Ứng viên giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2022: Hành trình từ sinh viên nghèo đến Phó Hiệu trưởng
Tào Nga
Thứ hai, ngày 07/11/2022 06:06 AM (GMT+7)
Đó là tâm sự của ứng viên Giáo sư trẻ nhất năm 2022 khi được hỏi về lý do và sự chọn lựa quay lại Việt Nam sau khi học xong chương trình Tiến sĩ ở Anh năm 2010.
PGS.TS. Lê Văn Cảnh là ứng viên trẻ tuổi nhất được xét đạt chuẩn giáo sư trong danh sách 383 ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư của Hội đồng giáo sư Nhà nước năm 2022. PGS.TS. Lê Văn Cảnh đang là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc Gia TP.HCM.
Trao đổi với PV báo Dân Việt về cảm giác của mình khi biết tin mình là ứng viên Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm nay, PGS 43 tuổi cho biết khá bất ngờ. "Cả ngày 1/11, tôi họp sáng tới chiều, thông tin tôi là ứng viên Giáo sư trẻ nhất năm nay là do một bạn phụ trách truyền thông của trường báo cho tôi. Đọc mà vừa vui vừa ngợp. Sau đó cũng có nhiều anh chị phóng viên gọi điện hẹn phỏng vấn và nhiều thầy cô anh chị nhắn tin chúc mừng, tôi cảm giác vẫn không tin được.
Thật ra, chuyện trẻ hay không trẻ với tôi không quan trọng. Tôi chỉ cảm thấy mình quá may mắn khi những thành quả nghiên cứu của tôi xuất hiện sớm. Tuy nhiên, sự may mắn này chỉ có khi sự tích lũy đủ đi cùng với sự cố gắng của bản thân mình trong nhiều năm. Trong nghiên cứu, tôi nghĩ không có sự thất bại mà chỉ là có những cái ngưỡng mà những người làm nghiên cứu phải vượt qua nếu muốn có được thành quả. Để đạt được thành quả thì không thể thiếu sự nỗ lực, sự kiên trì, nhẫn nại. Làm khoa học không thể đốt cháy giai đoạn được, nó là sự thẩm thấu qua thời gian, là kết quả của rất nhiều tháng ngày bỏ công sức vào đó".
Hành trình học tập và nghiên cứu 40 năm ứng viên giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2022
Tính đến thời điểm Hội đồng giáo sư Nhà nước công bố các ứng viên đạt chuẩn năm 2022, PGS.TS. Lê Văn Cảnh (sinh 11/11/1979, năm nay 43 tuổi) đã có hơn 40 năm đi học, tham gia nghiên cứu không ngừng nghỉ. Sinh ra và lớn lên ở Đại Hồng, Đại Lộc, Quảng Nam, "một nơi nghèo khó với nhiều thiếu thốn nên tôi phải cố gắng hơn rất nhiều và từ những năm học THPT tôi đã học xa nhà, xa gia đình, tự lo cho cuộc sống của mình, và có lẽ vì thế mà tôi tạo được thói quen tự lập", PGS.TS. Cảnh nhớ lại.
Thói quen tự lập từ từ ăn sâu vào tính cách và hỗ trợ rất nhiều cho PGS.TS. Lê Văn Cảnh trong suốt hành trình mà thầy đã chọn. Học xong THPT, PGS. Cảnh thi vào ĐH Kiến Trúc, phân viện tại TP.HCM. Lựa chọn học ngành xây dựng với mong muốn nghề này sẽ giúp bản thân và gia đình thoát nghèo, tuy nhiên, kết quả học tập xuất sắc ở bậc Đại học đã giúp chàng Kỹ sư Lê Văn Cảnh nhận được học bổng của GS.TS. Nguyễn Đăng Hưng và trường ĐH Liege (Vương Quốc Bỉ) học tiếp Thạc sĩ ngành Cơ học, chuyên ngành Cơ học công trình. Đây là chương trình học của ĐH Liege, do chính các giáo sư từ Bỉ và Châu Âu bay qua Việt Nam dạy.
Bước ngoặc đặc biệt phải kể đến năm 2005, sau khi học xong cao học, Thạc sĩ Lê Văn Cảnh lại được chọn trao học bổng để đến Anh trở thành nghiên cứu sinh của trường ĐH Sheffield. Năm 2010, hoàn thành chương trình học, Tiến sĩ Lê Văn Cảnh về nước và công tác tại Bộ môn Kỹ thuật Xây dựng, trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM).
Năm 2013, 34 tuổi, TS. Lê Văn Cảnh đạt chuẩn Phó Giáo sư và cũng năm đó đạt giải thưởng Quả cầu vàng của Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học và Công nghệ trao. Đến năm 2018, PGS.TS. Lê Văn Cảnh được bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế (ĐHQG-HCM).
Và 9 năm sau ngày đạt chuẩn Phó Giáo sư, thầy lại trở thành ứng viên Giáo sư trẻ nhất Việt Nam.
Khát vọng học lên cao để thay đổi cuộc đời
PGS.TS. Lê Văn Cảnh kể về thời nhỏ đi học phải tự xoay sở thêm các chi phí sinh hoạt vì gia đình chỉ chu cấp được tiền học phí. Chính những khó khăn năm tháng học sinh mà thầy đã trải qua đã thôi thúc quyết tâm phải học thật tử tế để có thể thoát khỏi khó khăn nghèo khổ. Sau khi tốt nghiệp với kết quả loại giỏi ở trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, chàng kỹ sư được chọn trở thành giảng viên của Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 thuộc Bộ Xây dựng.
"Tôi cảm thấy mình may mắn hơn các bạn cùng trang lứa khi có thể chọn con đường học vấn để thay đổi cuộc đời mình. Khi tôi được học lên cao hơn, học xong Thạc sĩ thì cơ hội tốt khác lại tới khi tôi lại nhận được học bổng để trở thành nghiên cứu sinh. TP.HCM cho tôi cơ hội được ra nước ngoài để học tập, nghiên cứu. Đây là một vinh dự và một trong những bước ngoặc lớn của đời tôi", PGS.TS. Cảnh chia sẻ.
Tháng 3/2010, PGS.TS Lê Văn Cảnh hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh và được cấp bằng tiến sĩ Cơ học, chuyên ngành Cơ học tính toán. Thầy nhận được 3 lời mời làm nghiên cứu Sau tiến sĩ dài hạn từ 3 trường Đại học của Anh, Úc và Scotland… tuy nhiên sau khi cân nhắc, chọn lựa, PGS.TS. Lê Văn Cảnh đã quyết định nghiên cứu tiếp trong thời gian ngắn và quay về Việt Nam.
"Nhiều người hỏi tôi về Việt Nam có tiếc nuối hay không khi ở bên Anh hay Úc thì điều kiện để làm việc tốt hơn, lương cũng cao hơn, ngay cả điều kiện học hành của con cái cũng tốt hơn… tôi chỉ muốn nói tôi chọn lựa quay về. Tôi nhận được học bổng của Thành phố cho, tôi được kỳ vọng sẽ có thể đem kiến thức quay về giúp ích quê hương thì tôi không nên phụ sự kỳ vọng đó. Tôi đã nhận được quá nhiều sự hỗ trợ của quê nhà. Hơn nữa, ở Việt Nam còn ba mẹ tôi, còn gia đình lớn của tôi. Quay về tôi sẽ có điều kiện chăm sóc và gần gũi ba mẹ hơn. Đặc biệt, thời điểm đó, ở Anh, tôi nghe nhiều anh chị nói về trường Đại học Quốc tế - một ngôi trường dạy bằng tiếng Anh và có môi trường nghiên cứu hiện đại, tiệm cận với nước ngoài, có chế độ lương thưởng hợp lý – nên tôi đã mạnh dạn trở về và xin vào trường Đại học Quốc tế để công tác.
Thật ra, tôi mạnh dạn về cũng một phần do ngành nghiên cứu của tôi chỉ cần một chiếc máy tính thật mạnh chứ cũng không cần phải có phòng thí nghiệm cực kì hiện đại nên việc cân nhắc về hay ở của tôi cũng không nặng nề. Tôi biết nhiều anh chị làm nghiên cứu khác, cần máy móc, cần phòng thí nghiệm với các thiết bị hiện đại thì sẽ cân nhắc việc về Việt Nam, tôi thấu hiểu chuyện này vì dù sao những người làm nghiên cứu cần lắm môi trường nghiên cứu thật sự", PGS.TS. Lê Văn Cảnh cho biết.
"Nhìn thấy sinh viên thành công trong nghiên cứu khoa học, tôi thật sự hạnh phúc"
"Khi tôi gặp Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, có một thầy trong hội đồng hỏi tôi về việc làm sao để có thể làm tốt cả việc quản lý và việc nghiên cứu chuyên sâu của mình. Rõ ràng, đây là một vấn đề mà không phải ai cũng có thể làm tốt hết được. Mỗi người đều có công việc và trách nhiệm mình cần hoàn thành. Tôi cũng vậy. Là một người nghiên cứu khoa học nên tôi phải làm việc thật khoa học và việc đầu tiên đó là sắp xếp công việc thật khoa học. Sự sắp xếp thật chi tiết và phù hợp với khả năng của mình.
"Một ngày của tôi như thế nào khi tôi làm quản lý, làm nghiên cứu, đi dạy học?", Mọi người ai cũng quan tâm sắp xếp hiệu quả thời gian để hoàn thành các công việc của mình vì ai cũng chỉ có 24 giờ trong một ngày! Thật ra, giờ hành chính thì tôi giải quyết công việc của trường giao làm quản lý (phụ trách mảng Nghiên cứu khoa học, Cơ sở vật chất, Công tác sinh viên và Quan hệ đối ngoại), những lúc rảnh vào giờ trưa tôi thường gặp nhóm nghiên cứu của mình để trao đổi. Giờ chiều tan làm, tôi tranh thủ đón con hoặc chơi thể thao. Tối khi rảnh tôi dành thời gian đọc tài liệu, đọc sách, viết báo khoa học.
Tôi cố gắng thức khuya hơn một chút để có thể làm thêm được các công việc của bản thân mình đặt ra mục tiêu. Công việc của tôi cần sự yên tĩnh để tập trung nên giờ khuya khi mọi người đi ngủ cũng là lúc năng suất làm việc của tôi lên mức cao nhất. Về lâu dài thì việc thức khuya cũng không tốt lắm nên đa phần tôi sẽ cố gắng tập trung cao độ và tuân thủ thời gian biểu của mình một cách nghiêm ngặt để có thể kết thúc công việc sớm hơn một chút".
Khi được hỏi vể gia đình, về những sẻ chia của vợ con cho sự nghiệp, PGS.TS. Lê Văn Cảnh đã bồi hồi xúc động cám ơn cuộc đời đã cho mình quá nhiều sự may mắn. "Tôi quá may mắn khi nhận được sự ủng hộ của người thân thương. Tôi cảm thấy mình chưa dành đủ thời gian để dạy dỗ con mình, khích lệ con phát triển bản thân hơn. Nên tôi sẽ cố gắng dành nhiều thời gian với con hơn. Thật ra, bây giờ, mỗi khi rảnh, tôi đều cố gắng lấy một cuốn sách đọc cùng con để giúp các con tách mình ra khỏi môi trường ảo".
Các hướng nghiên cứu chủ yếu của PGS.TS. Lê Văn Cảnh trong ngành Cơ học là phương pháp số, phân tích dẻo các kết cấu xây dựng, mô phỏng đa tỷ lệ và tính toán đồng nhất vật liệu compostie.
Về kết quả nghiên cứu khoa học, PGS.TS. Lê Văn Cảnh đã hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp đại học quốc gia (Bộ), 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước. Bên cạnh đó, PGS.TS. Lê Văn Cảnh đã công bố 75 bài báo và báo cáo khoa học, trong đó có 34 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín.
Năm 2013, PGS.TS. Lê Văn Cảnh là 1 trong 10 gương mặt đạt giải thưởng Quả cầu Vàng do Trung ương Ðoàn cùng Bộ Khoa học và Công nghệ phát động. Năm 2019, PGS.TS. Lê Văn Cảnh nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Xét giáo sư, phó giáo sư- 85 hồ sơ ứng viên bị loại - VTC Now
Vui lòng nhập nội dung bình luận.