Nông dân sẽ thu lợi nhuận "kép" nếu trồng cây "nữ hoàng" quả khô

Trung Kiên Thứ ba, ngày 14/03/2017 16:32 PM (GMT+7)
Tại hội thảo, tập huấn về phát triển cây mắc ca do Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức ở huyện Lâm Hà cuối tuần qua, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng khẳng định, nông dân sẽ thu lợi nhuận kép nếu trồng loài cây được mệnh danh là "nữ hoàng" quả khô này.
Bình luận 0

Từ ngày 11-12.3, tại huyện Lâm Hà, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hiệp hội mắc ca Việt Nam và Công ty TNHH MTV Him Lam Mắc ca Lâm Đồng tổ chức hội thảo, tập huấn về phát triển cây mắc ca. Tham dự hội thảo có hơn 150 đại biểu là cán bộ Hội Nông dân cơ sở và hộ nông dân tiêu biểu ở 3 xã Hoài Đức, Tân Hà và Liên Hà của huyện Lâm Hà.

img

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng trao đổi với nông dân về lợi ích trồng cây mắc ca tại hội thảo. Ảnh: Trung Kiên

Tại hội thảo, các hộ nông dân tiêu biểu được phổ biến về các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, kỹ năng thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã khi tham gia sản xuất, phát triển cây mắc ca và một số quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch mắc ca và các chính sách hỗ trợ về giống, vốn tín dụng, thu mua sản phẩm của đơn vị cung ứng cây giống.

Chia sẻ với nông dân, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đánh giá tỉnh Lâm Đồng là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên có lợi thế đặc biệt về thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn lực lao động để phát triển cây mắc ca dưới hình thức chuyên canh; xen canh với các loại cây ăn trái, hoặc trồng để tạo bóng mát cho cây cà phê,  chè. "Với hình thức trồng xen canh, trồng tạo tán trong vườn cà phê, cây mắc ca sẽ đem về lợi nhuận kép hàng năm cho bà con...", ông Nguyễn Lân Hùng khẳng định.

img

Nông dân Nguyễn Đức Ba, thị trấn Thanh Mỹ, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) trồng 0,8ha mắc ca, mỗi năm thu hoạch 4 tấn quả khô bán với giá 250.000 đồng/kg. Ảnh Hoàng Hải/Vietnam+

Tại hội thảo, đại diện Công ty TNHH MTV Him Lam Mắc ca Lâm Đồng cho biết, trong mùa mưa năm 2017, doanh nghiệp này sẽ xuất vườn khoảng 500.000 cây giống mắc ca ghép đạt chất lượng cao. Doanh nghiệp cung cấp và hướng dẫn trực tiếp cho nông dân trong tỉnh Lâm Đồng về kỹ thuật xuống giống trồng, chế độ chăm sóc, biện pháp phòng trừ bệnh hại và có cam kết bảo đảm đầu ra cho sản phẩm  hạt mắc ca thành phẩm.

Tham dự hội thảo, đại diện Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank) đã giới thiệu về chính sách “tín dụng mắc ca” theo yêu cầu của nông dân. Theo đó, ngân hàng này sẽ cho người nông dân vay tiền vốn đầu tư  trồng cây mắc ca với thời gian vay lên đến 15 năm, ân hạn nợ gốc, lãi đến 7 năm. Tỷ trọng cho vay lên đến 80% tổng chi phí trồng, hoặc chăm sóc)…

Cây mắc ca là lợi thế lớn ở Tây Nguyên

Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 ngày 11.3 tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến việc phát triển cây mắc-ca để cùng khi thác tiềm năng khu vực Tây Nguyên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Cây mắc ca là một lợi thế trăm triệu ha có thể phát triển được, nhưng chưa đặt vấn đề trồng loại cây này. Thị trường đang rất tốt, rất lớn. Trung Quốc họ đang làm cái này rất thành công. Bây giờ khoan 1 giếng nước sâu 140 mét mới có nước, trước đây chỉ 30- 40 mét thôi. Cây mắc ca có thể tái hồi phục lượng nước cần thiết, là một vấn đề rất lớn đặt ra ở Tây Nguyên, khi mà chúng ta khai thác nước ngầm ở mức độ cao”.

Đình Thắng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem