Đối với nhiều người, mọi khó khăn sẽ làm chùn bước và dường như không còn động lực để sống vui, sống tốt. Thế nhưng với cô nữ sinh Lương Thị Trà My, TP. Bắc Ninh lại khác. Trò chuyện với Trà My, người đối diện mới là người được tiếp thêm niềm tin và tinh thần lạc quan.
Bị khiếm thị từ nhỏ, mới đây Lương Thị Trà My đã thực hiện được giấc mơ của mình. Cô vừa được cấp Học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT Việt Nam năm 2022 và chính thức trở thành tân sinh viên ngành CNTT.
"Do yêu thích ngành CNTT nên em đã mạnh dạn làm hồ sơ xin học bổng. Em rất vui mừng, sung sướng khi được nhận học bổng vào trường", Trà My vui mừng chia sẻ với PV báo Dân Việt.
Từ lúc sinh ra, Trà My đã bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, tuy nhiên tình trạng bệnh khi đó vẫn có thể nhìn thấy nên Mỹ đi học bình thường. Khi lên lớp 3, My bắt đầu bị đau mắt do bị thêm bệnh Glocom. Hai năm đó, Mỹ phải dừng học và chủ yếu đi lại giữa nhà và viện. Cô bạn phải mổ rất nhiều lần nhưng sau đó đôi mắt hoàn toàn không nhìn thấy được nữa. Cả nhà có 4 người thì bố, My và em trai My đều bị đục thủy tinh thể. Gia đình làm ruộng nên cuộc sống cũng khá khó khăn.
"Sau khi nghỉ 2 năm, em có tham gia học chữ nổi 1 tháng. Sau đó em học hòa nhập trường bình thường cho đến bây giờ. Lúc đó em nghĩ học là con đường duy nhất để mình không bị tụt hậu so với xã hội. Cứ như vậy, năm nay em cố gắng một chút, năm sau lại cố gắng thêm một chút... cho đến bây giờ", My chia sẻ.
My tiết lộ, em làm quen với máy tính từ năm lớp 6 nhưng thực sự quyết tâm theo đuổi ngành CNTT từ năm lớp 10. Khi Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều trường học phải chuyển sang học trực tuyến và việc này khiến My gặp nhiều khó khăn. "Chính vì khó khăn này mà em nhận thấy Công nghệ rất quan trọng nên muốn theo học ngành này. Rất may mắn là em làm quen khá nhanh. Do không thể nhấn chuột được nên em học các phím tắt khi sử dụng máy tính. Nhiều phần mềm chỉ cần làm quen 1, 2 ngày là em có thể sử dụng thành thạo", My nói.
Được nhận vào học ở ngôi trường "con nhà giàu" bậc nhất Việt Nam từ tháng 9, My chia sẻ cũng gặp một số khó khăn. "Một tuần đầu mới vào học em hơi sốc và stress vì cách học cũng như các hoạt động của trường khác với môi trường học phổ thông. Ví dụ như một số ứng dụng của trường em không biết nên phải tìm hiểu để biết cách dùng. Do trường không có KTX nên em phải thuê trọ ở ngoài và mỗi ngày đi học phải nhờ người đưa đi... Nhưng sang tuần thứ 2 em cũng đã bắt nhịp được với môi trường mới và hiện tại em đã đáp ứng mọi yêu cầu để phục vụ cho việc học", My thổ lộ.
Trà My khẳng định: "Em biết đa số các trường ở Việt Nam cho rằng người khiếm thị sẽ không thể học và không tin vào năng lực của những người như em. Em đã chứng minh được rằng người khiếm thị có thể học và sau này có thể làm lập trình viên".
Từ câu chuyện của mình, My muốn nhắn nhủ với các bạn có hoàn cảnh giống mình: "Các bạn nên cố gắng hết sức để học tập tốt vì học tập là con đường duy nhất để các bạn hòa nhập cộng đồng và được mọi người tôn trọng. Các bạn nên lạc quan vì khiếm thị không phải là điều bất hạnh.
Một điều nữa là các bạn nên học theo đam mê của mình chứ không nên học theo từ người trước. Việc học theo đam mê sẽ giúp mình tìm ra giải pháp và làm tốt công việc của mình".
My khẳng định, sẽ cố gắng trau dồi bản thân, học thêm các kỹ năng để hoàn thành chương trình học ở đây để hoàn thành gấc mơ trở thành kỹ sư CNTT.
Bà Phạm Thị Huyền, Chủ tịch Hội người mù TP. Bắc Ninh, người đã chứng kiến My trưởng thành trong suốt chín năm, cho biết hiện chưa có trường đại học nào ở Việt Nam chấp nhận sinh viên khiếm thị vào học ngành CNTT.
"Học bổng Chắp cánh ước mơ là một cơ hội tuyệt vời để My hiện thực hóa ước mơ của em. Với năng khiếu, đức tính chuyên cần, ham học hỏi và một mục tiêu rõ ràng cho tương lai, tôi thật sự tin tưởng rằng My chắc chắn đủ năng lực thành công ở môi trường đại học", bà Huyền chia sẻ.