Tại xã Trung Sơn (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) những ngày này, trên hệ thống loa phát thanh của xã, thôn liên tục thông tin về dự báo thời tiết.
Đồng thời, khuyến cáo các hộ thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, chú trọng việc dự trữ, bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi trong những ngày sắp tới.
Cán bộ khuyến nông xã cũng trực tiếp đến các hộ chăn nuôi để phổ biến, hướng dẫn cách phối trộn, bảo quản, dự trữ thức ăn trong mùa đông và các biện pháp chăm sóc, phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi.
Người dân xã Trung Sơn (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) thường tích trữ rơm sau gặt để làm thức ăn cho gia súc.
Gia đình ông Nguyễn Duy Công, thôn Đức Uy, xã Trung Sơn có 4 con trâu, 1 con bò. Ông Công cho biết, trâu, bò là tài sản lớn đối với gia đình nên ông rất quan tâm dự trữ thức ăn.
Rút kinh nghiệm nhiều năm trước, năm nay ông không để cỏ voi làm thức ăn xanh mà ủ chua để làm thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông.
Theo ông Công tìm hiểu, thức ăn ủ chua giúp trâu, bò dễ ăn, dễ hấp thụ và nâng cao sức đề kháng. Gia đình cũng trồng 2 sào ngô để bổ sung một phần thức ăn xanh cho đàn gia súc.
Mới chớm đông, song người chăn nuôi trên địa bàn huyện Sơn Dương đã gia cố, tu sửa lại chuồng trại, tích trữ thức ăn cho đàn gia súc. Anh Trần Văn Phòng, thôn Khấu Lấu, xã Bình Yên có 3 con trâu.
Anh Phòng cho biết, việc chăm sóc, đặc biệt lo thức ăn cho đàn trâu, bò trong mùa đông được anh chuẩn bị rất kỹ. Ngoài lượng rơm, rạ sau thu hoạch lúa đã được phơi khô, đánh đống thì anh còn trồng thêm 2 sào cỏ voi và ngô.
Với số rơm dự trữ cơ bản đáp ứng được một lượng lớn thức ăn cho vật nuôi trong mùa đông. Còn lại diện tích cỏ voi, ngô trồng sẽ là nguồn thức ăn xanh bổ dưỡng cho trâu khi nhiệt độ xuống thấp.
Ông Nguyễn Duy Công, thôn Đức Uy, xã Trung Sơn (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) ủ chua cỏ voi làm thức ăn cho gia súc.
Bà Lưu Thị Anh Đào, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện đã tăng cả về số lượng và chất lượng với tổng đàn hơn 31.000 con.
Vì vậy, công tác bảo vệ, tránh đói, rét cho đàn gia súc trong mùa đông được huyện thực hiện nghiêm túc. Phòng nông nghiệp đã và đang tuyên truyền, vận động người dân chuẩn bị thức ăn thô xanh cho đàn trâu, bò.
Hướng dẫn người chăn nuôi trồng cây ngô dầy đảm bảo diện tích, chăm sóc số diện tích cây thức ăn (cỏ voi, cỏ ghine, cỏ VA06...) để có đủ thức ăn cho trâu, bò; tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân cây ngô, lá mía để chế biến, dự trữ thức ăn bằng phương pháp ủ chua hoặc phơi khô đánh thành cây để sử dụng cho đàn trâu, bò ăn trong vụ đông.
Với một diện tích ngô vụ đông tương đối lớn cộng với phụ phẩm từ các loại cây trồng nên thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông không còn là vấn đề lo ngại.
Toàn tỉnh hiện có trên 91.000 con trâu, trên 37.000 con bò. Để phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, Ngành nông nghiệp hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, thực hiện nghiêm túc quy trình chăn nuôi an toàn, có kiểm soát.
Đồng thời, chỉ đạo đội ngũ khuyến nông cơ sở tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi dự trữ thức ăn thô, xanh và bổ sung thức ăn tinh cho gia súc; yêu cầu các địa phương chỉ đạo người dân tận dụng đất quanh nhà, ven đường, đồi bãi để gieo ngô dày, trồng cỏ… làm thức ăn cho gia súc.
Bên cạnh đó, tuyên truyền để các hộ chăn nuôi gia cố chuồng trại, vệ sinh tiêu độc, khử trùng nhằm bảo vệ tốt nhất cho đàn gia súc trong mùa đông.
Chủ động sớm trong công tác chuẩn bị thức ăn cho gia súc trước mùa đông sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển tổng đàn gia súc, ổn định kinh tế cho người dân, giảm tỷ lệ gia súc chết do đói, rét trong mùa đông.