Tuy nhiên, thời gian qua do giá bán sản phẩm quế tăng nhanh, dẫn đến nhiều nơi trồng ồ ạt. Nếu không có chiến lược phát triển ngành quế xứng tầm, bền vững sẽ dẫn đến lúng túng cho cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp trong việc đáp ứng các rào cản chất lượng ở thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Diện - Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Bộ NNPTNTN) cho biết, tổng diện tích quế của Việt Nam hiện đạt gần 170.000ha. Cây quế phân bố ở khá nhiều tỉnh nhưng được trồng tập trung tại Lào Cai (53.300ha), Yên Bái (81.000ha), Nghệ An, Quảng Nam… Trữ lượng vỏ quế Việt Nam ước tính khoảng 900.000-1.200.000 tấn, sản lượng thu hoạch bình quân 70.000 - 80.000 tấn/năm.
Giá trị xuất khẩu quế của Việt Nam liên tục tăng trong 2 năm gần đây (năm 2020 đạt 245,4 triệu USD, năm 2021 là 274 triệu USD), dự kiến năm nay khoảng 276 triệu USD, tăng gần 2% so với năm 2021. Tuy nhiên, hiện nay ngành quế hồi Việt Nam vẫn "tự thân vận động" là chính.
Hiện nay, thị trường xuất khẩu lớn nhất của sản phẩm quế Việt Nam là Ấn Độ (năm 2021 đạt 90,7 triệu USD), Mỹ (54,2 triệu USD), Hàn Quốc (6,2 triệu USD)… Ngành quế có nhiều thuận lợi khi nhu cầu các thị trường cao cấp như Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu ngày càng tăng; các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, VPA/FLEGT cho phép cắt giảm hoặc xoá bỏ thuế xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Ông Diện thông tin: Hiện nay chúng ta chưa có định hướng chiến lược phát triển quế bền vững cấp quốc gia; chưa có diễn đàn điều phối hợp tác công - tư; thiếu công nghệ và vốn đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Năng lực kỹ thuật chuyên sâu của khuyến nông - khuyến lâm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Các mối liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng quế còn lỏng lẻo…
Ông Diện chỉ rõ: "Nếu chúng ta không có kế hoạch phát triển căn cơ, bền vững thì sẽ xuất hiện những thách thức phát triển kém bền vững. Diện tích trồng quế đang tăng rất nhanh, một số nơi người dân trồng tự phát, vượt quy hoạch. Điều đáng nói, nếu cây quế trồng ở nơi môi trường bị ô nhiễm thì sẽ có nguy cơ chứa hàm lượng kim loại nặng cao. Tình trạng nhiễm kim loại nặng trong gia vị, nhất là chì, asen đã được cảnh báo ở nhiều quốc gia".
Ông Huỳnh Tiến Dũng - Tổng Giám đốc quốc gia Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) nhận định: Các ngành hàng khác thường có tổ chức liên chính phủ để điều phối sản xuất, thương mại, ví dụ như hồ tiêu, nhưng cây quế, hồi thì chưa có. Chúng ta cũng chưa có văn bản gì mang tính chiến lược cấp quốc gia về cây quế.
"Việc thiếu một định hướng chiến lược chung tầm quốc gia, thiếu cơ chế phối hợp giữa công - tư ở các địa phương, dẫn đến thực trạng mạnh ai nấy làm, các tỉnh trồng quế không có sự kết nối. Do vậy, việc cập nhật những đòi hỏi mới của thị trường quốc tế, nhất là các thay đổi về yêu cầu dư lượng kim loại nặng còn lúng túng" - ông Dũng nói.
Chú trọng trồng quế đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu
Ông Huỳnh Tiến Dũng cho biết thêm: Ở các tỉnh trồng quế chủ lực vẫn đang nặng về mở rộng diện tích mà chưa chú trọng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chất lượng, chế biến, tìm kiếm thị trường. Sản phẩm chủ yếu xuất thô, mới có 1 phần quế vào châu Âu, Mỹ nhưng tỷ lệ chưa đến 10% sản lượng.
Trước nhu cầu phát triển cây quế Việt Nam bền vững, đem lại giá trị xuất khẩu, ông Hoàng Thanh Hải - đại diện IDH cho biết: Hiện nay các ban ngành, doanh nghiệp, tổ chức liên quan đang triển khai các bước để xúc tiến thành lập Hiệp hội đại diện cho ngành quế; đã trình dự thảo thành lập tổ công tác quế lên Bộ NNPTNT phê duyệt, trong đó đề xuất Bộ NNPTNT xây dựng chiến lược phát triển quế quốc gia.
Các tổ chức cũng đẩy mạnh triển khai chứng nhận bền vững và cập nhật yêu cầu mới của thị trường. Kết quả đáng mừng là chứng nhận RA đầu tiên cho ngành quế đã được cấp cho Công ty Hương Gia Vị Sơn Hà, với sự hỗ trợ của IDH.
Gần đây nhất, Sơn Hà cũng là đơn vị đầu tiên được cấp chứng nhận UEBT/RA cho chuỗi quế từ CRED. Một số doanh nghiệp bước đầu triển khai liên kết theo chuỗi giá trị hiệu quả, điển hình như Vinasamex, Sơn Hà, Nedspice...
Ông Bùi Chính Nghĩa – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh những vấn đề khó khăn của ngành quế hiện nay là năng lực sản xuất và chế biến còn thấp; thiếu nguồn lực tài chính và cả con người cho phát triển ngành quế; việc tồn dư hàm lượng kim loại nặng làm giảm giá trị xuất khẩu sản phẩm quế… Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có cơ chế cập nhật, chia sẻ thông tin, hợp tác và huy động nguồn lực cho ngành quế.
"Nếu không có định hướng quốc gia cho cây quế, sẽ rất nhanh dẫn đến khả năng cung vượt cầu. Do đó, cần thúc đẩy quá trình phê duyệt thành lập Tổ công tác ngành quế, nhằm tạo môi trường để trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp tìm kiếm và lồng ghép các nguồn lực hiệu quả… Đề nghị các doanh nghiệp phối hợp với các địa phương, bà con nông dân tiếp tục mở rộng các mô hình phát triển quế theo chuỗi liên kết hiện có; đánh giá tiềm năng nâng cao giá trị của sản phẩm phụ, như gỗ quế. Hoàn thiện khung giải pháp về quản lý kim loại nặng, đưa các nội dung này vào tài liệu và chương trình đào tạo ngành quế" – ông Nghĩa cho biết.