Mới đây, đại diện Bộ GDĐT cho hay sẽ không ban hành quy chế tuyển sinh năm 2023 mà giữ ổn định quy chế cũ. Trao đổi với PV báo Dân Việt, Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM bày tỏ: "Tôi thấy thật sự là an tâm khi Bộ GDĐT đã nói như vậy".
Theo Ths Sơn: "Nhà trường an tâm vì các chính sách đã đúng và đủ. Quy chế năm nào cũng phải thay đổi, dù rất ít, nhưng đã làm thí sinh lo lắng, không biết quy chế thay đổi theo chiều hướng như thế nào để thí sinh định hướng học tập. Các trường đại học cũng không phải "phập phồng, lo lắng" cho điều kiện tuyển sinh của trường mình có đúng với quy định của Bộ hay không.
Năm nay có quy định là quy chế vẫn giữ như năm ngoái thì nhà trường rất mừng, và quy chế nên giữ khoảng vài năm mới thay đổi thì hay hơn. Các thí sinh an tâm và các trường đại học cũng không phải lo lắng đến quy chế tuyển sinh của năm nay có khác gì so với năm ngoái.
Nêu ý kiến về kỳ tuyển sinh đại học vừa qua để rút kinh nghiệm cho năm nay, Ths Sơn cho rằng: "Quy chế tuyển sinh năm nay đã đủ chế tài cho các trường đại học và cũng tạo điều kiện cho các thí sinh đăng ký xét tuyển. Nhưng năm sau nên quy định sớm hơn vì năm nay quy định xét tuyển quá trễ nên các em phải đợi lâu. Qua năm vừa rồi, Bộ nên cho thời gian xét tuyển ngắn gọn hơn, thời gian kết thúc đợt 1 nên vào cuối tháng 8 là hay nhất, sau đó đến các đợt bổ sung. Và phần mềm xét tuyển được thông suốt hơn đừng để trục trặc. Dù bị lỗi một chút cũng phải sửa làm cho thí sinh cảm thấy bất an".
Chia sẻ về công tác tư vấn tuyển sinh cho lớp 12 hiện nay, cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên trường THPT Chương Mỹ A, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: "Ngoài việc tư vấn chọn ngành, chọn nghề thì thầy cô liên tục nhắc các em chủ động tìm hiểu quy chế tuyển sinh của các trường mình mong muốn theo học ở website chính thức của trường. Vì năm 2023 quy chế hầu như không đổi nên học sinh tìm hiểu quy chế năm 2022 để nắm được rõ về các phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu của từng ngành, từ đó cân nhắc, điều chỉnh nguyện vọng phù hợp với khả năng, sở thích, sở trường và mong muốn của mình".
Cũng theo cô Nga, nhiều học sinh rất quan tâm đến Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và năm 2023, kỳ thi này cũng giữ ổn định như năm trước, vì vậy ngay từ đầu năm học, các thầy cô giáo bộ môn đã có hướng dẫn học sinh rất kỹ về phương thức xét tuyển này. Đánh giá năng lực yêu cầu học sinh phải học đều các môn; từ đó giáo viên lưu ý học sinh nào có nguyện vọng thi thì cần tìm hiểu lịch đăng ký và hơn nữa, có kế hoạch ôn tập để đảm bảo kiến thức.
Bên cạnh đó, công tác tư vấn đối với học sinh, phụ huynh liên quan đến quy chế tuyển sinh, tìm hiểu phương thức tuyển sinh, chọn ngành, chọn nghề được các nhà trường đặc biệt quan tâm. Ngoài những buổi trao đổi trực tiếp của giáo viên trong trường thì nhiều trường còn kết nối chuyên gia tuyển sinh hoặc mời chính các phụ huynh với những hiểu biết sâu rộng về nghề nghiệp đang công tác đến vừa chuyện trò, gợi mở; vừa có những chia sẻ thiết thực với học sinh lớp 12 để các em tự tin học tập, ôn luyện và vững vàng bước vào kỳ tuyển sinh 2023.
Em Minh Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Khoa học Giáo dục, Hà Nội cho hay: "Chúng em rất cần các buổi tư vấn để nắm rõ hơn quy chế tuyển sinh cũng như phương thức xét tuyển đại học. Quy chế tuyển sinh năm 2023 không thay đổi nhiều giúp chúng em không bị lo lắng và chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi sắp tới".
Không ban hành quy chế tuyển sinh năm 2023
Theo thông tin từ Bộ GDĐT, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ giữ ổn định như năm 2022. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng quy chế tuyển sinh để cụ thể hóa quy chế của Bộ GDĐT; đồng thời công khai trên trang điện tử của cơ sở đào tạo để phục vụ nhu cầu tìm hiểu của thí sinh và xã hội.
Theo quy chế tuyển sinh năm 2022, cơ sở đào tạo quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, lĩnh vực và hình thức đào tạo. Một chương trình, ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.
Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng; xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.
Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm.
Về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, quy chế tuyển sinh 2022 nêu rõ, từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp. Cùng với đó, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức: Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên quy định.
Trước đó, liên quan đến công tác tuyển sinh năm 2023, Bộ GDĐT cho biết đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển để loại bỏ các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống tuyển sinh chung cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, trong đó có thể xem xét khuyến cáo các trường không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT (tuyển sinh đợt 1).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.