Dấu ấn khuyến nông: Trồng quế thành rừng, bán cả lá lẫn vỏ, nông dân Lào Cai xây nhà lầu, tậu xe hơi (Bài 5)

Minh Huệ Thứ năm, ngày 13/10/2022 05:50 AM (GMT+7)
Từng là loại cây phủ xanh đất trống đồi trọc, quế dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong cơ cấu trồng rừng của tỉnh Lào Cai. Loài cây "đẻ" ra tiền từ lá đến vỏ này đã tạo ra nhiều tỷ phú nông dân ở mảnh đất vùng biên, với doanh thu sản phẩm hơn 600 tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Lập tổ nhóm thích trồng quế, liên kết "4 nhà" đưa sản phẩm quế Lào Cai xuất ngoại 

Mấy năm trước, mỗi lần nhìn thấy người thân, bà con tại quê nhà trồng quế vất vả mà không bán được giá như mong đợi, chị Tạ Thị Hợi, Chi Hội trưởng Hội Phụ nữ, Trưởng thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) lại băn khoăn, trăn trở với câu hỏi làm gì để nâng cao giá trị kinh tế cho cây quế. Sau khi tìm hiểu kĩ về tiềm năng của loài cây có khả năng "đẻ" ra tiền từ lá đến thân, vỏ này, năm 2017, chị Hợi đã mạnh dạn thành lập cơ sở thu mua quế lấy tên 2 vợ chồng là Tâm Hợi.

Dấu ấn khuyến nông với những mô hình “5 tăng”: Cây quế Lào Cai xuất ngoại, thu về 600 tỷ đồng (Bài 5) - Ảnh 1.

Người dân huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai chăm sóc rừng quế. Ảnh: X.Q

Ban đầu chỉ thử nghiệm với sản lượng nhỏ, sau đó chị tìm đến các đối tác mở rộng đầu ra cho sản phẩm, mong muốn đưa sản phẩm quế Lào Cai vượt ra khỏi biên giới đất nước. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng xuất khẩu quế, chị Hợi phải đối mặt với muôn vàn khó khăn từ quy mô sản xuất, nhà xưởng, vốn, quy cách, mẫu mã sản phẩm…

Được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai, Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai, chị Hợi đã tham gia các khóa tập huấn về ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh, marketing cho sản phẩm quế; đi nhiều nơi để học hỏi, tìm hiểu một số công ty lớn ở Hà Nội, Bắc Ninh nhằm tìm kiếm đầu ra cho cây quế. Vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ khâu cắt, đóng túi và đóng hộp sản phẩm, nhờ đó giá trị sản phẩm quế tăng lên hơn hẳn. 

Tuy nhiên, từ lúc chị đứng ra thành lập Hợp tác xã Tân Hợi, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế thuận lợi hơn hẳn. Trước đây, ở xã Sơn Hà có rất nhiều nương đồi để hoang, hoặc chỉ trồng 1 vụ ngô, sắn cho thu nhập thấp. Chị Hợi đã mạnh dạn vận động, khuyến khích bà con chuyển sang trồng quế; đồng thời thu mua quế quanh năm cho nông dân.

Cứ đến kì thu hoạch, chị Hợi lại mua toàn bộ sản phẩm của cây quế, từ lá, cành, vỏ, hạt quế. Có những tháng cao điểm, cơ sở của chị thu mua tới hàng trăm tấn quế tươi. 

Mặc dù vậy, hình thức thu mua nguyên liệu vẫn còn nhỏ lẻ, theo kiểu mua của từng hộ gia đình trên địa bàn xã, nhiều khi chưa đáp ứng được nhu cầu cung ứng, lại tốn công vận chuyển nhiều lần… 

Sau đó, chị Hợi may mắn được tham gia Dự án "Phát triển hệ thống thị trường nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm quế nhằm tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ tỉnh Lào Cai", do tổ chức Great tài trợ, được thực hiện bởi Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai.

Dự án đã hỗ trợ HTX Tâm Hợi xây dựng vùng nguyên liệu bằng việc thành lập 5 tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh quế; tập huấn sơ chế quế cho các thành viên tổ hợp tác; ký kết các thỏa thuận thu mua giữa các bên; hỗ trợ bàn sơ chế, quạt, bạt… nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho người lao động, tăng chất lượng sản phẩm, cải thiện nhà xưởng cho HTX. 

Dấu ấn khuyến nông với những mô hình “5 tăng”: Cây quế Lào Cai xuất ngoại, thu về 600 tỷ đồng (Bài 5) - Ảnh 1.

Lô hàng quế của HTX Tâm Hợi chuẩn bị được xuất khẩu. Ảnh: I.T

Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường và kỹ năng marketing, tư vấn xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, quảng bá sản phẩm (logo, facebook, website, thiết kế bao bì). Nhờ đó, sản phẩm của HTX ngày càng phong phú, hấp dẫn khách hàng hơn, như quế bột, quế chẻ, quế sáo thanh, quế sáo vụn, quế ép kiện…

Hiện, HTX Tâm Hợi đã có Khu xưởng chế biến quế hơn 2,3 ha tại xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng. Sản phẩm quế Lào Cai của HTX đã được xuất sang thị trường Ấn Độ, Singapore, Australia, Hoa Kì...; sản lượng tiêu thụ từ 80 đến 120 tấn thành phẩm/tháng. 

Cán bộ khuyến nông giúp bà con nâng cao trình độ trồng thâm canh quế

Ông Hà Văn Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai cho biết, sau thời gian phối hợp với SNV Việt Nam, Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà, Công ty CP sản xuất và xuất khẩu Quế hồi Việt Nam thực hiện Tiểu dự án "Phát triển hệ thống thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm quế nhằm tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ tỉnh Lào Cai", đến năm 2020 đã có 1.602 hộ nông dân đăng ký vào 32 tổ nhóm sở thích trồng quế; trên 5.000 người được tham gia và tiếp cận với các hoạt động dự án.

Để các tổ nhóm hoạt động hiệu quả, cũng như hiểu được tầm quan trọng của việc liên kết giữa các tổ nhóm thích trồng quế, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai đã lựa chọn và bầu ra được 48 người là thành viên ban lãnh đạo các tổ nhóm. Trung tâm cũng tổ chức các lớp tập huấn ToT với 175 người tham gia.

Dấu ấn khuyến nông với những mô hình “5 tăng”: Cây quế Lào Cai xuất ngoại, thu về 600 tỷ đồng (Bài 5) - Ảnh 2.

Toàn huyện Bắc Hà hiện có trên 9.000 ha quế. Trong đó, Nậm Đét là xã có diện tích lớn nhất huyện. 100% hộ dân ở đây đều tham gia trồng quế và trở thành cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con. Ảnh: X.Q

Các học viên tham gia tập huấn có trách nhiệm hỗ trợ triển khai thành lập tổ nhóm tại địa phương nhằm liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ với Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà tại huyện Bắc Hà và Công ty CP sản xuất và xuất khẩu Quế hồi Việt Nam tại huyện Văn Bàn, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân và doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm còn tổ chức hàng chục lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, cầm tay chỉ việc cho hàng nghìn nông dân trồng quế. Tổ chức cho bà con nông dân đi tham quan học tập mô hình sản xuất, tiêu thụ quế tại tỉnh Yên Bái. Với những gì mắt thấy, tai nghe từ các mô hình trồng quế hiệu quả cao ở Yên Bái, bà con trồng quế tại Lào Cai rất tâm đắc và tự tin gắn bó với cây quế. 

Sau quá trình học hỏi, các hộ nông dân vào tổ nhóm sở thích trồng quế đã thay đổi tư duy phương thức sản xuất, mạnh dạn và tự chủ hơn trong các quyết định đầu tư phát triển cây quế, tự tin trong giao tiếp và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn. Nhiều nhóm, hộ nông dân đang nhen nhóm hình thành xưởng sơ chế quế; góp vốn mua cả đồi quế ở thôn, xã, huyện khác để khai thác, sơ chế quế bán cho HTX, doanh nghiệp... 

Dấu ấn khuyến nông với những mô hình “5 tăng”: Cây quế Lào Cai xuất ngoại, thu về 600 tỷ đồng (Bài 5) - Ảnh 4.

Quế là cây trồng đem lại nhiều lợi ích kinh tế, nông dân chỉ cần cắt tỉa cành, thu hoạch lá bán cho HTX, doanh nghiệp là cũng có tiề. Khi cây quế đạt kích cỡ khai thác, bà con có thể bán cả rừng quế. Ảnh: X.Q

Phát triển trồng quế hữu cơ, chế biến sâu

Nhờ trồng quế - thứ cây mà nhiều người vui tính bảo "sờ đâu" cũng bán ra tiền, ông Triệu A Sơn, dân tộc Dao, ở thôn Bẳn Lắp (xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà) đã xây được nhà lầu, tậu được xe hơi. Ông Sơn còn được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021. 

Theo ông Sơn, 1ha quế khoảng 10 năm tuổi có thể cho doanh thu từ 500 – 700 triệu đồng. Đến thời điểm này, gia đình ông Sơn có hơn 12ha quế, trong đó có khoảng 1ha ở độ tuổi từ 15 – 20 năm, diện tích còn lại từ 7 – 12 năm tuổi. Bình quân mỗi năm, gia đình ông Sơn thu trên dưới 200 triệu đồng từ bán lá, cành, vỏ quế ra thị trường.

"Hằng năm, gia đình tôi chỉ khai thác đồi quế ở mức độ vừa phải để lấy tiền chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày. Còn khi nào có công to, việc lớn, cần nhiều tiền thì gia đình mới khai thác mạnh" – ông Sơn tiết lộ với PV Dân Việt.

Trồng loài cây này thành rừng, bán cả lá lẫn vỏ, nông dân Lào Cai thu hơn 600 tỷ đồng (Bài 5) - Ảnh 6.

Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai, sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã hình thành nhiều tổ hợp tác, nhóm nông dân cùng sở thích trồng quế hữu cơ. Ảnh: X.Q

Từ những rừng trồng quế bạt ngàn, mảnh đất Lào Cai đã xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân. Tuy nhiên, ông Quang cho biết, quá trình phát triển cây quế ở Lào Cai cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, công tác quản lý quy hoạch của các địa phương chưa tốt dẫn tới tình trạng người dân trồng quế ồ ạt; một số nơi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp với cây quế nhưng người dân vẫn trồng, dẫn đến cây quế sinh trưởng phát triển kém, chất lượng, năng suất sản phẩm thấp dễ bị sâu bệnh... 

Chất lượng giống quế chưa cao, do chưa được quan tâm đầu tư nhân lực cho khâu chọn giống, nhân giống công nghệ cao. Việc tiêu thụ sản phẩm quế (vỏ, lá) phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, chưa hình thành hiệp hội người sản xuất quế. Trong đó sản phẩm gỗ quế mới chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ tại chỗ hoặc sử dụng làm cột chống, ván bóc, chưa có cơ sở thu mua, chế biến các sản phẩm ván thanh, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. 

Ngoài ra, mặc dù cây quế đã được trồng thành những cánh rừng bạt ngàn, nhưng chưa được cấp chứng chỉ FSC; diện tích rừng quế đạt tiêu chuẩn quế hữu cơ chiếm tỷ lệ thấp...

Dấu ấn khuyến nông với những mô hình “5 tăng”: Cây quế Lào Cai xuất ngoại, thu về 600 tỷ đồng (Bài 5) - Ảnh 3.

Nông dân huyện Bắc Hà đẩy mạnh sản xuất quế theo hướng hữu cơ. Ảnh: X.Q

Để phát triển cây quế theo hướng bền vững, tăng cường chế biến sâu, ông Hà Văn Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai cho rằng, cần giữ ổn định diện tích trồng quế trên địa bàn tỉnh (đến năm 2025 đạt 52.500ha). Không trồng quế ra ngoài vùng sinh thái; không trồng quế ra ngoài vùng quy hoạch. 

Cần quản lý tốt quy hoạch các nhà máy chế biến, đặc biệt là nhà máy chế biến tinh dầu quế, không để xảy ra tình trạng tranh mua nguyên liệu; ưu tiên cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp có sản xuất chế biến sâu như: chiết xuất tinh dầu quế công nghệ cao; sản xuất hàng mỹ nghệ từ vỏ quế, gỗ quế…

Khẩn trương xây dựng thêm các vườn giống và rừng giống mới trên cơ sở có cây mẹ được chọn lọc cẩn thận và đạt tiêu chuẩn công nhận giống; quản lý chặt chẽ nguồn giống, chất lượng cây giống trồng rừng tại các địa phương. 

Về giải pháp tổ chức sản xuất, kinh doanh: Cần thành lập Hiệp hội Quế tỉnh Lào Cai; thành lập các tổ nhóm/HTX hỗ trợ nhau trong việc trồng, chăm sóc, khai thác và sơ chế các sản phẩm từ cây quế.

Kêu gọi và ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sâu tại các huyện Bảo Yên, Văn Bàn... Hỗ trợ liên kết thành lập các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh quế; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, đẩy mạnh diện tích trồng quế hữu cơ... 

Giai đoạn 2021 -2025, tỉnh Lào Cai duy trì hoạt động của các cơ sở chế biến hiện có; tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở chiết xuất tinh dầu quế; 1 nhà máy chế biến sâu tinh dầu quế với công suất trên 500 tấn tinh dầu/năm; 2 nhà máy chế biến sâu vỏ quế, công suất trên 10.000 tấn. Giai đoạn 2026-2030, nâng công suất chế biến của các cơ sở chế biến quế trên địa bàn tỉnh.

Nghiên cứu các xu thế phát triển thị trường, nhu cầu tiêu thụ các loại sản phẩm quế sau chế biến theo hướng đi tắt đón đầu, khuyến khích sản xuất, xuất khẩu đến các thị trường khó tính; tìm kiếm thị trường lâm sản xuất khẩu, tập trung vào thị trương Mỹ và các nước châu Âu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem