Nghi thức đặc biệt thiêng liêng diễn ra tại tháp Pô Sah Inư mà không người Chăm nào ở Bình Thuận muốn bỏ lỡ

Bùi Phụ- Nguyên Vũ Thứ hai, ngày 11/07/2022 13:20 PM (GMT+7)
Nhiều năm qua, du khách đến tắm biển Mũi Né rất thích chân ghé thăm tháp Pô Sah Inư (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) để được thưởng thức chương trình nghệ thuật dân gian, độc đáo do các nghệ sỹ người Chăm biểu diễn.
Bình luận 0

Lên tháp Pô Sah Inư thưởng thức nghệ thuật dân gian

Chúng tôi đến thăm tháp Pô Sah Inư vào một ngày trung tuần tháng 7/2022 vào một ngày đầy nắng gió và có đông khách du lịch tham quan.

Tháp Pô Sah Inư nằm trên ngọn đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài, cách trung tâm TP. Phan Thiết khoảng 7km nằm về phía Đông Bắc trong khu di tích Lầu Ông Hoàng ngày xưa.

Tháp Pô Sah Inư, nơi lưu dấu văn hóa của người Chăm ở Bình Thuận - Ảnh 1.

Tháp Pô Sah Inư, nơi lưu dấu văn hóa của người Chăm ở Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vũ

Chị Kiều Oanh, một hướng dẫn viên du lịch thường đưa khách từ TP.HCM đến tham quan, nghỉ dưỡng ở Bình Thuận cho biết, du khách rất thích đến xem chương trình nghệ thuật tại Pô Sah Inư. Không riêng gì khách trong nước mà cả những đoàn khách nước ngoài cũng đều hứng thú.

"Trước đây tôi đưa khách nước ngoài đến đây và khi họ chứng kiến những nghệ thuật dân gian của các nghệ sỹ người Chăm biểu diễn, họ tỏ ra rất thích. Nhất là tiếng kèn Saranai của các nghệ nhân người Chăm lớn tuổi ngồi thổi say mê dưới chân tháp…", chị Kiều Oanh nói.

Theo thông tin từ Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, tháp Pô Sah Inư được coi là biểu tượng của Vương quốc Chăm Pa thời đó. Tháp có lối kiến trúc Hòa Lai - một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chămpa.

Tháp Pô Sah Inư, nơi lưu dấu văn hóa của người Chăm ở Bình Thuận - Ảnh 2.

Biểu diễn nghệ thuật dân gian văn hóa Chăm tại tháp tại Pô Sah Inư. Ảnh: Nguyên Vũ

Hàng năm, đông đảo người Chăm từ các vùng lân cận đến tháp Pô Sah Inư cúng, viếng cầu bình an, làm lễ cầu mưa, cầu cho những chuyến đi biển được bình yên, cùng những nghi lễ truyền thống khác. Nhất là dịp lễ hội Katê diễn ra vào tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 9 - 10 dương lịch). Tại đây, cộng đồng người Chăm tổ chức ca hát nhảy múa dưới chân tháp, chia sẻ niềm vui và cũng là lời cảm tạ đối với các vị tiền nhân...

Theo Ban quản lý tháp Pô Sah Inư, vào các ngày cuối tuần, trung bình nơi đây đón 1.000 lượt khách/ngày. Riêng trong tháng 6 vừa qua, tháp đón hơn 16.500 lượt khách, tăng cao so các năm.

Tháp Pô Sah Inư nghìn tuổi  

Theo tư liệu để lại, tháp Pô Sah Inư là một trong những cụm tháp còn tương đối nguyên vẹn. Khoảng cuối thế kỷ thứ 8 đầu thế kỷ thứ 9, người Chăm xây dựng nhóm đền tháp này với mục đích để thờ vị thần Shiva - là một trong những vị thần Ấn Độ giáo được sùng bái và tôn kính.

Tháp Pô Sah Inư, nơi lưu dấu văn hóa của người Chăm ở Bình Thuận - Ảnh 3.

Các nghệ nhân làm gốm truyền thống Chăm bằng phương pháp thủ công phục vụ du khách tại Pô Sah Inư. Ảnh: Nguyên Vũ

Đến thế kỷ 15, được xây dựng thêm một số đền thờ với kiến trúc đơn giản để thờ công chúa Pô Sha Inư.

Theo lưu truyền của người Chăm, công chúa Pô Sah Inư (con vua Para Chanh) là người có tài đức và phép ứng xử nên được người Chăm đương thời yêu quý. Sau khi công chúa qua đời, người Chăm tôn thờ và kề từ đó, cái tên tháp gắn liền với tên công chúa Pô Sah Inư.

Trải qua nhiều thế kỷ, biết bao thăng trầm thay đổi của cuộc sống, phai mòn của thời gian, tháp Pô Sah Inư vẫn đứng như một biểu tượng văn hóa Chăm giữa đất trời lộng gió…

Năm 1992-1995, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã có những cuộc khảo cổ tại nơi này và phát hiện ra nhiều nền móng của những ngôi đền bị sụp đổ, bị vùi lấp. Song song đó là gạch ngói, một số hiện vật trong lòng các đền tháp có niên đại từ thế kỷ 15.

Tháng giêng âm lịch hàng năm, dưới chân tháp đều có diễn ra các lễ hội như Rija Nưga, Poh Mbăng Yang... Người Chăm làm lễ cầu mưa, cầu an...

Vào những ngày lễ - Tết cổ truyền, tại di tích tháp Pô Sah Inư đã rộn ràng diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật chủ đề "Mừng Đảng - Mừng Xuân" phục vụ nhu cầu du xuân, đón tết của nhân dân địa phương và khách du lịch.

Tại khu vực tháp chính của di tích là các chương trình biểu diễn nhạc cụ truyền thống và múa dân gian Chăm do các nghệ nhân Chăm và Đội Văn nghệ dân gian tháp Pô Sah Inư biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Tháp Pô Sah Inư, nơi lưu dấu văn hóa của người Chăm ở Bình Thuận - Ảnh 4.

Biểu diễn nghệ thuật dân gian văn hóa Chăm tại tháp tại Pô Sah Inư. Ảnh: Nguyên Vũ

Đến tháp Pô Sah Inư, du khách không những được thưởng thức nét đẹp của văn hóa dân gian truyền thống mà xem chương trình nghệ thuật du khách còn có cơ hội hiểu hơn về sự huyền bí và độc đáo của nghệ thuật độc tấu nhạc cụ truyền thống múa dân gian Chăm.

Tại khu vực tháp chính, các nghệ nhân còn luân phiên trình diễn nghệ thuật dệt thổ cẩm và làm gốm truyền thống Chăm bằng phương pháp thủ công.

Nghi lễ tắm Linga trên tháp Pô Sah Inư

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, hơn một thiên niên kỷ trước cho đến thế kỷ XVII, việc thờ sinh thực khí rất phổ biến trong vương quốc Chămpa, biểu hiện qua việc thờ Linga – Yoni. Cơ quan sinh sản được đặc tả để nói về ước vọng phồn sinh và các lễ nghi tương ứng cũng được thực hành và lưu truyền thành tín ngưỡng phồn thực của người Chăm vẫn được duy trì cho đến ngày nay.

Hiện vẫn còn điệu múa phồn thực (Klai Kluk) ở một số địa phương (còn gọi là múa âm dương), với các động tác thể hiện sự giao hợp giữa người nam và người nữ. 

Đó là biểu hiện tính năng phồn thực rõ nhất của người Chăm với ý nghĩa sâu xa: Trời với đất giao hòa. Từ đó con người, vật nuôi, cây trồng sinh sôi nảy nở, đây là triết lý phồn thực của người Chăm và là tín ngưỡng tôn giáo cổ xưa còn lại.

Lễ hội Katê của người Chăm nói chung và Katê ở Pô Sah Inư nói riêng có rất nhiều nghi lễ nối tiếp nhau, trong đó tín ngưỡng phồn thực được biểu hiện ở nghi lễ tắm bệ thờ Linga – Yoni.

Trước đó lễ mở cửa tháp được thực hiện với sự có mặt của vị Cả sư, một tu sĩ kéo đàn Rabap và hát thánh ca, bà bóng dâng lễ vật lên các vị thần. Đứng trước cửa tháp, vị Sư cả dâng lễ vật và trà rượu, trầu cau xin Pô Sah Inư và 18 vị thần linh được mở cửa tháp. Khi 2 cánh cửa được mở về 2 bên, bệ thờ Linga – Yoni trong lòng tháp lộ ra trong khói hương trầm tỏa ra nghi ngút. Sau khi lễ mở cửa tháp kết thúc cũng là lúc lễ tắm bệ thờ Linga – Yoni bắt đầu. 

Clip"Tháp Pô Sah Inư, nơi lưu dấu văn hóa của người Chăm ở Bình Thuận. Thực hiện: Bùi Phụ- Đức Cường - Tuấn Duy - Nguyên Vũ.

Bệ thờ Linga – Yoni được tạc chung trên một khối đá, Linga hình trụ tròn phía dưới vị trí gần tiếp giáp với Yoni có một đường viền nổi bao quanh. Linga là biểu hiện của dương vật được tạo tác thẳng đứng ở trung tâm giữa bệ Yoni. Yoni là biểu hiện của âm vật, có rãnh xung quanh kéo dài về phía Bắc để thoát nước. Bộ sinh thực khí Linga – Yoni biểu thị sự tái tạo muôn loài, sự bảo tồn nòi giống và vạn vật trong vũ trụ. Khi Ấn Độ giáo ảnh hưởng vào vương quốc Chămpa thì thần Siva được đồng hóa với Linga. Về sau Linga còn được biểu thị cho quyền uy và sức mạnh của vua chúa và tầng lớp quý tộc Chăm.

Trong không gian thiêng ở lòng tháp huyền bí, giữa khói trầm hương nghi ngút, tiếng đàn réo rắt, lời bài thánh ca trầm bổng và lời khấn cầu của thầy Cả sư: "… Chúng con kính mong thần phù hộ cho dân làng khỏi bệnh tật, mong thần xóa bỏ những tội lỗi cho dân làng...".

Tiếp đó một vị tu sĩ vừa kéo đàn Rabáp vừa hát bài thánh ca đến đâu thì thầy Cả sư rẩy nước thánh lên bệ thờ Linga – Yoni đến đó. Nước tắm là một loại nước có màu nâu sẫm, loại nước này được chưng cất từ một bài thuốc dân gian gồm nhiều vị thuốc lấy từ rừng về. Lúc này bà bóng với những động tác huyền bí cầu xin thần thánh phù hộ, độ trì cho cộng đồng trong việc sinh sôi nảy nở, duy trì nòi giống, ban phát những điều tốt lành và hạnh phúc cho con người ở trần thế. Vị Cả sư đổ nước thánh đến đâu, bà bóng dùng tay vuốt rửa Linga đến đó.

Tháp Pô Sah Inư, nơi lưu dấu văn hóa của người Chăm ở Bình Thuận - Ảnh 5.

Biểu diễn kèn Saranai phục vụ du khách tại Pô Sah Inư. Ảnh: Nguyên Vũ

Nước tắm rửa từ đỉnh Linga xuống bệ Yoni và chảy ra khe bên dưới rãnh thoát nước đã được đặt sẵn một chậu để hứng nước rửa. Kết thúc nghi thức tắm bệ thờ Linga – Yoni, chậu nước thánh được đưa ra trước cửa tháp. Lúc này các bà, các chị đủ mọi lứa tuổi chờ đợi sẵn để lấy nước rửa bệ thờ Linga – Yoni bôi vuốt lên đầu, mặt và thân thể mình để cầu mong sức khỏe tài lộc, may mắn và nhất là việc sinh nở, duy trì nòi giống được như ý.

Sau đó, lần lượt mọi người cùng chắp tay, quỳ lạy trước cửa tháp để cầu xin thần linh, ông bà linh ứng phù hộ cho những ước nguyện của họ. Lễ tắm Linga - Yoni được thực hiện một cách cẩn trọng, thể hiện sự tôn vinh của cộng đồng người Chăm đối với linh vật, một sinh thực khí thiêng liêng mà họ coi là nguồn gốc của con người, tổ tiên, nơi tạo ra mọi sự sinh sôi nảy nở để duy trì nòi giống và vạn vật.

Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận (Sở VHTTVDL), nhằm kích cầu du lịch và phục vụ du khách trong dịp hè, năm nay Ban quản lý tháp Pô Sah Inư đã mời các nghệ sĩ, nghệ nhân thuộc Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm ở Ninh Thuận đến biểu diễn nhạc cụ truyền thống, múa dân gian phục vụ du khách trong 3 ngày cuối tuần (thứ Sáu, thứ Bảy và chủ Nhật).

Chương trình bắt đầu từ ngày 24/6 và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 8/2022. Trong tháng 7 này, Ban quản lý tháp sẽ tổ chức triển lãm tranh về di sản địa phương, còn tháng 8 là triển lãm di tích và lễ hội Chăm, chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận. Ngoài thưởng thức các tiết mục nghệ thuật, du khách còn được tham quan, mua sắm, lưu giữ kỷ niệm tại các gian hàng quà lưu niệm trên đường lên tháp chính.

img

Du khách rất thích xem chương trình nghệ thuận văn hóa Chăm tại tháp tại Pô Sah Inư. Ảnh: Nguyên Vũ

Sở VHTTVDL Bình Thuận cho biết, lễ hội Katê năm 2022 sẽ diễn ra trong 2 ngày từ 24 - 25/10, tại tháp Pô Sah Inư. Lễ hội sẽ có phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ do chức sắc người Chăm Bàlamôn huyện Hàm Thuận Bắc thực hiện cúng theo tập tục tại tháp chính (tháp A) và các nghi lễ mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục, đại lễ cúng mừng Katê.

Nhân dịp này, Sở VHTTVDL Bình Thuận sẽ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những ngày này tại Pô Sah Inư sẽ diễn ra các môn thi trưng bày và trang trí lễ vật trên Thônla, Cổ bồng để dâng tế nữ thần Pô Sah Inư tại sân khấu chính, chương trình nghệ thuật dân gian Chăm, hội thi giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật, bịt mắt đập niêu...




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem