Đội tuồng cổ đất Nghệ An mỗi dịp mở màn là cả làng háo hức đi xem, già trẻ, gái trai vui như Tết

Cao Tiến - Lê Tập Thứ hai, ngày 14/11/2022 05:14 AM (GMT+7)
Quê tôi nghèo làng tôi cũng nghèo, sống quây quần sau lũy tre xanh, làng quê đã một thời lưu giữ nét văn hóa làng xã, môn nghệ thuật tuồng cổ "món ăn tình thần" mỗi khi Tết đến xuân về, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Đó là làng tuồng Diễn Thịnh, Diễn Châu (Nghệ An).
Bình luận 0

Cuộc đời tôi đã đi qua bao thăng trầm bỉ cực, bao cảm xúc vui buồn. Đến tuổi xế chiều lại miên man hoài niệm. Ký ức cứ ùa về trong tôi là những đêm trăng sáng, tiếng trống tuồng mênh mang da diết, rộn rã ngõ quê...

Không biết môn nghệ thuật tuồng cổ đến với làng tôi từ bao giờ mà lớn lên tôi đã chứng kiến trai gái, trẻ già ai ai cũng đam mê. Người ta hát ngoài nương mạ, trên luống cày, khi xay lúa, giã gạo. Lũ mục đồng chúng tôi thường nghêu ngao trên lưng trâu. Tiếng hát xua tan cái đói, cái nghèo thời bao cấp.

Làng tuồng cổ “món ăn tình thần” mỗi khi Tết đến, xuân về - Ảnh 1.

Các nghệ nhân làng tuồng Diễn Thịnh, Diễn Châu (Nghệ An) luyện tập trước giờ biểu diễn. Ảnh: CY

Nghe cha tôi kể lại, ham thích thú vui tuồng cổ mà ông nội tôi đã bàn với mấy người khá giả trong làng đi bộ hơn 20 cây số xuống làng Vạn Phần (thuộc xã Diễn Vạn huyện Diễn Châu ngày nay) mời thầy Đào Hưu một nghệ nhân tuồng cổ nổi tiếng thời bấy giờ lên Yên Thành để dạy hát.

Mặc dầu hoàn cảnh thời bấy giờ hết sức khó khăn, trong làng đa số là ăn khoai trừ bữa nhưng làng cũng cố gắng nuôi thầy ăn ở một thời gian khá dài, những nhà nào được xóm phân công nấu cơm cho thầy đó là một niềm vui lớn. Nhân dân xem thầy như báu vật, như máu mủ ruột rà.

Làng tuồng cổ “món ăn tình thần” mỗi khi Tết đến, xuân về - Ảnh 2.

Một buổi diễn tập của các diễn viên tuồng ở xã Diễn Hoàng, Diễn Châu (Nghệ An). Ảnh: ĐN. Nghệ thuật tuồng cổ ở xã Diễn Hoàng đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới.

Rồi làng tổ chức vào rừng khai thác gỗ bán lấy tiền mua sắm phông màn và trang phục quần áo. Bởi thế, làng tôi được mấy làng lân cận quen gọi là làng tuồng xóm Yên Trung. 

Nghề chơi cũng lắm công phu, để hoàn tất một vở tuồng từ lúc tập đến khi ra mắt công chúng không đơn giản chút nào, từ son phấn, phông màn, ánh sáng đến trang phục áo quần, rồi lo việc tiếp khách trong hoàn cảnh "ham vui chịu lận".

 Những người "vác tù và hàng tổng" phải dậy từ khi gà đang ngủ, họ phân công nhau đi vận động tiền gạo trong dân, số thanh niên, trung tuổi thì đảm nhiệm dựng sân khấu. Bao nhiêu tre pheo, gỗ lạt, dong ngắn, dong dài được vác ra. 

Một vài người khéo tay thì làm hoạt cảnh sân khấu. Từ thầy đạo diễn, đến người kéo phông kiêm phụ trách ánh sáng, đến cụ đánh trống chầu, trống con, phối kết hợp nhịp nhàng ăn ý.

Làng tuồng cổ “món ăn tình thần” mỗi khi Tết đến, xuân về - Ảnh 3.

Các diễn viên hóa trang vào vai trong vở diễn tuồng Tiếng Trống Mê Linh: Ảnh: VT

Ai ai cũng lo hoàn thành công việc được giao mà chẳng có một đồng tiền thù lao nào cả. Tôi được phân công đứng nép sau cánh gà nhắc bản. 

Công việc này đòi hỏi phải tỉnh táo, nếu không" sai một ly đi một dặm". Những diễn viên sáng dạ thuộc làu kịch bản thì nhàn hạ. Khổ nhất là diễn viên nặng tai nhắc một đàng hát một nẻo làm cho khán giả cười rách miệng. Cũng từ sân chơi này tôi mới hiểu ra các làn điệu tuồng cổ.

Khi anh kép vung roi lên ngựa thì hát bắc tẩu, lão chèo đò ra xưng danh thì hay hát điệu khách, những câu hát nam thường theo thể thơ lục bát. Lúc buồn thì hát điệu nam thương giọng nghẹn ngào, sâu lắng, khi vui thì hát nam xuân, lúc lâm nguy quân giặc đuổi sau lưng thì hát nam loạn v v v... 

Làng tuồng cổ “món ăn tình thần” mỗi khi Tết đến, xuân về - Ảnh 4.

Khi các buổi diễn tuồng diễn ra, các cụ cao niên trong làng thường đến sớm và còn mặn mà với môn nghệ thuật tuồng cổ, Ảnh: VT

Tuồng cổ là món ăn tinh thần của dân quê tôi mỗi khi tết đến, xuân về. Những đêm diễn khán giả các làng lân cận đến xem rất đông. Có lần đang hát nữa chừng thì đèn măng xông rụng lưới khán giả vẫn ngồi chờ. 

Có hôm mưa phùn ướt áo khán giả vẫn không bỏ cuộc. Tuồng gắn bó với quê tôi như duyên nợ khó gỡ ra. Hôm nay tế tổ họ làng trên yêu cầu, ngày mai làng dưới gọi, họ lại kéo nhau đi biểu diễn cho tận sáng mới về...

Thời gian thấm thoắt trôi đi... những cô đào, anh kép lần lượt về với cát bụi. Theo đà phát triển cũng như nhu cầu cuộc sống văn minh, tivi, điện thoại thông minh về làng, tuồng quê dần dần mai một và chìm trong quên lãng.

Làng tuồng cổ “món ăn tình thần” mỗi khi Tết đến, xuân về - Ảnh 5.

Các diễn viên hóa trang cho nhau trước khi ra sân khấu diễn tuồng. Ảnh: VT

Hình ảnh cha tôi trong bộ áo dài đen, đầu đội khăn đóng, chân đi guốc mộc trong vai lý trưởng làng, hình ảnh chú tôi mặc áo giáp lấp lánh kim tuyến trong vai Lục Vân Tiên hồi trào.

Hình ảnh những người nông phu chân đất với nước da sạm nắng quên đi nỗi nhọc nhằn mưu sinh hóa thân vào vai diễn, hình ảnh cứ mỗi buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống tiếng mõ trâu lốc cốc về chuồng, tiếng trống tuồng lại vang lên rộn rã ngõ quê, tiếng trẻ con gọi nhau í ới như thôi thúc tôi nôn nao dòng hoài niệm nuối tiếc một nét văn hóa làng xã đã chìm vào quên lãng.

Đội tuồng cổ với những vở tuồng ở xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An vẫn hoạt động, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem