Dân Việt

Loại trái cây mang tên "Nữ Hoàng" đang bán với giá 100.000 đồng/kg nhưng nông dân Quảng Nam vẫn kém vui

Trương Hồng - Nguyễn Hưng 08/11/2022 14:31 GMT+7
Cây măng cụt còn gọi là cây "Nữ Hoàng", là loại trái cây có giá trị kinh tế và dinh dưỡng rất là cao, hầu như tại Quảng Nam chỉ được trồng tại huyện Tiên Phước. Tuy nhiên, những đợt mưa bão vừa qua làm cho cây măng cụt ảnh hưởng nặng, ít ra quả, nông dân thất thu.

Nhận thấy cây măng cụt mang lại thu nhập cao, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân huyện Tiên Phước, Quảng Nam đã đầu tư vào loại trái cây này. 

Quảng Nam: Thất thu trái cây mang tên "Nữ Hoàng"  - Ảnh 1.

Người dân huyện Tiên Phước buồn xo khi thất thu mùa trái cây măng cụt năm nay. Ảnh: T.H

Trên địa bàn huyện Tiên Phước, xã có số lượng cây măng cụt nhiều là xã Tiên Mỹ, người dân trồng khoảng 45ha măng cụt, nhiều vườn đã trồng lâu năm. Mỗi năm bình quân mỗi cây măng cụt tạo nguồn thu hơn 2 triệu đồng. Măng cụt giúp người dân ổn định cuộc sống. Thế nhưng, sau cơn bão số 9 năm 2020 và cơn bão số 4 năm 2022 vừa qua, rất nhiều cây măng cụt ở xã Tiên Mỹ bị khô cành, rụng lá, quả bị nám mủ, chai sượng, ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng. 

Khu vườn của gia đình ông Đồng Thanh Cường (thôn Mỹ Thượng Tây, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước) có 40 cây măng cụt trên 20 năm tuổi đang cho quả.

Trước đây, mỗi vụ gia đình ông Cường thu về khoảng 80 triệu đồng từ việc bán quả măng cụt. Tuy nhiên, mưa bão trong 2 năm qua đã khiến cho 10 cây măng cụt bị trốc gốc, gãy đổ, số măng cụt còn lại cũng bị tác động lay gốc, khô cành, rụng lá dẫn đến giảm năng suất và chất lượng quả.

Để cứu cây măng cụt, ông Cường đã đầu tư chăm sóc, bón phân, tỉa cành phục hồi mạnh cho cây, nhưng măng cụt vẫn đậu ít quả. Vụ này gia đình ông ước thu về khoảng dưới 10 triệu đồng, dù giá cả măng cụt hiện khá cao, trên 100.000 đồng/kg.

Quảng Nam: Thất thu trái cây mang tên "Nữ Hoàng"  - Ảnh 2.

Quảng Nam: Thất thu trái cây mang tên "Nữ Hoàng"  - Ảnh 3.

Mùa măng cụt năm nay do ảnh hưởng bão nên cây ít cho ra trái. Ảnh: N.H

"Sau những trận bão vừa qua, tôi đã cố gắng chăm sóc, bón phân, tỉa cành giúp cây phát triển xanh tốt trở lại, tuy nhiên năng suất rất thấp. Vụ này vườn măng cụt nhà tôi bị thất thu lớn, chỉ đạt khoảng 100kg quả, bằng 1/8 trước đây…." - ông Cường buồn rầu nói.

Khu vườn của ông Nguyễn Đức Hùng (thôn Trà Lai, xã Tiên Mỹ) có 50 cây măng cụt, trong đó có 30 cây có tuổi đời trên 30 năm đang cho quả.

Trước đây, trung bình mỗi vụ gia đình thu về khoảng 1 tấn quả măng cụt. Tuy nhiên, hai năm qua do ảnh hưởng của bão lũ khiến cho năng suất măng cụt đạt thấp, khoảng bằng 30% so với trước đây. Mặc dù ông Hùng cũng đầu tư phục hồi, chăm sóc, phát triển lại cây măng cụt, nhưng kết quả đem lại vẫn chưa cao, cây măng cụt ra lá xanh tốt, tuy nhiên tỷ lệ đậu quả thấp. Vụ này, ước thu về khoảng 200 - 250 kg quả măng cụt.

Quảng Nam: Thất thu trái cây mang tên "Nữ Hoàng"  - Ảnh 4.

Quảng Nam: Thất thu trái cây mang tên "Nữ Hoàng"  - Ảnh 5.

Trái măng cụt năm nay không đẹp, bóng da mà hơi bị sượng do thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: N.H

"Tôi đã nghiên cứu, học hỏi cách phục hồi cây măng cụt sau bão, cây tuy phát triển trở lại nhưng tỷ lệ ra quả vẫn đạt thấp. Đối với cây bị ảnh hưởng trực tiếp của gió bão thì cành bị khô, rụng lá, quả bị khô nám, chai sượng, chảy mủ. Cây không bị tác động trực tiếp của gió bão tuy quả không bị nám khô, chai sượng nhưng tỷ lệ ra quả vẫn thấp", ông Cường nói.

Không chỉ ở Tiên Mỹ mà sau đợt bão lũ, hàng trăm hộ dân trồng măng cụt trên địa bàn huyện Tiên Phước cũng rơi vào cảnh tương tự, cây măng cụt sau khi phục hồi tuy phát triển xanh tốt trở lại, nhưng năng suất thấp, một số vườn cây đang ra quả gặp gió bão, quả bị nám vỏ, chai sượng.

Quảng Nam: Thất thu trái cây mang tên "Nữ Hoàng"  - Ảnh 6.

Hiện người dân Quảng Nam đang triển khai trồng cây măng cụt, vì nó có trị kinh tế, dinh dưỡng cao. Ảnh: T.H

Ông Ngô Minh Hòa - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước cho biết, để phát triển cây măng cụt, địa phương đã xây dựng dự án phát triển cây măng cụt giai đoạn 2020 -2025, phấn đấu đến năm 2025 đạt diện tích 150ha, trở thành xã trọng điểm phát triển cây măng cụt của huyện Tiên Phước.

"Mặc dù sau trận bão vừa qua, Hội Nông dân xã phối hợp với các hội, đoàn thể đã xuống hướng dẫn người dân tỉa cành, bón phân, chăm sóc phục hồi lại cây măng cụt. Tuy nhiên, do bị tác động của gió bão, cây măng cụt chưa thể một sớm một chiều hồi phục lại và cho năng suất cao. Hiện cây măng cụt phát triển xanh tốt trở lại, nhưng năng suất vẫn thấp hơn so với những năm trước", ông Hòa nói. 

Hiện, măng cụt đang bước vào giai đoạn cho thu hoạch. Mỗi kg măng cụt giá bán trên thị trường dao động từ 100.000 - 110.000 đồng/kg. Chính quyền huyện Tiên Phước đang chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân cách chăm sóc, phục hồi lại các vườn măng cụt, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Quảng Nam: Thất thu trái cây mang tên "Nữ Hoàng"  - Ảnh 7.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ cây giống măng cụt cũng như phân bón cho người dân ở Quảng Nam để trồng phát triển kinh tế vườn. Ảnh: T.H

Trước đó, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, tỉnh Quảng Nam đã quyết định triển khai trồng thí điểm cây măng cụt nhằm phát triển kinh tế vườn, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

"Cây măng cụt là loại cây ăn trái có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế rất cao, có tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc và Mỹ rất lớn. Trên phạm vi cả nước, măng cụt được trồng nhiều ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây do tình hình xâm nhập mặn nên diện tích măng cụt ở Miền Nam bị sụt giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu còn rất lớn nên là cơ hội cho các vùng khác phát triển loại cây này.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, cây măng cụt đã được trồng từ lâu tại các huyện trung du của tỉnh như Tiên Phước, Nông Sơn, Hiệp Đức... Thực tế cho thấy cây măng cụt thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở địa bàn các huyện vùng trung du…", ông Bửu nhấn mạnh.