sản xuất lúa nước và thu gom, quản lý và tái sử dụng sản phẩm từ phế phẩm cây trồng. 

Đối với ngành chăn nuôi, giải pháp cải thiện khẩu phần thức ăn chăn nuôi, công nghệ tái sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ.

Ông Nghĩa nhấn mạnh thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, các bon thấp, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh…

"Việc hàng chục nghìn hộ nông dân ở Tây Nguyên chuyển sang mô hình "nông nghiệp tái sinh", với hiệu quả rõ ràng, đã cho thấy hướng giải quyết vấn đề, để hiện thực hóa các cam kết"- ông Nghĩa nói.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Phó Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sẽ thúc đẩy để phổ biến mô hình này mở rộng sang các lĩnh vực nông nghiệp khác. Kết hợp với các sáng kiến khác về phát triển bền vững, sẽ giúp mang đến một nền nông nghiệp xanh, góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa các cam kết tại COP26.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem