Kể từ tháng 3/1973, khi được dược sĩ Đào Kim Long và các cộng sự phát hiện giữa đại ngàn Ngọc Linh hùng vĩ, “cuộc đời” của sâm Ngọc Linh đã trải qua nhiều thăng trầm. Nổi tiếng vì độ quý và độ hiếm, nhưng cũng bị săn lùng ráo riết, đứng bên bờ vực tuyệt diệt vì độ quý và hiếm ấy.
Theo kết quả điều tra, khảo sát các năm 1978-1979, có khoảng 108 vùng sâm mọc tự nhiên trên địa bàn 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Trong đó tỉnh Kon Tum chiếm đại đa số với khoảng 92 vùng sâm mọc tập trung ở 10 xã thuộc 2 huyện Đăk Glei và Đăk Tô (nay thuộc Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum).
Nhưng sau một thời gian dài khai thác tự do, mua bán, sử dụng tràn lan, không được quản lý, bảo vệ cũng như thiếu các chính sách, giải pháp quy hoạch bảo tồn, phát triển nên 108 vùng sâm gần như bị xóa sổ.
Rất may, với tầm nhìn xa, từ những năm đầu của thập niên 90, tỉnh Kon Tum đã bắt đầu có những động thái tích cực. Trong đó, cùng lúc tiến hành khoanh vùng bảo vệ diện tích sâm ít ỏi còn lại; thúc đẩy công tác quy hoạch, đầu tư bảo tồn và mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh.
Theo số liệu mới nhất, đến nay tổng diện tích sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum đạt 1.263,3ha, với hơn 24,8 triệu cây, tổng sản lượng ước khoảng 213,6 tấn sâm củ.
Năm 1995, chỉ có dăm hộ gia đình ở thôn Lạc Bông, xã Ngọc Lây, huyện Đăk Tô (nay thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) trồng 0,4ha sâm, hiện đã có hơn 1.165 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất trồng sâm.
Vườn sâm giống của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: T.H
Toàn tỉnh Kon Tum đã có 5 doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh; 2 doanh nghiệp được công nhận vườn sâm gốc, là Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô.
Có thể khẳng định, nhờ những nỗ lực của chính quyền và nhân dân Kon Tum, sâm Ngọc Linh đã thoát khỏi hiểm họa tuyệt chủng.
Nhưng khi sâm Ngọc Linh buớc qua “cửa” hẹp một cách ngoạn mục thì lại gặp vấn nạn khác. Đó là sâm giả hoành hành và nguy cơ lai tạp gene, dẫn đến mất tính thuần chủng, đặc hữu.
Vườn sâm Ngọc Linh giống gốc được bảo vệ nghiêm ngặt để giữ nguồn gene quý. Ảnh: TH
Bây giờ mua giống sâm Ngọc Linh dễ lắm, giá lại rẻ, không hạn chế số lượng. Cứ lên mạng tìm là có. Chúng rất giống hạt sâm của mình trồng, nên người dân dễ bị lừa- A Liêm (làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) cho hay.
A Thim (thôn Xa Úa, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei), một người trồng sâm lâu năm, cũng không dám nói phân biệt rõ hạt giống sâm Ngọc Linh và loại hạt mua trôi nổi trên thị trường. Trong làng nhiều hộ dân đã mua hạt giống trôi nổi về trồng, dù không biết nguồn gốc lẫn người bán.
Hiện nay, khoảng 90% hạt giống, cây giống được giới thiệu là sâm Ngọc Linh bán ngoài thị trường không phải là sâm Ngọc Linh- lãnh đạo một doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông khẳng định.
Dù không phải là dân trồng sâm, hay nhà nghiên cứu, tôi cũng hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Khi sâm giả được trồng ngay tại “thủ phủ” sâm Ngọc Linh, nguy cơ lai tạp dần và mất đi nguồn gen đặc hữu là rất lớn.
Ông Trần Hoàn- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum nhìn nhận, khi cây sâm giả len lỏi vào các vườn sâm, được trồng như sâm Ngọc Linh, thì bảo vệ nguồn genne thuần chủng, không bị lai tạp cho sâm Ngọc Linh là cuộc chiến gian nan và lâu dài.
Tất nhiên đây là một hành trình dài đằng đẵng, không tính bằng tháng, bằng năm, mà tính bằng quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Trong đó, về phía chính quyền và ngành chức năng, cần tăng cường đấu tranh, ngăn chặn nạn mua bán giống sâm Ngọc Linh giả; thường xuyên kiểm tra địa bàn trồng sâm để kiểm định, kịp thời ngăn ngừa và loại trừ các loại giống giả sâm Ngọc Linh.
Phát huy vai trò của cộng đồng, tạo nên rào chắn vững chắc ngăn chặn giống sâm “ngoại lai” có cơ hội trà trộn vào thủ phủ sâm Ngọc Linh. Vận động người dân trong vùng sâm tham gia tố giác các hành vi buôn bán giống sâm Ngọc Linh giả.
Về phía người dân, cần nâng cao ý thức ngăn chặn giống sâm giả xâm nhập vào vùng sâm, không mua giống sâm từ bên ngoài; chỉ sử dụng giống sâm tự ươm, hoặc được cung cấp bởi doanh nghiệp có vườn sâm gốc được công nhận.
Như A Liêm ở thôn Pu Tá, xã Măng Ri. Anh có mấy trăm gốc sâm đã được 7 năm tuổi, toàn bộ hạt thu được đều dành để ươm giống tự trồng, chứ không bán, cũng không mua thêm giống bên ngoài.
Về phía doanh nghiệp, kinh nghiệm từ Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho thấy, sự kiên trì giữ gìn nguồn gene thuần chủng cho sâm Ngọc Linh là nền tảng của thành công.
Đi tiên phong trong việc bảo vệ, gìn giữ nguồn gene và trồng sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, đến nay, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum có hơn 600ha sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng nguyên sinh, trong đó có những vườn sâm gốc hàng chục năm tuổi.
Những hạt sâm Ngọc Linh giống sẽ được thu hái, gieo ươm, không bán ra ngoài. Ảnh: TH
Là 1 trong 2 doanh nghiệp, tới thời điểm này, được UBND tỉnh Kon Tum chứng nhận vườn sâm gốc, mỗi năm Công ty cấp miễn phí hàng chục ngàn cây sâm giống cho đồng bào DTTS, nhưng không bán ra thị trường.
“Chúng tôi chỉ dùng để mở rộng diện tích và hỗ trợ giống cho đồng bào DTTS nghèo ở vùng chỉ dẫn địa lý trồng, vừa để giúp dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng vừa bảo vệ nguồn gen sâm quý, tránh sự lai tạp”- ông Trần Hoàn khẳng định.
Hạt giống sâm Ngọc Linh được chọn lọc kỹ càng từ cây mẹ khỏe mạnh, từ 4 năm tuổi trở lên, đảm bảo đủ điều kiện sinh trưởng và phát triển, đạt độ chín nhất định. Quá trình thu hái và xử lý hạt giống cũng được thực hiện rất tỉ mỉ, cẩn thận, nhằm bảo vệ nguồn gen và thương hiệu.
Doanh nghiệp cũng thành lập các tổ, đội, nhóm hộ để quản lý vườn sâm, quản lý cây giống, không cho bất cứ cá nhân nào mang cây ngoại lai, không rõ nguồn gốc vào vùng trồng.
Trong chuyến thăm, làm việc mới đây tại tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã cam kết thúc đẩy hỗ trợ tỉnh trong việc bảo vệ nguồn giống thông qua dự án nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống sâm Ngọc Linh.
Mục tiêu cuối cùng là phải giữ được nguồn gene sâm Ngọc Linh thuần chủng cho mai sau.