Xã Đa Mi là xã miền núi của huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) được thành lập từ năm 2002 có tổng diện tích tự nhiên là 14.537 ha. Dân số tại đây là từ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đến sinh sống và lập nghiệp. Xã có Quốc lộ 55 đi qua thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Tính đến nay, toàn xã Đa Mi có khoảng 850 ha sầu riêng và 1.500 ha cây ăn quả khác như mít, bơ, măng cụt, chuối; nguồn nước mặt từ các sông suối, nước ngầm, nước từ nhà máy thủy điện đảm bảo cho việc sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Cây sầu riêng là một trong số những loại cây ăn trái mang lại thu nhập cao cho nông dân xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Cây sầu riêng, trái sầu riêng trồng ở xã Đa Mi đã được cấp mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu.
Theo đó, việc sản xuất trái cây an toàn hiện nay đã và đang được nhiều nhà vườn, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng để phục vụ nhu cầu xuất khẩu theo đường chính ngạch. Để làm được mô hình này, các hộ nông dân đã hợp tác với nhau, liên kết cùng phát triển, qua đó dễ dàng quản lý được quy trình sản xuất trái cây sạch và an toàn, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài.
Thông qua việc liên kết hợp tác với doanh nghiệp từ khâu đầu vào đến đầu ra đã giúp nông dân hạ giá thành sản xuất, tăng giá bán nông sản, thu lợi nhuận cao hơn trên cùng một diện tích canh tác, do đó nhiều hộ nông dân đã vươn lên làm giàu chính đáng.
Điển hình như Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đa Mi được thành lập từ tháng 10/2021, với 20 thành viên sản xuất trên 60 ha cây sầu riêng và cá loại cây ăn quả khác.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, giá các loại phân bón vật tư tăng cao, nhưng được sự quan tâm của các ngành trong tỉnh và huyện, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đa Mi đã không ngừng phát triển thêm thành viên mới, mở rộng quy mô liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ và hoàn thành mã vùng trồng cho cây sầu riêng.
Trong thời gian qua, Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đa Mi vận dụng tốt các chính sách hộ trợ của Nhà nước và tập trung huy động các nguồn lực từ bên ngoại và bên trong hợp tác xã để tạo ra sức mạnh tập thể nhằm sản xuất trái sầu riêng và các loại trái cây khác theo tiêu chuẩn công nghệ cao tạo ra sản phẩm trái cây sạch để xuất khẩu chính ngạch.
Đồng thời, cung ứng các dịch vụ như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, giống cây ăn quả cho các thành viên để phục vụ sản xuất sản phẩm với giá cả phù hợp, kịp thời, đảm bảo chất lượng, giảm chi phí đầu vào, góp phần tăng năng suất, sản lượng, tăng thu nhập cho các thành viên, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho cộng đồng.
Để xây dựng thương hiệu cho trái cây Đa Mi, trong thời gian tới Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Đa Mi tiếp tục yêu cầu các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất để đảm bảo uy tín cho sản phẩm của mình; đăng ký sản phẩm tham gia OCOP cấp huyện và cấp tỉnh; tiếp tục xây dựng mã QR, logo, tem truy xuất nguồn gốc.
Phát huy chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trái cây Đa Mi đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất; tiếp tục mở thêm các ngành nghề nhằm đưa Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đa Mi ngày càng phát triển.