Chiều nay 7/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi).
Thảo luận tại tổ, các đại biểu đều nhấn mạnh đây là đạo luật gốc về quản lý giá, có chức năng quy định những nguyên tắc căn bản trong quản lý nhà nước về giá; quy định các biện pháp, mức độ kiểm soát, điều tiết từ phía nhà nước và liên quan đến nhiều luật khác.
Do đó, cần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính thống nhất trong quản lý theo hướng các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại luật này.
Trên thực tế, nhiều đạo luật khác cũng đang quy định nội dung về quản lý giá (như lĩnh vực đất đai, y tế, đấu thầu, xây dựng...) cũng như liên quan đến nhiều điều ước quốc tế, các đại biểu đề nghị rà soát để xác định rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của luật này; làm rõ mối quan hệ của luật này với các luật khác để bảo đảm không trùng lắp, mâu thuẫn. Một mặt có quy định dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành. Mặt khác cần có quy định mang tính nguyên tắc trong quản lý để tạo căn cứ áp dụng, minh bạch, dễ tiếp cận.
Góp ý kiến cụ thể, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết, dự thảo luật còn nhiều điều khoản giao Chính phủ quy định.
Qua rà soát cho thấy, trong số 72 điều luật thì có đến 13 điều luật giao Chính phủ quy định với nhiều nội dung quan trọng như danh mục hàng hóa bình ổn giá; trường hợp quyết định chủ trương bình ổn giá hàng hóa không thuộc danh mục bình ổn giá...
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân khi quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết có vẻ như sẽ thuận lợi, linh hoạt nhưng thực tế khi bắt tay vào thực hiện sẽ phát sinh nhiều vướng mắc, có vấn đề tự Chính phủ không thể quyết định được.
Đại biểu dẫn chứng trong quản lý giá xăng dầu, bình ổn giá thông qua điều hòa cung cầu, xuất nhập khẩu, tài chính tiền tệ…nhưng thực tế việc sử dụng quỹ bình ổn giá này không thực sự linh hoạt, không theo đúng tinh thần của luật.
Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị không nên quy định giao Chính phủ quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá và giá tham chiếu.
Đại biểu cho biết thêm, việc quy định cụ thể trong luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt nhằm tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước ảnh hưởng đến quy luật cung-cầu; bảo đảm tính pháp lý chắc chắn, ổn định, giúp doanh nghiệp, người dân có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong luật cũng khắc phục tình trạng "luật khung, luật ống".
Mặt khác, để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, Luật Giá hiện hành cũng đã quy định trường hợp cần điều chỉnh danh mục các mặt hàng bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều họp hàng tháng và thậm chí có thể họp bất thường nên đáp ứng được yêu cầu quyết định kịp thời.
Đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội) góp ý, điểm c khoản 2, Điều 7 về các hành vi nghiêm cấm quy định, lợi dụng khủng hoảng kinh tế thiên tai, dịch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của nhà nước và các điều kiện bất thường khác tăng giá bán hàng hóa dịch vụ bất hợp lý.
Theo đại biểu Thành, quy định này chưa rõ ràng, bởi việc xác định như thế nào là bất hợp lý còn chung chung, định tính. Đại biểu cho rằng, cần quy định tăng giá bán dịch vụ so với giá thị trường là bao nhiêu phần trăm thì mới được coi là bất hợp lý nhằm thuận lợi cho quá trình áp dụng pháp luật.
Hai là, tại điều 34 dự thảo luật yêu cầu mục đích kiểm tra yếu tố hình thành giá, tuy nhiên tại tại khoản 2 của điều này lại quy định các trường hợp kiểm tra yếu tố hình thành giá. Như vậy, nội dung và tên điều chưa phù hợp với nhau.
Ba là, đề nghị nghiên cứu biển số xe ô tô là hàng hóa do nhà nước định giá, ban hành kèm theo dự thảo Luật Giá.
Thiếu thuốc, vật tư y tế không tháo gỡ được, "nút thắt" từ hai thông tư do Bộ Y tế chủ trì
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, những ách tắc về giá hiện nay chủ yếu là những hướng dẫn tại các nghị định, thông tư, "quy định về giá chuyên ngành là rất chậm".
Bộ trưởng ví dụ như Thông tư số 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập; Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định về đấu thầu thuốc lại các cơ sở y tế công lập. Hai thông tư này đều do Bộ Y tế chủ trì, đến nay đang là nút thắt. Do đó, việc thiếu thuốc, vật tư y tế đang không tháo gỡ được.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, vừa qua Bộ Tài chính đã chủ trì cuộc họp mời Bộ Y tế và đại diện lãnh đạo một số bệnh viện lớn đến để bàn tháo gỡ, nhưng việc sửa đổi các quy định này là do cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Y tế đang thực hiện.
Hoặc như liên quan đến lĩnh vực đất đai, Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thông tư này hiện rất nhiều địa phương đang kiến nghị sửa đổi nhưng chưa thực hiện được.
Từ những bất cập nêu trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị, về tổng thể, việc tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định, thông tư xác định giá nên giao cho Bộ Tài chính làm.
Bộ Tài chính có trách nhiệm tham mưu hướng dẫn ban hành quy định quản lý nhà nước về giá; tổ chức thanh kiểm tra và thẩm định các vấn đề có tính chất liên ngành. Đối với các Bộ, ngành, sẽ xác định giá các hàng hóa, dịch vụ bộ, ngành mình quản lý.
"Nghĩa là tách nội dung xây dựng và thực thi pháp luật, như vậy, việc ban hành pháp luật cũng nhanh và thực thi pháp luật cũng nhanh", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.